8 thói quen tệ hại bạn từng mắc khi sử dụng thiết bị công nghệ

Nhắn tin mọi lúc mọi nơi, sử dụng chung một tài khoản cho nhiều dịch vụ khác nhau hay không bao giờ back up dữ liệu là những thói quen xấu của người dùng đồ công nghệ.

Không bao giờ làm sạch thiết bị

Lau chùi thiết bị đúng cách là một thói quen tốt.

Về lý thuyết, bụi bẩn không làm ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử của bạn. Tuy nhiên, bụi bẩn lại có thể xâm nhập vào bất cứ kẽ hỡ nào trên thiết bị và nếu được tích trữ lâu ngày, nó có thể làm tắc nghẽn quạt làm mát, ổ đĩa quang hoặc các bộ phận chuyển động khác trên desktop, laptop hoặc máy in.

Dùng thiết bị liên tục trong khoảng thời gian dài

Các bậc cha mẹ thường cấm cản con cái sử dụng đồ công nghệ trong thời gian dài, nhưng chính bản thân họ lại ngồi lỳ bên chiếc laptop hoặc smartphone do “yêu cầu công việc”. Những khoảng thời gian giải lao là rất cần thiết. Hệ thống tuần hoàn, cơ bắp và mắt của bạn đều được giải phóng nếu bạn biết phân bổ thời gian sử dụng hợp lý. Ngồi lâu một chỗ không cử động có thể gây ra chứng máu đông (thậm chí dẫn đến tử vong), gây mỏi mắt và hạn chế tầm nhìn của người dùng.

Không back up dữ liệu

Đây có thể là một lời cảnh báo theo kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng mọi chuyện chỉ thực sự trở thành thảm họa khi ổ cứng của bạn tự nhiên ngừng hoạt động hoặc thiết bị của bạn bị đánh cắp. Không ai muốn những điều đó xảy ra, nhưng bạn sẽ chỉ còn nước ngồi than trời nếu không thường xuyên back up dữ liệu. Trên mạng hiện có không dưới vài trăm công cụ giúp bạn đồng bộ dữ liệu để lưu trữ trên đám mây, cho dù thiết bị đó là PC, máy tính bảng hay smartphone.

Dùng chung password cho nhiều tài khoản

Đáng tiếc, đây lại là thói quen của đại đa số người dùng Internet. Cho dù một dịch vụ có mức độ bảo mật cao đến đâu, nó vẫn có khả năng bị hack, đồng nghĩa với việc tài khoản của bạn trên nhiều dịch vụ khác cũng có nguy cơ bị phát hiện.

Không cập nhật ứng dụng

Thường xuyên cập nhật ứng dụng mang đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời hơn trên sản phẩm.

Nếu bạn cài đặt khoảng vài chục ứng dụng trên smartphone hoặc máy tính bảng, gần như mỗi ngày đều có các bản cập nhật mới. Các bản cập nhật này được phát hành với nhiều lý do như thêm tính năng mới, chữa lỗi bug hoặc khắc phục các lỗ hổng về bảo mật. Đặc biệt, các bản cập nhật hệ thống luôn đảm bảo cho thiết bị của bạn chạy ổn định và có độ bảo mật cao hơn. Tuy nhiên, không ít người dùng chưa bao giờ quan tâm đến vấn đề nâng cấp phần mềm.

Thiếu ‘kiềm chế’ trên mạng xã hội

Không thể phủ nhận mạng xã hội là một công cụ vô cùng hữu ích, giúp bạn chia sẻ và kết nối với bạn bè và người thân. Tuy nhiên, mức độ lan truyền thông tin chóng mặt của nó sẽ là lưỡi thứ 2 của con dao nếu chẳng may bạn “lỡ lời” khi trót đăng tải một thứ gì đó (ảnh, video hoặc bình luận). Hãy cố gắng coi Facebook hoặc các mạng xã hội như một hộp thư giúp bạn liên tục kết nối với bạn bè và hạn chế số lượng các thông tin bạn đưa lên trong một ngày, đặc biệt là các thông tin riêng tư.

Nhắn tin mọi lúc mọi nơi

Nhắn tin có thể phá hoại cuộc trò chuyện của bạn.

Đôi khi, bạn quên mất rằng bạn đang có hành động bất lịch sự với người đối diện khi liên tục nhìn vào màn hình điện thoại và khiến người đối diện phải “độc thoại” hoặc ngắt câu chuyện để chờ đợi.

Không bao giờ khởi động lại thiết bị

Ngay cả những thiết bị cao cấp nhất đều dễ bị lỗi. Các ứng dụng chạy nền, ứng dụng bị lỗi là nguyên nhân gây ngốn RAM, khiến cho thiết bị của bạn trở lên nặng nề và nó chỉ được khắc phục khi máy khởi động lại. Việc cập nhật các phiên bản ứng dụng mới đôi khi cũng yêu cầu bạn khởi động lại máy. Ít người biết rằng, khởi động lại máy cũng là một cách giúp nâng cao tuổi thọ thiết bị của bạn.

Nguồn: biên tập thietbiketnoi.com

Chia sẻ
Viết với niềm đam mê và yêu thích công nghệ. Từng học đại học Bách Khoa, thêm bốn năm với HDSE - Aptech. Anh ấy đã nghiên cứu về công nghệ, Web, lập trình từ những năm 2004. Hàng ngày ngoài viết thì anh ấy thích trồng cây, DIY những món đồ ngớ ngẩn.