Chào các bạn mình thấy có rất nhiều tài liệu hướng dẫn cũng như giải thích về dung sai lắp ghép trong cơ khí chế tạo nhưng ngày hôm nay mình không chuyên sâu vào lý thuyết dung sai, mình muốn chia sẻ cho các bạn một cách đơn giản và thực tế trong quá trình sản xuất, gia công các chi tiết đòi hỏi dung sai chính xác mình hay dùng hàng ngày.
Không dài dòng chúng ta vào việc nào, đầu tiên các bạn xem qua video bên dưới sau đó mình sẽ hướng dẫn cụ thể để xác định trính xác khoảng dung sai cụ thể cần gia công trên chi tiết.
Bảng tra dung sai : ISO286-2; EU-STATES EN20286-2; DIN ISO286-2; USA ASME B4.2; CANADA CSA B97.3; AUSTRALIA AS 1654.2; JAPAN JIS B0401-2; RUSSIA GOST 2534-89; SWITZERLAND SNV258401/402
Các bạn nên lưu lại video này vì sẽ phải tra thường xuyên nếu khi gia công các chi tiết đòi hỏi dung sai lắp ghép. Đây là bài chia sẻ cho những người làm thực tế nên chúng ta sẽ không nói đến lý thuyết và tại sao nó lại thế… Trong thực tế gia công thì hay gặp nhất là dung sai hệ trục và hệ lỗ, trên video các bạn có thể thấy 2 biểu tượng của hệ trục và hệ lỗ phía bên tay trái màn hình. Phía trên là thông số dành cho hệ trục và dưới là cho hệ lỗ.
Nói cho dễ hiểu thì thế này trục khi lắp vào lỗ thì phải bé hơn cái lỗ mới lắp được hoặc ngược lại cái lỗ phải to hơn cái trục. Tại sao mình nói thế vì trong thực tế bạn gia công theo bản vẽ, vậy trên bản vẽ sẽ kí hiệu là trục cần gia công với dung sai nào, ví dụ trên bản vẽ đề kích thước trục là 22h9 ( trục đường kính 22 và dung sai h9 chú ý chữ hoa và chữ thường) vậy công việc của chúng ta là xác định cái trục sẽ phải nhỏ đi bao nhiêu để mà gia công.
Vậy làm thế nào để xác định dung sai h9 là trục sẽ nhỏ đi bao nhiêu ? Các bạn tua video trên đến khi nào dòng phía trên hiện chữ h9 (dòng trên nhé) ở thời gian 4 phút 42 của video sau đó ấn tạm dừng các bạn sẽ thấy hiện 1 dãy số. Bạn chú ý những số cố định không chuyển động ở hàng trên và hàng dưới chính là đường kính của trục và lỗ, ở đây ta muốn tra h9 cho trục đường kính 22mm vậy nó nằm trong khoảng 18mm đến 24mm.
Hai số hiện trong khoảng 18-24 chính là dung sai h9 ở đây mình sẽ lấy số gần nhất so với đường kính mình cần ( số hiện ở phần 24mm) là 0 và 52, con số này có nghĩa là dung sai cho phép của h9 là từ 0 đến 52 micron. Thực tế là bạn phải cho cái trục này nhỏ đi 52 micron so với đường kính 22mm hay con số chính xác đường kính sau khi gia công phải đạt 21,95 mm.
Các bạn nên giữ kích thước thực tế xung quanh con số này vì nếu các bạn đẩy dung sai về gần 0 (gần với 22mm) thì việc lắp sẽ rất khó khăn. Offset một vài phần trăm đơn giản đúng không các bạn.
Cách tra với hệ lỗ cung tương tự như thế nhưng như ở trên mình nói đối với lỗ thì phải lớn hơn trục thì mới lắp được vậy sau khi gia công kích thước của lỗ phải lớn hơn, ví dụ trên bản vẽ kí hiệu kích thước lỗ là 22H9 ( chữ hoa trên bản vẽ là lỗ còn chữ thường là trục) thì sau khi gia công đo đường kính cái lỗ phải đạt 22,05mm.
Mình chia sẻ bài này hi vọng có thể giúp ích, hỗ trợ cho những bạn đang làm việc trong ngành cơ khí chế tạo.