5 điều cần nhớ để có thể chụp được những bức ảnh tuyết Sapa lung linh

 

Trước khi bấm máy để chụp một bức ảnh tuyết rơi, bạn hãy trang bị cho mình những kiến thức được chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Vài năm trở lại đây, mỗi khi mùa đông đến, thời tiết trở nên lạnh giá thì nhiều du khách lại kéo nhau đến Sapa để được ngắm và chụp ảnh tuyết rơi.

Khung cảnh tuyết rơi luôn đem lại cơ hội cho phép bạn chụp những bức ảnh tuyệt vời và mới lạ. Nhưng trước khi bấm máy chụp tuyết Sapa, bạn hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để có bức ảnh chụp tuyết Sapa đẹp nhất.

1. Mặc đủ ấm

Bạn hãy mặc quần áo ấm, tốt nhất nên có áo cao cổ, áo len dài tay và áo khoác ngoài (đặc biệt là loại áo lông vũ – rất nhẹ và ấm). Áo có màu sặc sỡ như đỏ hoặc cam sẽ rất nổi bật trên nền tuyết trắng xóa.

Bạn nên mang theo mũ len, nếu áo khoác ngoài có mũ thì càng tốt. Đối với người mắc bệnh về phổi thì nên mang thêm khẩu trang.

Khi chụp ảnh ngoài trời mưa tuyết, mặc hai quần cũng là một gợi ý hay – một lớp quần trong bó sát và quần jean bên ngoài.

Tương tự, tất cũng vậy, bạn có thể đi 2 lớp tất: 1 lớp mỏng thường và 1 lớp tất dầy ở trong. Nên nhớ, mang theo cả găng tay để giữ ấm cho đôi bàn tay. Nếu tay bạn bị lạnh cóng vì tuyết thì bạn sẽ khó có thể bấm máy đúng lúc cần thiết.

Giày: bạn nên chọn loại giày mềm và có cổ cao để tránh tuyết lọt vào trong. Nên đi quen giày trước 1 tuần để tránh đau chân trong quá trình di chuyển khi chụp ảnh.

2. Bảo vệ thiết bị

Nếu trời đang có tuyết rơi nhiều, hãy che máy ảnh bằng một tấm chắn không thấm nước. Nếu tuyết thưa hạt thì bạn cũng không cần bận tâm lắm.

Khi bạn đi từ ngoài trời vào trong nhà, nhiệt độ trong phòng lúc đó sẽ cao hơn so với ngoài trời dẫn đến việc máy ảnh và ống kính sẽ bị đọng hơi nước. Vì thế khi bước vào trong khu vực ấm áp hơn, bạn nên tránh sử dụng máy ảnh trong khoảng 30 phút đầu.

Nếu nhiệt độ quá đối lập nhau giữa bên trong nhà và môi trường bên ngoài thì khi từ ngoài trời bước vào trong nhà, hãy để máy ảnh và ống kính vào trong một cái túi nhựa và kéo khóa lại để tránh các vấn đề ngưng tụ.

3. Thiết lập phơi sáng bằng tay

Nếu bạn đang chụp ở chế độ Auto, thì dưới nền tuyết trắng, máy ảnh sẽ ngầm hiểu là cảnh chụp đang bị dư sáng quá mức và máy sẽ tự động điều chỉnh lại độ phơi sáng. Điều này khiến cho bức ảnh chụp được sẽ có màu tối hơn, và tuyết sẽ có màu xám.

Khi thiết lập phơi sáng bằng tay, bạn có thể thu được bức ảnh chụp tuyết với màu sắc tươi sáng đúng nghĩa.

4. Thiết lập cân bằng trắng bằng tay

Cũng giống như thiết lập phơi sáng, máy ảnh có thể bị đánh lừa bởi nền tuyết màu trắng. Nếu bạn chụp ảnh với thiết lập tự động cân bằng trắng, tuyết trong ảnh sẽ bị chuyển sang màu xanh xám hoặc vàng cam. Để ngăn chặn điều này, bạn hãy thiết lập cân bằng trắng bằng tay, sử dụng các thiết lập Kelvin trong máy ảnh hoặc bằng cách chụp ở chế độ RAW và chỉnh cân bằng trắng thông qua phần mềm Lightroom.

Cân bằng trắng tự động (trái) và cân bằng trắng được thiết lập bằng tay (phải).

5. Khắc phục hiện tượng quang sai màu

Quang sai – hay còn gọi là sắc sai là những đường màu đỏ thẫm hoặc màu xanh lá xuất hiện trong các vùng ảnh có độ tương phản cao. Bạn sẽ bắt gặp hiện tượng này khi chụp ảnh với tuyết, đặc biệt là trên cành cây có tuyết.

Để giảm thiểu hiện tượng này, bạn hãy chụp ảnh ở khẩu độ 2.8 hoặc cao hơn. Quang sai màu cũng có thể được khắc phục bừng công cụ “Remove Chromatic Aberration” thuộc tab “Lens Correction” trên phần mềm Lightroom.

Nguồn: biên tập thietbiketnoi.com

Chia sẻ
Viết với niềm đam mê và yêu thích công nghệ. Từng học đại học Bách Khoa, thêm bốn năm với HDSE - Aptech. Anh ấy đã nghiên cứu về công nghệ, Web, lập trình từ những năm 2004. Hàng ngày ngoài viết thì anh ấy thích trồng cây, DIY những món đồ ngớ ngẩn.