Lenovo ThinkPad P1 là một chiếc laptop trạm sở hữu hiệu năng mạnh mẽ bên trong một thiết kế nhỏ gọn. Ngoài mức hiệu năng ấn tượng ra, chiếc laptop còn được trang bị một màn hình 4K rực rỡ, màu sắc sống động, bàn phím thoải mái. Lenovo ThinkPad P1 cạnh tranh ra sao so với các đối thủ cùng phân khúc? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này.
Thông số kỹ thuật của Lenovo ThinkPad P1
- CPU: Intel Xeon E-2176M
- GPU: Nvidia Quadro P2000
- RAM: 32GB
- Bộ nhớ: 512GB SSD
- Màn hình: 15.6-inch, 4K
- Kích thước: 14.2 x 9.7 x 0.7 inch
- Khối lượng: 1.81 kg
Thiết kế Lenovo ThinkPad P1
Sở hữu một thiết kế khá tương đồng với X1 Extreme, Lenovo ThinkPad P1 có vỏ ngoài tối giản, được hoàn thiện màu đen than ở khu vực nắp và thân máy.
Lenovo ThinkPad P1 sở hữu một thiết kế màu đen đồng bộ, đem lại vẻ ngoài chuyên nghiệp cho chiếc thiết kế. Thiết kế tối giản này được tô điểm bởi những chi tiết màu đỏ chót, tạo nên điểm nổi bật của các dòng laptop ThinkPad. Những chi tiết này bao gồm núm rê chuột, các nút click chuột của touchpad và dấu chấm trên chữ “i” của logo ThinkPad.
Viền màn hình của chiếc P1 không được mỏng như các dòng laptop cao cấp khác, nhưng vẫn đem lại cho người dùng trải nghiệm hình ảnh đắm chìm. Với kích thước 3 cạnh là 14.2 x 9.7 x 0.7 inch, và có khối lượng 1.81 kg, ThinkPad P1 có thể được so sánh như một chiếc ultrabook. Dell Precision 7520 (14.9 x 10.4 x 1.3 inch, nặng 2.85 kg) có kích thước lớn hơn nhiều so với chiếc P1, trong khi HP ZBook Studio x360 G5 (14.2 x 9.7 x 0.8 inch, nặng 2.2 kg) có kích thước tương đương nhưng lại nặng hơn một chút.
Cổng kết nối Lenovo ThinkPad P1
ThinkPad P1 được trang bị đầy đủ các loại cổng kết nối trên thân máy, cho phép bạn làm việc thoải mái với các loại thiết bị ngoại vi khác nhau.
Dù sở hữu một thân máy khá mỏng, P1 được trang bị khá đa dạng các loại cổng kết nối khác nhau. Dọc theo cạnh trái, máy được trang bị giắc cắm tai nghe, cổng Mini Gigabit Ethernet, cổng xuất HDMI 2.0, 2 cổng Thunderbolt 3 và cổng nguồn AC.
Bên phải thân máy được trang bị khe đọc thẻ nhớ SD, 2 cổng USB 3.1 Type-A, khe lắp khóa Kensington và khe đọc thẻ Smart Card.
Bảo mật và độ bền
ThinkPad P1 tuy có thiết kế gọn nhẹ, nhưng vẫn sở hữu độ bền cao. Được chế tạo từ 4 lớp sợi carbon, vỏ máy của chiếc P1 đã trải qua 12 bài kiểm tra độ bền tiêu chuẩn quân đội MIL-STD 810G. Điều này đồng nghĩa với việc chiếc laptop có thể chống chịu những điều kiện môi trường khắc nghiệt, bao gồm độ ẩm cao, cát bụi, nhiệt độ lớn và va đập mạnh.
Về mặt bảo mật, máy được trang bị bảo mật vân tay trên thân máy, cho phép người dùng mở khóa hệ thống bằng mã sinh trắc. Bạn cũng có thể lựa chọn phiên bản webcam IR để đăng nhập hệ thống bằng phương pháp nhận diện khuôn mặt nếu muốn.
Màn hình
Màn hình của ThinkPad P1 có kích thước 15.6 inch, độ phân giải 4K, có độ sáng không quá ấn tượng, nhưng lại có độ chi tiết và khả năng hiển thị màu sắc ấn tượng.
Dựa vào máy đo màu, màn hình của ThinkPad P1 có thể phủ được 178% dải sRGB, rực rỡ hơn nhiều so với mức trung bình 155% của dòng máy trạm cùng phân khúc, trong đó bao gồm Precision 7520 (101%) và ZBook Studio x360 (155%).
Với độ sáng cực đại là 288 nint, màn hình của chiếc laptop Lenovo lại không được sáng cho lắm. Màn hình của 2 dòng máy được so sánh trong bài viết này rực rỡ hơn nhiều so với chiếc P1, cụ thể là Precision 7520 (365 nit) và ZBook Studio x360 G5 (378 nit).
Bàn phím và touchpad
ThinkPad P1 sở hữu một bàn phím có chất lượng đỉnh cao phân khúc. Các nút trên bàn phím có hành trình sâu 2.2 mm, cho phép đánh máy thoải mái mà không gặp tình trạng bấm chạm đáy.
Touchpad của máy có kích thước 3.9 x 2.6 inch, được đặt ngay bên dưới 3 nút mô phỏng thao tác click chuột. Touchpad đem lại trải nghiệm điều hướng tốt trong quá trình sử dụng, cho phép tôi sử dụng chiếc laptop mà không cần sử dụng đến chuột ngoài.
Hiệu năng Lenovo ThinkPad P1
Ẩn bên trong lớp vỏ thiết kế gọn nhẹ của ThinkPad P1 là con chip Intel Xeon E-2176M tốc độ cùng với 32GB RAM. Với mức hiệu năng này, chiếc laptop có thể hoàn thành tốt mọi công việc mà tôi cần một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Chiếc laptop dễ dàng load đồng thời 30 tab Chrome, và không hề có bất tình trạng giật lag nào khi tôi mở thêm 2 tab video 1080p trên Youtube và 2 tab chạy stream trên Twitch.
ThinkPad P1 đạt kết quả tốt trong bài chấm điểm hiệu năng xử lý với Geekbench. Chiếc laptop đạt số điểm 17892, vượt qua kết quả của chiếc Precision 7520 (15958 điểm, chip Xeon E3-1535M), nhưng lại kém hơn khi so sánh với ZBook Studio x360 G5 (19682 điểm, chip Xeon E-2186M). Chiếc laptop Lenovo có điểm số hiệu năng vừa đủ để vượt qua mức trung bình 17171 điểm của dòng máy cùng phân khúc.
Ổ SSD NVMe dung lượng 2TB của ThinkPad P1 có tốc độ ghi chép ấn tượng trong bài kiểm tra của chúng tôi. Máy có thể copy 1 tệp tin nặng 4.97GB chỉ trong vòng 6 giây, tương ứng với tốc độ bình quân là 847 MBps. The Precision 7520 (626 MBps) và ZBook Studio x360 G5 (509 MBps) cũng có tốc độ ổ SSD khá nhanh, nhưng không thể so sánh được với chiếc laptop Lenovo.
Ngay cả bài kiểm tra đòi hỏi khả năng xử lý cao như chuyển đổi 1 video 4K sang độ phân giải 1080p cũng không thể làm chiếc P1 chậm lại. Máy hoàn thành bài kiểm tra sau 9 phút 44 giây, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình 15 phút 13 giây của dòng máy cùng phân khúc.
Khả năng xử lý đồ họa
Với card đồ họa chuyên dụng Nvidia Quadro P2000, ThinkPad P1 sở hữu một hiệu suất xử lý đồ họa ấn tượng, cho phép người dùng làm việc và chơi game tốt.
Máy đạt điểm số hiệu năng đồ họa là 163,705 khi được chấm với 3DMark Ice Storm Unlimited. Kết quả này tốt hơn so với số điểm 156,452 đạt được của chiếc Precision 7520, cũng như ấn tượng hơn so với mức trung bình phân khúc (152,666 điểm).
ThinkPad P1 có khả năng chơi tựa game Dirt 3 với mức khung hình ổn định là 190 fps, mượt mà hơn so với mức trung bình phân khúc là 181 fps.
Khả năng tản nhiệt
Vỏ ngoài bằng nhôm của P1 không có khả năng phân tán nhiệt quá hiệu quả. Khu vực gầm máy, gần vị trí bản lề có mức nhiệt cao nhất lên đến 51 độ C khi chúng tôi để máy chạy 1 video HD trong vòng 15 phút.
Tại khu vực trung tâm bàn phím và touchpad, máy có nhiệt độ đo được lần lượt là 35 và 28 độ C.
Thời lượng pin
Là một chiếc laptop trạm hiệu năng cao và sở hữu một màn hình 4K, thời lượng pin của chiếc ThinkPad P1 không được ấn tượng cho lắm. Trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi, chiếc laptop tắt nguồn sau 4 giờ 15 phút lướt web liên tục bằng wifi, với độ sáng màn hình 150 nit. Kết quả này kém hơn so với mức trung bình phân khúc là 6 giờ 20 phút, trong đó bao gồm Precision 7520 (6 giờ 22 phút) và ZBook Studio x360 G5 (9 giờ 5 phút).
Phần mềm
Sử dụng hệ điều hành Windows 10 Pro, ThinkPad P1 không có quá nhiều các phần mềm rác được cài sẵn. Về phía Lenovo, máy được cài 1 phần mềm có tên gọi Vantage. Đây là phần mềm cho phép người dùng cập nhật nhanh chóng hệ thống, cài đặt phần cứng và tra cứu tài liệu hỗ trợ.
Tổng kết
ThinkPad P1 là một lựa chọn laptop làm việc tốt cho những ai thường xuyên phải làm việc đòi hiệu năng xử lý cao. Tuy nhiên, điểm khiến chiếc laptop trở nên nổi bật so với các dòng máy cạnh tranh cùng phân khúc chính là một thiết kế tổng thể siêu gọn nhẹ, khiến nhiều người nhầm tưởng đây là một chiếc ultrabook chức không phải là 1 chiếc laptop trạm.
Máy có những điểm hạn chế bao gồm mức thời lượng pin dưới mức trung bình và độ sáng màn hình khá thấp. Dù vậy, Lenovo ThinkPad P1 vẫn là một chiếc laptop trạm có hiệu năng cao, và rất xứng đáng để cân nhắc nếu bạn đang tìm mua 1 chiếc laptop làm việc hiệu quả và đáng tin cậy.
Điểm cộng
- Hiệu năng tổng thể mạnh mẽ
- Thiết kế gọn nhẹ, độ bền cao
- Màn hình 4K sắc nét
- Bàn phím đỉnh cao thế giới
Điểm trừ
- Thời lượng pin ở mức trung bình
- Nhiệt độ tản nhiệt không hiệu quả
- Độ sáng màn hình không quá ấn tượng