Dấu hiệu cho thấy laptop của bạn quá nóng và cách khắc phục

Khi laptop quá nóng sẽ dẫn tới hiệu suất làm việc bị giảm sút và có nguy cơ gây hỏng hóc các linh kiện bên trong. Do đó, việc phát hiện và nhận biết các dấu hiệu khi laptop quá nóng là hết sức quan trọng để phòng tránh những hư hỏng nặng hơn.

Các dấu hiệu nhận biết khi laptop quá nóng

Có một số dấu hiệu và triệu chứng giúp bạn nhận biết khi laptop quá nóng và chúng vượt qua ngưỡng nhiệt cho phép. Lúc này bạn sẽ cảm thấy máy tính không còn hoạt động bình thường và thậm chí có thể ngừng hoạt động khi xử lý các tác vụ đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán.

Vấn đề thường có thể được khắc phục dễ dàng nếu phát hiện sớm, hầu hết nguyên nhân khiến laptop quá nóng là do hệ thống tản nhiệt hoạt động kém.

Nhiệt độ

Đây có thể xem là một triệu trứng dễ nhận biết nhất, và cũng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy máy tính xách tay của bạn đang quá nóng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho máy bị nóng lên như chạy quá nhiều ứng dụng cùng lúc, hay các ứng dụng yêu cầu hiệu suất làm việc cao như chơi game.

Một nguyên nhân khác có thể do bạn sử dụng máy tính trong một không gian quá nóng bức cũng sẽ tác động lớn đến máy. Khi bạn không thể đặt tay lên máy hoặc có mùi nhựa nồng do lớp keo tan chảy, máy tính của bạn đang bị nóng.

Máy tính chạy chậm

Ngoài nhiệt độ tăng lên sẽ xuất hiện các dấu hiệu khác để bạn nhận biết. Khi máy tính hoạt động ở nhiệt độ quá cao, bạn có thể nhận thấy nó bắt đầu chạy chậm chạp. Nguyên nhân là do phần cứng bên trong máy tính laptop thường được thiết kế để tự bảo vệ trước tình trạng quá nhiệt.

Hệ thống tản nhiệt của laptop
Hệ thống tản nhiệt của laptop

Cụ thể thì CPU và GPU sẽ tự động giảm hiệu suất tính toán (50 -70%) khiến máy hoạt động chậm hơn so với bình thường, điều này là để hệ thống cố gắng giảm thiểu việc sản sinh nhiệt. Tệ hơn nữa máy tính có thể tự tắt để bảo vệ (khi CPU vượt quá 99 độ C), hoặc chương trình đang chạy sẽ gặp sự cố và không thể tiếp tục.

Lỗ thông gió

Khi máy tính hoạt động, hơi nóng sẽ được thổi ra ngoài qua các lỗ thông gió bởi một chiếc quạt tản nhiệt bên trong máy. Trường hợp bạn không thấy có hơi nóng được thổi ra ngoài có thể quạt tản nhiệt đã bị hỏng và cần được thay thế.

Một nguyên nhân khác có thể là do lỗ thông gió bị cản do bạn đang đặt máy trên một bề mặt mềm như như một tấm thảm, đệm hoặc trên một cái gối. Bụi cũng là một nguyên nhân phổ biến, thường xuyên gây tắc nghẽn lỗ thông gió từ bên trong. Do đó, bạn cần đảm bảo tất cả các lỗ thông gió trên máy tính được thông thoáng.

Khắc phục tình trạng laptop bị nóng

Một số máy tính xách tay bình thường chạy rất nóng khi xử lý các tác vụ nặng nhưng không bao giờ vượt quá khoảng 40 – 50 độ C trên bề mặt. Nếu máy của bạn hoạt động nóng hơn mức ngưỡng này thì thực sự thiết bị đang gặp vấn đề

Bạn có thể thử mua thiết bị tản nhiệt laptop Cooling Pad sẽ giúp hấp thụ nhiệt từ máy tính và tăng luồng không khí qua lỗ thông gió của thiết bị. Nếu có thể, hãy cố gắng không chạy các ứng dụng đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán trong một môi trường có nhiệt độ xung quanh đã quá cao.

Đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh hệ thống tản nhiệt, quạt và các khe thông gió định kì, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trường hợp thiết bị hoạt động quá nóng. Nếu có thể bạn nên thay thế lớp keo tản nhiệt trên CPU và GPU sau mỗi 2 năm hoạt đông, lớp keo này khi quá hạn sử dụng có thể dẫn đến hiện tượng máy thường xuyên tự khởi động lại.

Nguồn: biên tập thietbiketnoi.com

Chia sẻ
Viết với niềm đam mê và yêu thích công nghệ. Từng học đại học Bách Khoa, thêm bốn năm với HDSE - Aptech. Anh ấy đã nghiên cứu về công nghệ, Web, lập trình từ những năm 2004. Hàng ngày ngoài viết thì anh ấy thích trồng cây, DIY những món đồ ngớ ngẩn.