Asus VivoBook S15 là một chiếc laptop có thiết kế bắt mắt và ấn tượng, giúp chiếc máy trở nên nổi bật trước các dòng sản phẩm cạnh tranh thuộc phân khúc tầm trung. Tuy nhiên, mức hiệu năng và thời lượng pin của chiếc laptop chỉ đặt mức trung bình, khiến VivoBook S15 gặp không ít khó khăn khi phải đối đầu với những dòng máy có giá trị sử dụng cao. Liệu bạn có nên mua VivoBook S15 tại thời điểm này? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này.
Thông số kỹ thuật của Asus VivoBook S15
- CPU: Intel Core i5-10210U
- GPU: Intel UHD
- RAM: 8GB
- Bộ nhớ: 512GB SSD
- Màn hình: 15.6-inch, 1920 x 1080
- Kích thước: 14.1 x 9.2 x 0.6 inch
- Khối lượng: 1.81 kg
Thiết kế của Asus VivoBook S15
Các dòng laptop do Asus sản xuất thường sở hữu một vẻ ngoài bắt mắt, và VivoBook S15 là một minh chứng điển hình. Phiên bản máy mà chúng tôi sử dụng trong bài review được khoác bên ngoài một lớp vỏ màu xanh đầy cá tính. Chiếc laptop được bọc trong một lớp vỏ nhôm, có chất lượng build ấn tượng và được mức độ hoàn thiện cao so với mức giá.
Phần nội thất của chiếc laptop được hoàn thiện với tông màu bạc chủ đạo, mang lại độ tương phản vừa tầm so với vỏ ngoài của chiếc laptop. Điểm đầu tiên thu hút mọi sự chú ý của tôi chính là khung viền màu vàng bọc xung quanh nút Enter và chiếc bảo mật vân tay nằm trên touchpad. Màn hình của máy được bọc bên trong một khung viền khá mỏng so với phân khúc.
Với khối lượng tổng thể là 1.81 kg, cùng với kích thước 3 cạnh là 14.1 x 9.2 x 0.6 inch, VivoBook S15 sở hữu một thân hình tiêu chuẩn đối với 1 chiếc laptop 15 inch. Máy nặng hơn so với những đối thủ cạnh tranh có kích thước 14 inch, nhưng có độ dày thân máy tương đương so với Acer Swift 3 (nặng 1.22 kg, 12.7 x 8.6 x 0.6 inch), Lenovo Yoga C740 (nặng 1.36 kg, 12.7 x 8.5 x 0.6~0.7 inch).
Cổng kết nối của Asus VivoBook S15
Đối với một chiếc laptop làm việc thông dụng, VivoBook S15 được trang bị một tổ hợp cổng kết nối đa dạng, cho phép người dùng tương tác với các loại thiết bị ngoại vi khác nhau.
Dọc theo cạnh trái, bạn sẽ tìm thấy cổng nguồn, cổng HDMI, 1 cổng USB Type-A, cổng USB Type-C và giắc cắm tai nghe. Trong khi đó, nằm ở cạnh phải là 2 cổng USB Type-A và 1 khe đọc thẻ nhớ microSD.
Màn hình của Asus VivoBook S15
Asus VivoBook S15 được trang bị một chiếc màn hình có kích thước đường chéo là 15.6 inch, độ phân giải 1920 x 1080 pixel, đem lại chất lượng hình ảnh chỉ đạt mức trung bình.
Sử dụng thiết bị hiệu chuẩn màu sắc, chúng tôi đo được độ phủ màu màn hình của VivoBook S15 là 63% dải sRGB, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của dòng máy cùng phân khúc (94%). Kết quả độ phủ màu màn hình của chiếc laptop Asus tuy cao hơn một chút so với Swift 3 (62%), nhưng lại thấp hơn nhiều so với Yoga C740 (111%) và ZenBook 14 (104%).
Với độ sáng bình quân là 248 nit, màn hình của VivoBook S15 không những thấp hơn so với mức trung bình phân khúc là 311 nit, mà còn kém hơn khi so sánh với những đối thủ cạnh tranh. Cụ thể màn hình của Swift 3, Yoga C740 và ZenBook 14 có độ sáng đo được lần lượt là 251, 250 và 288 nit.
Bàn phím và touchpad
Các nút trên bàn phím của VivoBook S15 có hành trình không quá sâu, đem lại cho tôi một trải nghiệm nhập liệu chưa thực sự tốt. Chưa hết, bộ bàn phím của chiếc laptop Asus còn có chất lượng build không quá tốt. Cụ thể, bề mặt của bàn phím có hiện tượng lún cong mỗi khi tối nhấn nút.
Touchpad của máy có kích thước 2 cạnh là 4.7 x 2.8 inch cũng đem lại trải nghiệm sử dụng không tốt hơn là mấy do có độ nhạy chỉ đạt mức tầm trung. Các thao tác điều khiển con trỏ chuột của tôi có một độ trễ nhất định, làm giảm phần nào hiệu suất công việc trong quá trình sử dụng.
Hiệu năng
Nằm bên trong lớp vỏ kim loại của VivoBook S15 là con chip Intel Core i5-10210U cùng với 8GB RAM. Máy có khả năng xử lý đa nhiệm khá tốt, cho phép tôi mở đồng loạt 40 tab Chrome và 5 tab video HD trên Youtube mà không gặp bất cứ tình trạng giật lag nào. Tuy mang lại hiệu suất làm việc thực tế khá tốt, máy lại đạt kết quả không mấy ấn tượng ở các bài kiểm tra benchmark của chúng tôi.
Chấm điểm hiệu năng của máy với Geekbench 4.3, chiếc laptop Asus đạt điểm số 14152, thấp hơn một chút so với mức trung bình phân khúc là 14940 điểm. Được trang bị cùng loại chip xử lý, cả hai dòng máy là Yoga C740 (15590 điểm) và ZenBook 14 (15309 điểm) đều đạt kết quả tốt hơn ở cùng bài kiểm tra. Trong khi đó, nhờ được trang bị con chip Ryzen 7 4700U, Swift 3 sở hữu điểm số hiệu năng vượt trội là 19163.
VivoBook S15 chuyển đổi 1 video 4K sang độ phân giải 1080p thông qua ứng dụng HandBrake chỉ trong vòng 17 phút 22 giây, nhanh hơn so với mức trung bình phân khúc tại thời điểm hiện tại là 21 phút 27 giây, trong đó bao gồm kết quả của Yoga C740 (20 phút 42 giây). Tuy nhiên, cả hai dòng máy là Swift 3 và ZenBook 14 đều có thời gian hoàn thành nhanh hơn nhiều, với kết quả đo được lần lượt là 11 phút 2 giây và 12 phút 32 giây.
Ổ SSD dung lượng 512GB của chiếc laptop Asus copy 1 tệp tin nặng 4.97GB trong vòng 12.48 giây, tương đương với tốc độ ghi chép dữ liệu là 408 MBps, nhanh hơn một chút so với mức trung bình phân khúc là 374 MBps.
Khả năng xử lý đồ họa
Sử dụng con chip đồ họa Intel UHD thông thường, VivoBook S15 đạt mức khung hình bình quân là 37 fps trong tựa game Dirt 3 (cấu hình Medium, 1080p), thấp hơn nhiều so với mức trung bình phân khúc là 54 fps. Máy đạt kết quả tốt hơn so với Yoga C740 (31 fps) và ZenBook 14 (27 fps), nhưng lại kém hơn nhiều so với Swift 3 (79 fps).
Tiếp tục kiểm tra khả năng xử lý đồ họa của máy với tựa game Sid Meier’s Civilization VI: Gathering Storm (cấu hình Medium, 1080p), VivoBook S15 đạt mức khung hình là 11 fps, thấp hơn nhiều so với mức trung bình phân khúc là 15 fps.
Thời lượng pin
Mức thời lượng pin của VivoBook S15 chỉ nằm ở mức trung bình khi so sánh với đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc. Sau khi để chiếc laptop tự động lướt web liên tục qua mạng wifi, với độ sáng màn hình đặt ở mức 150 nit, chiếc laptop tắt nguồn sau 8 giờ 23 phút. Kết quả thời lượng pin này thấp hơn gần 1 giờ đồng hồ so với mức trung bình phân khúc là 9 giờ 21 phút. Các dòng máy cạnh tranh cụ thể là Swift 3 (11 giờ 9 phút), Yoga C740 (10 giờ 18 phút) và ZenBook 14 (9 giờ 27 phút) đều trụ được lâu hơn so với chiếc laptop Asus trong cùng bài kiểm tra.
Khả năng tản nhiệt
VivoBook S15 không tỏa ra mức nhiệt quá nóng trong suốt quá trình kiểm tra. Sau khi stream 1 video HD trong vòng 15 phút, khu vực gầm máy đạt mức nhiệt 35 độ C, bằng với ngưỡng nhiệt hoạt động lý tưởng của chúng tôi. Trong khi đó, trung tâm bàn phím và touchpad đạt mức nhiệt lần lượt là 33 và 28 độ C. Khu vực có nhiệt độ cao nhất của máy nằm ở vị trí gần hệ thống khe tản nhiệt nằm dưới gầm máy, với mức nhiệt lên đến 41 độ C.
Phần mềm
VivoBook S15 được cài sẵn một phần mềm có tên gọi là MyAsus. Với ứng dụng này, bạn có thể tra cứu những thông tin quan trọng liên quan đến chiếc laptop, bao gồm thời gian bảo hành, mã số sê-ri và những thông tin cơ bản liên quan đến hệ thống. Ngoài ra, ứng dụng con cho phép người dùng thay đổi các cài đặt cấu hình, cụ thể như mức lượng pin tiêu thụ, tông màu màn hình, vân vân. VivoBook S15 mang lại một mức giá trị sử dụng cao, cho phép tôi thực hiện tốt mọi công việc cơ bản hàng ngày.
Tổng kết
Asus VivoBook S15 là một chiếc laptop có thiết kế bắt mắt, được trang bị một hệ thống loa ngoài chất lượng toàn diện. Tuy nhiên, hiệu năng và mức thời lượng pin của chiếc laptop chỉ đạt mức trung bình khi so sánh với những dòng máy cạnh tranh khác trong phân khúc. Ngoài ra, máy còn có một chiếc màn hình có chất lượng không quá ấn tượng cộng với một bộ bàn phím không quá thoải mái. Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc laptop 15 inch để làm việc hàng ngày, thì VivoBook S15 là một lựa chọn không tồi.
Xem thêm: Đánh giá Asus ZenBook 13 UM325S: Thiết kế gọn nhẹ bậc nhất phân khúc
Điểm cộng
- Vẻ ngoài bắt mắt
- Mức độ hoàn thiện cao
- Loa ngoài chất lượng toàn diện
Điểm trừ
- Mức hiệu năng ở mức tầm trung
- Chất lượng màn hình không quá ấn tượng
- Thời lượng pin dưới mức trung bình
- Bàn phím chưa thực sự thoải mái
Nguồn: Biên tập thietbiketnoi.com
Bình luận chủ đề này:
Facebook : https://www.facebook.com/vuionlinevn/posts/4291234840983588