Hướng dẫn tự thay pin, độ pin cho loa bluetooth di động tại nhà

Chào các bạn, hôm nay mình sẽ hướng dẫn các bạn các bước chi tiết để có thể tự thay thế hoặc độ pin dung lượng lớn hơn cho loa di động bluetooth ngay tại nhà. Model mình sử dụng để hướng dẫn các bạn là chiếc Harman Kardon go play mini. Nhưng bạn cũng có thể áp dụng với hầu hết các loại loa khác thông dụng hiện nay.

Hướng dẫn tự thay pin, độ pin cho loa bluetooth di động tại nhà

Chiếc loa này đã được sử dụng một thời gian và có giấu hiệu trai pin nặng khi dung lượng thực tế sau khi sạc đầy chỉ được 1-2 tiếng. Bây giờ chúng ta cùng bắt đầu theo các bước dưới đây để thực hiện nhé.

Ngoài ra nếu bạn không muốn tự làm hoặc độ pin cho các thiết bị khác có thể liên hệ với mình 0943.774.012 – MR Thịnh

Tháo vỏ loa

Đầu tiên các bạn cần phải tìm cách tháo bỏ lớp vỏ bên ngoài, chú ý nên làm từ từ và nhẹ nhàng vì đa phần các loại loa di động hiện nay sử dụng khá nhiều lẫy nhựa, nếu bạn dùng lực quá mạnh có thể làm gẫy các lẫy nhựa khiến giảm tính thẩm mỹ sau khi lắp lại.

Tháo vỏ loa Harman Kardon go play mini

Tháo bỏ 2 tấm chắn bảo vệ các bạn sẽ thấy màng loa bên trong, lưu ý trong lúc thao tác nên cẩn thận không chạm vào màng loa tránh làm rách màng loa hoặc mồ hôi tay, các chất bẩn dính lên màng loa cũng làm giảm tuổi thọ, chất lượng âm thanh của loa

đôi khi viên pin có thể bị phồng theo thời gian

Sau khi tháo được vỏ loa ra bạn cần xác định gói pin của thiết bị và nhẹ nhàng tháo ra khỏi thiết bị, đôi khi viên pin có thể bị phồng theo thời gian gây khó khăn cho việc tháo ra khỏi khoang chứa, nên rút hết các dây kết nối trước khi thao tác.

Để tránh nhầm lẫn bạn cũng nên đánh dấu hoặc chụp lại ảnh của các giắc kết nối trước khi bắt đầu tháo chúng ra

Kiểm tra và xác định thông số của pin

Bước này rất quan trọng sau khi bạn tháo được viên pin ra khỏi thiết bị. Thông thường trên vỏ các gói pin sẽ có nhãn dán in thông tin của pin nên bạn tránh làm rách vỏ của pin trước khi xác định được thông số của pin

Kiểm tra và xác định thông số của pin

Ví dụ ở đây là thông số viên pin sử dụng trong Harman Kardon go play mini. Các thông số quan trọng cần xác định đó là điện thế của viên pin (7.4v), dung lượng pin (3000 mAh), và loại cell pin (lythium polymer).

Ở đây bạn có 2 tùy chọn, đó là thay thế viên pin với thông số tương đương có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn viên pin nguyên bản. Hoặc bạn cũng có thể thay thế viên pin có dung lượng lớn hơn ( cho thời gian sử dụng lâu hơn).

Với tùy chọn đầu tiên sẽ dễ dàng hơn đối với những bạn mới, bạn có thể dễ dàng mua viên pin với thông số này trên thị trường hiện nay và thay thế viên pin cũ bằng cách cắt giắc nối từ viên pin cũ và nối sang viên pin mới ( lưu ý đúng cực tính đỏ là dương và đen là âm).

Với lựa chọn thứ 2 công việc sẽ phức tạp hơn một chút cần phải tính toán cấu hình gói pin. Cách thứ nhất thì đơn giản và không phải tính toán gì nhiều nên hôm nay mình sẽ hướng dẫn các bạn theo cách thứ 2.

Cách độ pin dung lượng lớn hơn cho loa bluetooth

Để có thể độ pin lớn hơn chúng ta cần tìm hiểu một chút về cấu hình của một viên pin, các thông số quan trọng cần lưu ý dưới đây.

Loại cell pin sử dụng

Ở đây loa Harman Kardon go play mini sử dụng loại cell lythium polymer, loại cell sẽ quyết định mức điện áp của cell (lythium polymer – 3.7v), điện áp của mạch xạc (3.1v – 4.2v), và mạch bảo vệ trên cell (hay còn gọi là mạch BMS sẽ bảo vệ viên pin xạc và xả trong ngưỡng từ 3.1v – 4.2v đối với pin lythium polymer).

Thiết bị được thiết kế để sử dụng với pin lythium polymer bạn chỉ có thể thay thế bằng loại cell tương tự hoặc lythium ion vì chúng có cùng thông số hoạt động.

cell li-ion 18650 thông dụng trên thị trường

Ở đây mình sẽ chọn thay thế bằng các cell li-ion 18650 thông dụng trên thị trường, bạn cũng có thể dễ dàng tự mua các cell này, lưu ý không nên mua các loại cell rẻ tiền (đa phần đều là cell thải hồi từ các bộ pin cũ hoặc cell rởm không đảm bảo dung lượng và dòng xả).

Cấu hình mắc giữa các cell

Viên pin nguyên bản của Harman Kardon go play mini có mức điện áp định danh (điện áp đề trên vỏ) là 7.4v thông số này cho chúng ta biết viên pin được mắc kểu 2S (2 cell 3.7v nối tiếp nhau). Vì vậy chúng ta sẽ phải lắp ít nhất 2 cell 18650 nối tiếp nhau cho loa go play mini để có thể đạt mức điện áp 7.4v.

Sơ đồ nối dây mạch BMS 2S cho cell 18650 lythium - ion

Với các viện pin lythium trong các thiết bị khác có điện áp khác bạn có thể tính bằng cách lấy điện áp của cả gói pin chia cho điện áp của 1 cell, ở đây là 7.4 / 3.7 = 2.

VD gói pin có điện thế định danh là 11.1v sẽ bằng 11.1/3.7= 3s (3 cell nối tiếp nhau). Lưu ý một số nhà sản xuất có thể để mức điện thế định danh khác nhau do thiết kế của thiết bị hoạt động ở mức điện áp khác, như gói pin được in nhãn 12v cũng có cách mắc 3S tương tự do cell lythium khi đầy sẽ đạt 4.2v trên mỗi cell.

Dung lượng của gói pin

Như đã tính toán ở trên cần tối thiểu ít nhất là 2 cell 18650 nối tiếp để có thể đạt điện áp yêu cầu. Dung lượng của mỗi cell pin 18650 mình dùng ở đây là 2500 mAh vậy muốn tăng dung lượng chúng ta sẽ mắc thêm các cell pin khác song song để có thể tăng dung lượng sử dụng.

tăng dung lượng chúng ta sẽ mắc thêm các cell pin khác song song

Bạn cần cân nhắc không gian đặt pin để có thể lắp vừa bên trong thiết bị mà không ảnh hưởng đến hoạt động của Loa. Ở đây mình sử dụng 10 cell 18650 dung lượng 2500 mAh chia thành 2 cụm nối tiếp nhau mỗi cụm 5 cell mắc song song để tiện cho việc cố định vào bên trong loa.

Lúc này dung lượng của tổng cả gói pin sẽ bằng dung lượng của 1 cell nhân với số cell song song với nhau : 2500 x 5 = 12.500 mAh ( gấp 4 lần dung lượng ban đầu của loa). Giả sử theo thông số của nhà sản xuất với viên pin 3000 mAh thiết bị hoạt động được trong khoảng 8h đồng hồ thì với 12.500 mAh thiết bị sẽ hoạt động liên tục được trong 24h ( đây chỉ là tính toán về mặt lý thuyết do nhà sản xuất đưa ra, thời lượng thực tế còn tùy thuộc vào điều kiện sử dụng, mức âm lượng của loa).

Trước khi đóng gói các cell pin lại với nhau bạn cần kiểm tra nội trở và mức điện áp trên mỗi cell phải bằng nhau. Nội trở càng thấp, cell pin càng có chất lượng tốt, thông thường với các cell pin sử dụng cho loa mức nội trở cần thấp hơn 35 mR và phải đều nhau trên cùng 1 bộ pin.

Với điện áp của cell nếu lệch bạn cần sử dụng máy sạc cân bằng để đưa chúng về mức điện áp bằng nhau hoặc bạn cũng có thể sạc chúng theo cách thông thường về gần mức điện áp của nhau tối đa nhất có thể ( lý tưởng là các cell pin đang ở mức 80% dung lượng) sau đó lắp chúng song song với nhau và để nguyên trong vòng 24 – 36 tiếng để chúng có thể tự cân bằng.

Mạch bảo vệ cell pin BMS

Tuyệt đối không đấu tắt bỏ phần mạch bảo vệ, mạch này có nhiệm vụ quan trọng nhất là ngắt viên pin ra khỏi nguồn sạc sau khi sạc đầy (mỗi cell đạt 4.2v) nếu không có mạch BMS cell lythium có thể bị phồng, chập cháy khi sạc quá dòng không ngắt. Tương tự mạch sẽ khóa pin không cho xả khi điện áp trên cell tụt xuống dưới 3v, nếu để điện thế trên cell tụt quá sâu dưới mức 2.5v cell sẽ không thể sạc lại được theo cách thông thường.

Bạn có thể dễ dàng mua được mạch BMS với cấu hình từ 1s – 5s trên thị trường, nhưng ở bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn tháo mạch BMS từ viên pin cũ ra để giảm thiểu việc mua linh kiện và dễ dàng hơn khi làm ở nhà.

Mạch bảo vệ cell pin BMS

Bạn cẩn thận tách lớp vỏ bên ngoài gói pin sẽ thấy mạch BMS. Thông thường sẽ nằm ở đầu các cell, ngay điểm hàn nối dây điện. Bạn cắt bỏ phần nối với các cell thật cẩn thận, cắt từng cực một của cell vì bản thân các cell lúc này vẫn còn điện có thể gây chập cháy nếu để 2 cực pin tiếp xúc với nhau.

Để nguyên phần dây nối giắc cắm với bo mạch chính trên loa và đấu nối lại với cụm pin theo sơ đồ ở trên. Lưu ý ở bước này bạn nên sử dụng mỏ hàn để hàn dây điện để đảm bảo ổn định trong quá trình sử dụng vì dòng điện có thể khá lớn trên các điểm nối này khi loa sử dụng với công xuất lớn hoặc trong quá trình sạc.

mạch BMS và các điểm nối

Sau khi đấu nối xong, sử dụng gen co nhiệt hoặc băng dính để bảo vệ phần mạch BMS và các điểm nối tránh gây chập cháy trong quá trình sử dụng.

Lắp hoàn chỉnh và chạy thử

Sau khi hoàn thành việc độ pin, bạn có thể sử dụng keo để cố định khối pin bên trong loa. Lắp lại các giắc cắm như ban đầu, kiểm tra cẩn thận các dây nối, đầu nối cần được bọc cách điện đúng cách.

Trước khi bắt ốc cố định, bạn nên cắm thử xem thiết bị có hoạt động bình thường không. Lưu ý khi bạn ngắt điện của mạch BMS (tháo mạch ra khỏi cell cũ) sau khi đấu nối lại vào cell mới, mạch sẽ ở trạng thái khóa ( không cấp điện ra đầu ra của giắc ) bạn cần kích sạc để mạch chuyển sang trạng thái mở bằng cách cắm giắc vào loa và cắm sạc cho loa hoặc bạn có bộ nguồn đa năng có thể đặt ở mức 7.4v và cấp điện vào 2 giắc pin khoảng 1-2s để mạch chuyển trạng thái mở.

Sau khi kiểm tra thiết bị hoạt động bình thường bạn bắt ốc và lắp cố định như ban đâu. Chúc bạn thành công thay thế hoặc độ lại pin cho loa Harman Kardon go play mini. Bạn cũng có thể áp dụng cách này cho phần lớn các loại loa Bluetooth thông dụng hiện nay trên thị trường.

Chia sẻ
Viết với niềm đam mê và yêu thích công nghệ. Từng học đại học Bách Khoa, thêm bốn năm với HDSE - Aptech. Anh ấy đã nghiên cứu về công nghệ, Web, lập trình từ những năm 2004. Hàng ngày ngoài viết thì anh ấy thích trồng cây, DIY những món đồ ngớ ngẩn.