Đánh giá Xiaomi Black Shark 4: Hiệu năng đỉnh cao, mức giá phải chăng

Xiaomi Black Shark 4

Hiệu suất chơi game đỉnh cao ở mức giá phải chăng. Đó là mục tiêu mà Xiaomi đặt ra với dòng điện thoại gaming thế hệ mới nhất của hãng, chiếc Black Shark 4. Máy sở hữu gần như mọi tính năng hay được trang bị trên phiên bản máy Pro, với khác biệt duy nhất nằm ở con chip Snapdragon 870 và camera 48MP. Đây tuy có vẻ là điểm hạn chế lớn, nhưng với mức giá phát hành hấp dẫn, Xiaomi Black Shark 4 là một lựa chọn vô cùng hấp dẫn.

Thông số kỹ thuật Xiaomi Black Shark 4

  • Màn hình: 6.67-inch AMOLED 2400 x 1080 pixel
  • CPU: Qualcomm Snapdragon 870 5G
  • RAM: 6 – 12GB
  • Camera sau: 48MP + 8MP + 5MP
  • Camera trước: 20MP
  • Bộ nhớ trong: 128GB/256GB/512GB/1TB
  • Kích thước: 163.8 x 76.4 x 9.9 mm
  • Khối lượng: 210 g
  • Pin: 4500 mAh

Thiết kế Xiaomi Black Shark 4

Black Shark 4 sở hữu thiết kế điện thoại truyền thống với 2 mặt được làm bằng kính. Tuy nhiên, danh sách thông số kỹ thuật chính thức của máy lại không nhắc gì đến kính cường lực Gorilla Glass. Đây có thể là một trong những nơi mà hãng đã cắt giảm chi phí sản xuất và trang bị cho máy tấm kính cường lực thông thường.

Máy có khối lượng tổng thể là 210g. Về mảng phân bố trọng lượng, chiếc điện thoại nặng hơn một chút ở phần đầu. Trải nghiệm sử dụng một tay với chiếc điện thoại không được thoải mái cho lắm. Black Shark 4 sở hữu một màn hình kích thước 6.67 inch, với tỷ lệ chia cạnh dài, khiến việc với tay lên cạnh trên không dễ cho lắm.

Xiaomi Black Shark 4

Mặt lưng sở hữu đường nét thiết kế độc đáo mà chúng ta thường thấy ở mẫu máy Black Shark. Hoàn thiện bề mặt kính này khiến mặt lưng của chiếc máy trông như được làm bằng hợp kim nhôm. Kiểu thiết kế này còn khiến dấu vân tay bám trên bề mặt không bị lộ rõ trong quá trình sử dụng.

Thiết kế cụm camera sau của máy hơi khác lạ so với xu hướng điện thoại năm 2021. Cụm camera này có hình dáng thiết kế tương đồng với nét thẩm mỹ chính của máy. Do chiếc điện thoại vốn có kích thước thân máy dày, nên cụm camera này không nổi lên quá nhiều so với mặt lưng.

Khác với các dòng điện thoại gaming khác, Black Shark 4 sử dụng giải pháp đục lỗ màn hình cho camera selfie thay vì có viền bezel dày. Hướng thiết kế này đem lại một màn hình tràn đều 4 cạnh, mang lại trải nghiệm sử dụng và chơi game đắm chìm cho người dùng.

Dọc theo cạnh trái của chiếc điện thoại là cụm nút tăng giảm âm lượng, cùng với khe đựng thẻ SIM kép. Nút nguồn kiêm bảo mật vân tay được nằm ở cạnh phải, được đặt âm so với bề mặt, giúp bạn không bấm nhầm nút trong quá trình chơi game. Nút nguồn được kẹp giữa bởi 2 công tắc gạt dùng để mở khóa 2 nút bấm vật lý cạnh bên. Bản thân 2 nút bấm vật lý này có cảm giác bấm tốt, phản hồi xúc giác đầm tay.

Màn hình Xiaomi Black Shark 4

Black Shark 4 tuy không phải là một chiếc điện thoại gaming flagship thực thụ do chỉ được trang bị con chip Snapdragon 870, nhưng lại được trang bị một màn hình có chất lượng khá cao. Màn hình của máy có chất lượng tương tự so với phiên bản Pro của dòng máy.

Máy sử dụng tấm nền OLED kích thước 6.67 inch, độ phân giải 2400 x 1080 pixel với tỷ lệ chia cạnh là 20:9. Theo lời hãng, màn hình máy phủ được 105% dải DCI-P3 và có độ sáng tối đa là 500 nit. Tuy nhiên, tính năng hấp dẫn nhất của màn hình máy chính là tần số quét 144Hz.

Trong quá trình kiểm tra thực tế, chúng tôi đo được kết quả độ sáng màn hình khá tương đồng so với những gì mà hãng quảng cáo là 498 nit. Chuyển sang chế độ Độ sáng tự động, màn hình của máy sẽ có độ sáng tối đa là 694 nit khi sử dụng ngoài trời nắng.

Màn hình có độ chính xác màu khá cao khi sử dụng với chế độ tông màu Tiêu chuẩn, với chỉ số sai lệch màu sắc dE2000 là 2.4. Ngay cả khi sử dụng chế độ tông màu màn hình Bão hòa, 2 màu trắng và xám vẫn giữ được độ chính xác khá cao.

Thời lượng pin Xiaomi Black Shark 4

Trong quá trình kiểm tra của chúng tôi, Black Shark 4 có thời lượng pin không quá ấn tượng, nhưng lại không quá tồi đối với một thiết bị sử dụng pin dung tích 4500 mAh.

Chiếc điện thoại được tặng kèm một củ sạc 120W có kích thước lớn. Cộng với việc Black Shark 4 chỉ có dung tích pin là 4500 mAh, thời gian sạc đầy của máy chỉ diễn ra trong nháy mắt. Máy sạc đầy từ 0% chỉ trong vòng 19 phút. Đây là một trong những chiếc điện thoại có tốc độ sạc pin nhanh nhất mà chúng tôi từng review.

Điểm hạn chế của tốc độ sạc cực nhanh này là mặt lưng máy tỏa ra một mức nhiệt hơi ấm tay, có thể sẽ khiến pin chai nhanh hơn so với mức thông thường.

Tính năng bổ trợ chơi game

Do Black Shark 4 là một chiếc điện thoại gaming, máy sở hữu một vài tính năng bổ trợ chơi game khá hữu ích. Ứng dụng mang tên gọi Shark Space là nơi tổng hợp tất cả những tính năng này. Bạn có thể khởi động ứng dụng bằng cách nhấn vào biểu tượng trên màn hình hoặc nhấn giữ 2 nút vật lý ở cạnh máy.

Phần mềm cho phép bạn quản lý các tựa game được cài, đồng bộ các phụ kiện với máy, cài đặt độ sáng màn hình tổng thể, bật/tắt tính năng chống chạm nhầm, tự động từ chối cuộc gọi trong quá trình chơi, tắt thông báo gửi đến, vân vân.

Bạn cũng có thể mở ứng dụng này ra khi chơi game, bằng cách vuốt từ góc màn hình vào trong. Một trong những tính năng hay và hữu ích nhất chính là khả năng để máy đọc thông báo trong quá trình chơi game.

Hiệu năng

Snapdragon 870 là một con chip khá mới, và bản chất là phiên bản nâng cấp của chip Snapdragon 865+. Con chip được sản xuất dựa trên tiến trình 7nm và có tổng cộng 8 nhân CPU, trong đó bao gồm 1 nhân 1x Kryo 585 3.2GHz, 3 nhân Kryo 585 2.42 GHz và 4 nhân Kryo 585 1.8GHz.

Snapdragon 865+ sở hữu cấu hình CPU tương tự , với khác biệt duy nhất là nhân chính Kryo 585 được hoạt động ở xung nhịp 3.1GHz. Cả 2 dòng chip đều sử dụng GPU Adreno 650, với tốc độ 670MHz.

Như chúng tôi đã nhắc qua, Snapdragon 870 có xung nhịp cao hơn một chút so với Snapdragon 865 và 865+, tạo nên khác biệt về kết quả xử lý đơn và đa nhân. Điều này được phản ảnh ở bài chấm điểm hiệu năng với Geekbench.

Hiệu suất chơi game

Con chip Snapdragon 870 có hiệu năng thừa đủ để xử lý mượt mà những tựa game được phát hành trên Play Store hiện nay. Tuy nhiên, chiếc điện thoại dường như không thể tận dụng tối đa tiềm năng 144Hz của màn hình máy ở một số tựa game.

Trong những game mà chúng tôi kiểm tra, chiếc điện thoại chưa một lần có mức khung hình vượt qua 120 fps. Điều này khiến cho tần số quét 144Hz của màn hình trở nên hơi thừa thãi, ít nhất là đối với những tựa game có cấu hình nặng.

Tựa game duy nhất mà chúng tôi kiểm tra có thể chạy với mức khung hình 120 fps là Call of Duty Mobile, trong khi PUBG Mobile có mức khung hình cố định là 90fps.

Camera

Do Black Shark 4 là một chiếc điện thoại gaming, nên camera không phải là ưu tiên hàng đầu của Xiaomi khi sản xuất chiếc máy. Điều này được thể hiện trong cấu hình camera của máy. Camera chính sử dụng cảm biến 48MP đời cũ, có kích thước 1/2.0 inch và có kích thước điểm ảnh là 0.8µm. Cảm biến này được đặt sau ống kính khẩu độ f/1.8.

Camera góc siêu rộng sử dụng cảm biến 8MP thông thường, có kích thước 1/4.0 inch với kích thước điểm ảnh 1.12µm. Camera sử dụng ống kính khẩu độ f/2.2 và có góc chụp rộng 120 độ. Đây là cấu hình cảm biến thường thấy ở các dòng máy phân khúc tầm trung.

Camera thứ 3 của máy được dùng để chụp hình macro, sử dụng cảm biến 5MP, khẩu độ f/2.4 với tính năng tự động lấy nét. Điểm thú vị là cấu hình của chiếc camera này cao hơn so với mức trung bình.

Camera trước của Black Shark 4 sử dụng cảm biến 20MP, với khẩu độ f/2.0 và có kích thước điểm ảnh là 0.8µm.

Chất lượng ảnh chụp

Camera chính của máy chụp lại những bức hình ngoài trời có chất lượng khá tốt với tông màu bão hòa điển hình của dòng điện thoại Xiaomi. Độ sắc nét và chi tiết được thể hiện đầy đủ. Thuật toán HDR làm tốt trong việc gia tăng độ chi tiết ở những khu vực tối của bức ảnh mà không bị đè vào những điểm sáng.

Camera góc siêu rộng có chất lượng tương tự như những gì mà bạn có được ở một chiếc điện thoại tầm trung. Điều này có nghĩa là những bức hình thường có độ nét không có và có nhiều noise. Dải tần không được rộng bằng camera chính, tuy nhiên lại có màu sắc và độ tương phản khá tốt.

Camera macro của máy có chất lượng ảnh chụp vượt trội so với phần lớn dòng máy trong cùng phân khúc. Camera macro của Black Shark 4 có độ phân giải 5MP, và hỗ trợ tính năng lấy nét tự động, dẫn đến cải thiện đáng kể trong việc chụp lại những bức hình có độ sắc nét cao. Chi tiết và độ nét trong những bức ảnh chụp ở chế độ này có chất lượng tốt, trong khi màu sắc khá trung thực.

Tổng kết

Xét về mặt lý thuyết, Black Shark 4 dường như là một lựa chọn điện thoại gaming không tồi. Máy sở hữu tỷ lệ giá thành so với hiệu suất ấn tượng, nhiều tính năng hữu ích, màn hình OLED 144Hz rực rỡ, tốc độ sạc pin nhanh và chất lượng camera đáng tin cậy.

Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy rằng màn hình 144Hz của máy có hiệu suất sử dụng thực tế không quá thiết thực, ít nhất là khi chơi game. Tính năng hỗ trợ HRR trong các tựa game cũng vô cùng hạn chế. Đấy là chưa kể đến mức thời lượng pin tầm trung và không có khả năng chống rung khi quay video 4K. Điều này khiến Xiaomi Black Shark 4 có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với những dòng máy cùng phân khúc khác.

Điểm cộng

  • Màn hình OLED 144Hz rực rỡ
  • Loa chất lượng tốt
  • Trải nghiệm camera tổng thể khá tốt
  • Nhiều tính năng hỗ trợ chơi game hữu ích
  • Tốc độ sạc 120W siêu nhanh
  • Hiệu năng duy trì tốt

Điểm trừ

  • Không sử dụng kính cường lực Gorilla Glass
  • Thời lượng pin không quá ấn tượng
  • Hỗ trợ HRR hạn chế
Chia sẻ
Biên tập viên cấp cao của Thietbiketnoi. Đã 26 mùa xuân xanh nhưng anh ấy bị ám ảnh bởi các thiết bị chạy bằng hạt Electron bên trong. Tham gia vào đội ngũ biên tập từ những ngày đầu và nhất quyết không viết về các sản phẩm chất lượng kém. Anh ấy vẫn độc thân!