Local Dimming (làm tối cục bộ) còn được hiểu như là một tính năng giúp cải thiện chất lượng hiển thị cho TV. Tuy nhiên, không phải công nghệ làm tối cục bộ nào cũng mang lại cùng một kết quả. Ngay sau đây là những khác biệt cơ bản được tổng hợp từ những trang công nghệ uy tín.
Tính nắng Local Dimming là gì
Hiện nay, mỗi hãng sản xuất TV LED đều thương mại hóa công nghệ làm tối cục bộ cho các sản phẩm của mình bằng những tên gọi khác nhau. Đơn cử Samsung đặt cho công nghệ này tên gọi “Micro Dimming”.
Các sản phẩm TV LED ứng dụng công nghệ làm tối cục bộ của Vizio thường được biết đến với tính năng “Smart Dimming” trong thông tin quảng bá sản phẩm. Trong khi đó, Sony thường sử dụng thuật ngữ “Frame Dimming” để ám chỉ các mẫu TV LED được hãng ứng dụng công nghệ làm tối cục bộ.
Cơ bản, Local Dimming là tên gọi của công nghệ cho phép thay đổi độ đồng nhất của đèn nền LED trên TV, nhằm tăng độ tương phản hình ảnh hiển thị.
Để làm được điều này, những vùng (đèn LED) chiếu sáng tại những khu vực hiển thị hình ảnh có màu tối sẽ được làm mờ cục bộ – trong khi các vùng có màu sắc tươi sáng khác trên khung hình sẽ vẫn được chiếu sáng một cách bình thường.
Công nghệ này được phát triển giúp cải thiện chất lượng sắc đen và độ chi tiết cảnh tối của các thế hệ TV LED, vốn có nhiều hạn chế khi thể hiện cảnh tối, độ tương phản khi so sánh với sắc đen của các thế hệ TV Plasma.
Công nghệ Micro Dimming và các phiên bản
Micro Dimming cũng có nhiều phiên bản mang tên gọi khác nhau. Khác biệt cơ bản giữa các phiên bản công nghệ làm tối của Samsung chính là số lượng vùng pixel mà hãng phân chia trên một panel màn hình.
Ví dụ như trong phiên bản Micro Dimming Ultimate, hãng chia màn hình lên đến 600 zone, mỗi điểm ảnh trong một zone sẽ có thể thay đổi độ tương phản, độ sắc nét và màu sắc hình ảnh với tốc độ mà mắt thường không thể nhận ra.
Trong công nghệ làm tối mang tên “Micro Dimming” của Samsung, hãng không hoàn toàn làm tối (bằng cách điều tiết độ sáng) một vùng đèn LED nền cục bộ như bản chất của công nghệ Local Dimming.
Thay vào đó, Samsung tạo ra một hiệu ứng tương tự bằng cách chia panel màn hình thành nhiều vùng (zone) để thay đổi độ tương phản của các vùng hiển thị này.
Một số mẫu TV Samsung được tích hợp công nghệ Micro Dimming cũng có thể được trang bị kèm tính năng CE Dimming. Tính năng này cơ bản cũng làm tối đèn nền LED phía sau panel màn hình. Tuy nhiên, thay vì giảm độ sáng đèn LED cục bộ (chỉ những vùng ảnh tối, màu đen), CE Dimming lại làm tối toàn bộ đèn LED khi thể hiện các cảnh tối.
Tuy có khá nhiều phiên bản trong công nghệ làm tối của Samsung, nhưng nhìn chung, người dùng khó có thể nhận thấy sự khác biệt ở chất lượng hình ảnh hiển thị.
Một số mẫu TV LED cao cấp của hãng do được trang bị panel màn hình chất lượng cao nên cho hình ảnh đẹp và tốt hơn – nhưng hoàn toàn không phải vì công nghệ làm tối theo cách tăng độ tương phản, độ sắc nét và màu sắc hình ảnh này.
Công nghệ Frame Dimming
Công nghệ làm tối cục bộ do Sony phát triển này cơ bản cũng giảm độ sáng các đèn LED chiếu cạnh của màn hình nhằm tăng độ tương phản cho hình ảnh hiển thị. Frame Dimming còn được biết đến với tên gọi “Edge-lit local dimming” và được ứng dụng khá rộng rãi trên các thế hệ TV sử dụng đèn LED chiếu cạnh ngày nay.
Tuy nhiên, thay vì làm tối một vùng hình ảnh cục bộ theo từng zone, Frame Dimming làm tối toàn bộ khung hình. Chính vì vậy, tùy theo cách bố trí đèn LED dọc theo các cạnh của TV, người dùng sẽ có những trải nghiệm hình ảnh khác nhau. Chỉ một số ít các TV LED (edge-lit) cho chất lượng sắc đen tốt như Sony KDL-55W900A, Samsung F8000/F9000.
Công nghệ Smart Dimming
Như đã nói ở trên, Smart Dimming là tên gọi của công nghệ làm tối cục bộ được Vizio, hãng chuyên sản xuất các thiết bị điện tử của Mỹ phát triển. Công nghệ này cũng hỗ trợ điều tiết độ sáng các đèn LED để tăng độ tương phản cho khung hình.
Smart Dimming đã được hãng ứng dụng cho các mẫu TV LED sử dụng các đèn chiếu cạnh (edge-lit LED TV) của hãng. Thay vì điều khiển độ sáng của từng bóng đèn LED riêng biệt, Vizio cũng dùng phương thức nhóm các đèn thành từng zone và kiểm soát độ sáng tối theo từng zone riêng biệt. Mỗi zone sẽ được gán cho một vùng màn hình nhất định.
Tùy theo model mà số lượng zone sẽ nhiều hay ít. Ví dụ như loạt series sản phẩm cao cấp của hãng mà Vizio giới thiệu tại CES 2014 vừa qua có đến 384 zone trên một sản phẩm TV.
Tính năng làm tối cục bộ có thực sự đáng giá?
Về lý thuyết, làm tối cục bộ là một tính năng tuyệt vời trên các thế hệ TV LED ngày nay. Tính năng này làm tăng độ tương phản của hình ảnh nhận thức bằng cách chiếu sáng chính xác những phần sáng của màn hình; và làm tối hoàn toàn những vùng hình ảnh tối.
Như đã biết, màn hình LCD vẫn có thể bị rò rỉ một chút ánh sáng qua các điểm ảnh, ngay cả khi hiển thị một màu đen. Bằng cách giảm ánh sáng đằng sau một khu vực của màn hình mà hình ảnh là chủ yếu là màu đen, nó có thể làm giảm sự rò rỉ và tạo ra một hình ảnh tối hơn.
Các thế hệ TV sử dụng tấm nền LED và công nghệ làm tối cục bộ Local Dimming cho sắc đen tốt hơn. Trong khi đó các mẫu TV sử dụng đèn LED chiếu cạnh (trên/dưới) thường gặp hiện tượng lóe sáng (Halo effect) như ảnh dưới.
Tựu trung, công nghệ làm tối cục bộ gần như không cải thiện chất lượng hình ảnh của các TV sử dụng đèn LED chiếu cạnh.
Người dùng chỉ nên quan tâm đến những mẫu TV ứng dụng đèn nền LED nguyên tấm và công nghệ làm tối cục bộ bằng cách điều tiết độ sáng các đèn LED. Vì những mẫu TV này cho chất lượng màu đen tốt, song, một số sản phẩm vẫn không tránh khỏi hiệu ứng Halo.
Tuy nhiên trong thực tế, rất ít mẫu TV có thể kiểm soát chính xác các đèn nền do kích thước các bóng đèn LED; và kích thước của các vùng (zone) kiểm soát khác nhau giữa các mẫu TV.
Các đèn LED phía sau màn hình ảnh hưởng đến một khu vực khá lớn vì vậy nó không chỉ có thể thắp sáng đèn nền cho các điểm ảnh của các ngôi sao của bầu trời đêm. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, tính năng làm tối cục bộ còn gây ra hiệu ứng Halo (quầng sáng xung quanh các hình ảnh sáng) như ảnh bên dưới.
Hầu hết các thế hệ TV LED hiện nay đều cho phép người dùng tắt tính năng Local Dimming từ menu điều khiển máy hoặc từ Service Menu đặc biệt của hãng. Riêng với TV Samsung, người dùng không thể tắt tính năng làm tối cục bộ này ngay cả khi truy cập Service Menu của thiết bị. Cách duy nhất để tắt tính năng này là cài đặt chế độ hiển thị sang Movie mode.