Mã OBD là gì và cách đọc chúng

Mã OBD là một khái niệm mới mẻ đối với người dùng ô tô thông thường, nhưng bạn đừng quá lo lắng, nó không quá phức tạp và bạn nên biết một số thông tin cơ bản về mã ODB, điều này sẽ giúp ích cho bạn khi chiếc xế yêu gặp vấn đề trục trặc.

Khi đèn Check Engine bật sáng, nó có thể là cảnh báo của một loạt các vấn đề với xe ô tô của bạn. Nhưng đèn check engine không thể cho bạn biết chi tiết liệu vấn đề nằm ở hệ thống nhiên liệu, đánh lửa, truyền động, máy tính điều khiển, khí thải hay ở những nơi khác.

Chính vì vậy xe ô tô thường được trang bị hệ thống chẩn đoán trên xe (viết tắt là OBD) cho phép thợ sửa chữa với các công cụ phù hợp có thể nhanh chóng chuẩn đoán vấn đề mà xe đang gặp phải. Khi xảy ra sự cố, hệ thống OBD sẽ lưu trữ mã sự cố chẩn đoán (DTC) gồm 5 ký tự thể hiện sự cố đang xảy ra. Đây cũng thường được gọi là mã OBD hoặc mã OBD-II.

Thông qua việc sử dụng máy đọc mã OBD, bạn có thể đọc mã gồm năm ký tự này từ hệ thống chuẩn đoán trên xe để biết chính xác vấn đề nằm ở khu vực nào của xe.

Cách đọc mã OBD

Đọc mã OBD cần máy đọc mã OBD. Đó là một công cụ cầm tay có đầu nối hình thang 16 chân cắm vào cổng OBD trên xe và hiển thị mã OBD. Ngoài ra bạn không cần bất kỳ công cụ nào khác để đọc mã OBD.

Bước 1: Cắm máy đọc mã OBD vào cổng OBD

Máy quét OBD có một đầu nối hình thang 16 chân phù hợp với cổng OBD trên xe. Cổng này còn được gọi là cổng chẩn đoán (DLC). Mỗi chiếc xe có vị trí khác nhau cho cổng OBD, nhưng thông thường bạn sẽ tìm thấy nó dưới táp lô bên phía ghế lái gần bàn đạp. Ở một số loại xe ít thông dụng, nó sẽ nằm trong bảng điều khiển trung tâm hoặc bên dưới ngăn đựng găng tay. Bạn có thể Kiểm tra hướng dẫn sử dụng của xe để biết vị trí chính xác cổng OBD trên xe của bạn.

Bước 2: Bật khóa điện

Bật hệ thống điện trong xe, nhưng không nổ máy. Khi khóa điện mở, nguồn điện từ bình ắc quy sẽ cung cấp điện cho máy đọc OBD và hệ thống OBD trên xe, máy đọc mã lúc này sẽ bắt đầu kết nối với máy tính trên xe. Bạn sẽ thấy một thông báo như “thiết lập liên kết với OBD” hiển thị trên màn hình máy đọc trong quá trình này.

Nếu máy đọc không sáng khi bạn mở khóa điện, hãy kiểm tra kết nối giữa máy đọc ODB và các chân kết nối. Nếu nó vẫn không hoạt động, hãy kiểm tra xem có nguồn điện trên ổ cắm điện phụ của ô tô (hay còn gọi là bật lửa) hay không. Hệ thống OBD lấy nguồn từ cùng một nguồn với ổ cắm điện phụ, vì vậy nếu không có điện trên ổ cắm điện, thì máy quét OBD cũng sẽ không hoạt động.

Bước 3: Nhập số nhận dạng xe

Với một số máy quét OBD, bạn sẽ phải nhập Số nhận dạng xe (VIN), loại xe, kiểu xe và loại động cơ của xe. Điều này là do một số mã OBD dành riêng cho mỗi hãng xe, vì vậy máy đọc có thể cung cấp cho bạn thông tin chi tiết hơn nếu bạn nhập thêm thông tin chi tiết về chiếc xe của bạn.

Bước 4: Tìm mã OBD trong menu

Tiếp theo, chọn menu Codes trên máy quét OBD của bạn. Giao diện máy đọc có thể khác nhau, nhưng thông thường, nó sẽ được gọi là Codes hoặc Trouble Codes.

Máy đọc có thể yêu cầu bạn chọn hiển thị mã đang hoạt động (Active Codes) và mã đang chờ xử lý(Pending Codes). Mã đang hoạt động là các trục trặc khiến đèn Check Engine của bạn đang bật sáng. Mã đang chờ xử lý là lỗi đã xảy ra ít nhất một lần nhưng chưa làm cho đèn Check Engine bật sáng. Tuy nhiên, nếu lỗi này xảy ra lần nữa, mã đang chờ xử lý sẽ được chuyển thành mã hoạt động và đèn Check Engine sẽ bật sáng.

Bước 5: Cách đọc ký tự đầu tiên của mã OBD

Bây giờ bạn đã có mã OBD, bạn cần phải kiểm tra xem mã OBD đang hiển thị lỗi gì. Mỗi ký tự của mã sẽ cung cấp thông tin chi tiết về lỗi mà chiếc xe đang gặp phải.

Nếu ký tự đầu tiên là chữ P, có vấn đề với hệ thống truyền động. Nếu là B, có gì đó không ổn trong hệ thống thân xe, chẳng hạn như có thể cho thấy sự cố với túi khí. Nếu ký tự đầu tiên là chữ C, có vấn đề ở khung xe, chẳng hạn như vấn đề với phanh chống bó cứng. Nếu đó là chữ U, hệ thống giao tiếp mạng có vấn đề.

Bước 6: Cách đọc ký tự thứ hai của mã OBD

Ký tự thứ hai trong mã OBD xác định xem vấn đề là vấn đề chung hay vấn đề của một nhà sản xuất cụ thể. Khi tạo ra hệ thống mã OBD, Hiệp hội Kỹ sư Ô tô đã chọn các mã tiêu chuẩn cho các vấn đề có thể xảy ra trên hầu hết các ô tô. Chúng được gọi là mã chung. Một số nhà sản xuất đã thêm mã riêng của họ vì các bộ phận của họ không được thể hiện chính xác trong danh sách chung. Đây là các mã dành riêng cho mỗi nhà sản xuất.

Nhìn vào hai ký tự đầu tiên của mã OBD. Nếu chúng là P0, P2, P34-P39, B0, B3, C0, C3, U0 hoặc U3, vấn đề nằm ở bộ phận chung có trên hầu hết các xe. Nếu chúng là P1, P30-P33, B1, B2, C1, C2, U1 hoặc U2, vấn đề nằm ở bộ phận sản xuất riêng cho xe của hãng đó.

Bước 7: Cách đọc ký tự thứ ba của mã OBD

Ký tự thứ ba cung cấp cho chúng ta thông tin cụ thể hơn về vị trí của vấn đề. Mỗi loại vấn đề (hệ thống truyền động, thân xe, khung gầm, hệ thống liên lạc mạng, v.v.) có cách giải thích riêng cho con số này.

Trong trường hợp có vấn đề về hệ thống truyền động, số 1 cho biết có vấn đề về hệ thống đo nhiên liệu hoặc không khí, số 2 có nghĩa là có vấn đề về hệ thống phun nhiên liệu hoặc không khí, số 3 cho biết có sự cố với hệ thống đánh lửa, số 4 là lỗi hệ thống khí thải, 5 là sự cố điều khiển tốc độ hoặc điều khiển không tải, 6 là sự cố máy tính / điện tử và 7-9 cho biết có điều gì đó không ổn với bộ truyền động.

Bước 8: Cách đọc các ký tự cuối cùng của mã OBD

Hai ký tự cuối cùng của mã OBD chỉ định lỗi chính xác. Với hàng ngàn lỗi tiềm ẩn, để có được chi tiết chính xác của vấn đề, bạn sẽ cần phải có mạng và sử dụng trang web tra cứu mã OBD, có rất nhiều website cho phép bạn tra cứu chi tiết mã OBD chẳng hạn như OBD-Codes.com. Nhập mã OBD đầy đủ và trang web sẽ diễn giải đầy đủ chi tiết về lỗi đã gặp và cách khắc phục.

Tóm lược

Các ô tô hiện đại giúp chẩn đoán sự cố của xe dễ dàng hơn thông qua việc sử dụng mã OBD. Bạn có thể sử dụng máy đọc OBD để tìm hiểu lý do tại sao đèn Check Engine trên xe bạn bật sáng. Mã năm ký tự thể hiện chi tiết bộ phận đang gặp sự cố và bạn thậm chí có thể tự tra mã bằng cách kiểm tra các ký tự của nó.

Tuy nhiên, có rất nhiều mã OBD nên khó có thể nhớ hết được, bạn có thể sử dụng cách dễ dàng hơn, nhập mã OBD do máy hiển thị vào các trang web tra cứu mã OBD để tìm hiểu mã đó có nghĩa là gì.

Nguồn: biên tập thietbiketnoi.com

xem thêm:

Chia sẻ
Viết với niềm đam mê và yêu thích công nghệ. Từng học đại học Bách Khoa, thêm bốn năm với HDSE - Aptech. Anh ấy đã nghiên cứu về công nghệ, Web, lập trình từ những năm 2004. Hàng ngày ngoài viết thì anh ấy thích trồng cây, DIY những món đồ ngớ ngẩn.