Google Pixel Buds trở lại thị trường với những điểm cải tiến vượt bậc so với phiên bản tiền nhiệm. Khác với phiên bản trước, Google Pixel Buds có khả năng kết nối không dây thực thụ. Chiếc tai nghe đem lại trải nghiệm thoải mái khi sử dụng và có chất lượng âm thanh tốt. Điểm tuyệt vời nhất của chiếc tai nghe nằm ở mức giá. Google Pixel Buds có mức giá rẻ hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc.
Thiết kế của Google Pixel Buds
Google Pixel Buds sở hữu vẻ ngoài với 2 tông màu chủ đạo là trắng và đen. Chiếc tai nghe sở hữu mặt trước được hoàn thiện màu trắng ngà trông khá giống một viên kẹo Mentos, với điểm khác biệt duy nhất là logo hình chữ G được khắc chính giữa. Phần còn lại của chiếc tai nghe sở hữu màu đen tạo nên sự tương phản bắt mắt cho sản phẩm.
Google đặt tên cho phiên bản màu sắc này là “Clearly White”. Hãng phát hành Google Pixel Buds với nhiều phiên bản màu sắc hơn so với dòng AirPods và AirPods Pro của Apple.
Phiên bản mới nhất của Google Pixel Buds sở hữu tiêu chuẩn IPX4, điều này cho phép chiếc tai nghe khả năng chống chịu phần nào nước mưa và mồ hôi trong quá trình sử dụng.
Pixel Buds có khối lượng 5.1 gram và có kích thước 3 chiều là 0.8 x 0.8 x 0.7 inch. Chiếc tai nghe của Google nhẹ và nhỏ hơn một chút so với Apple AirPod Pro (nặng 5.4 gram, 1.2 x 0.9 x 0.9 inch) và Samsung Galaxy Buds Plus (nặng 5.7 gram, 0.7 x 0.9 x 0.8 inch).
Vỏ sạc của chiếc Pixel Buds được hoàn thiện màu trắng sữa, với các góc cạnh được bo cong mềm mại, có khối lượng 53.8 gram và số đo 3 cạnh là 2.5 x 1.9 x 1 inch. Vỏ sạc của chiếc tai nghe Google nặng và lớn hơn khi so sánh với vỏ sạc của AirPod Pro (nặng 45.3 gram, 2.4 x 1.7 x 0.9 inch) cũng như khi so sánh với Galaxy Buds Plus (nặng 39.7 gram, 2.8 x 1.5 x 1 inch).
Cài đặt
Google Pixel Buds đem lại trải nghiệm cài đặt với các thiết bị mới một cách nhanh chóng và tiện lợi. Trong lần cài đặt đầu tiên, ngay khi tôi mở nắp của chiếc vỏ sạc Pixel Buds ra, công nghệ Fast Pair của Google ngay lập tức thực hiện vai trò. Màn hình thông báo được hiện ra trên màn hình điện thoại. Ấn vào màn hình thông báo này chuyển tôi qua mục hướng dẫn tổng quát các tính năng tiện ích của chiếc tai nghe bao gồm khả năng điều khiển thông qua cảm ứng chạm.
Sau lần hướng dẫn đầu tiên, bạn chỉ cần mở nắp vỏ sạc là đã có thể sử dụng ngay chiếc tai nghe. Công nghệ Fast Pair của Google được hỗ trợ mọi dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android 6.0 trở lên cũng như phiên bản iOS tương ứng. Chiếc tai nghe Pixel Buds có thể kết nối cùng lúc với 6 thiết bị khác nhau.
Điều khiển
Pixel Buds là một trong số các dòng tai nghe không dây sở hữu khả năng điều khiển bằng thao tác vuốt tốt nhất mà tôi từng sử dụng. Chiếc tai nghe sở hữu bề mặt cảm ứng rộng rãi, cho phép người dùng thực hiện dễ dàng thao tác vuốt tiến và vuốt lùi để tăng hoặc giảm âm lượng.
Chiếc tai nghe có độ nhạy cảm ứng cao, cho phép tôi thực hiện các thao tác chạm nhẹ nhàng mà không gây nhức tai. Bạn có thể chạm 1 lần để bắt đầu nghe hoặc tạm thời dừng nhạc; chạm 2 lần hoặc 3 lần để tiến tới hoặc quay lại danh sách bài hát.
Tính năng của Google Pixel Buds
Trong thời buổi công nghệ phát triển, một chiếc tai nghe chỉ có duy nhất khả năng kết nối qua Bluetooth không thôi là điều chưa đủ. Để tạo nên sự khác biệt giữa các đối thủ cạnh tranh, các dòng tai nghe này phải sở hữu một vài tính năng đặc biệt nhất định. Trong trường hợp của chiếc Pixel Buds, bạn có một vài tính năng hay, bắt đầu với khả năng gọi trợ lý ảo Google Assistant thông qua giọng nói. Tương tự như AirPods Pro, bạn có thể gọi trợ lý ảo bằng giọng nói của mình.
Trong quá trình sử dụng, bạn có thể sẽ để quên hoặc đánh mất chiếc tai nghe không dây của mình. Điều may mắn là Pixel Buds sở hữu tính năng Find My EarBuds, cho phép người dùng biết được vị trí của chiếc tai nghe thông qua màn hình điện thoại.
Tương tự như phiên bản tiền nhiệm, Pixel Buds được hỗ trợ sử dụng Google Translate. Một khi ứng dụng này được cài đặt, bạn có thể sử dụng chiếc tai nghe để giúp bạn nói ngôn ngữ khác.
Ứng dụng
Tương tự như các dòng tai nghe không dây chất lượng trên thị trường, bạn có thể tùy chỉnh các cài đặt của Pixel Buds thông qua ứng dụng tiện ích đi kèm. Với ứng dụng này, bạn có thể thay đổi tên gọi của chiếc tai nghe và kiểm tra thời lượng pin của từng bên tai cũng như của chiếc vỏ sạc. Bạn có thể sử dụng tính năng Find My Earbuds tại ứng dụng này, cũng như tắt hoặc bật khả năng điều khiển bằng thao tác vuốt.
Điều thiếu sót duy nhất của ứng dụng chính là khả năng tùy chỉnh chất âm của tai nghe thông qua hệ thống EQ chi tiết.
Tính năng âm thanh thích nghi
Tương tự như Samsung Galaxy Buds và Jabra Elite 75t, Pixel Buds không có tính năng cách âm chủ động ANC. Thay vào đó, Google phải dựa vào độ siết chặt của chiếc tai nghe với tai người dùng để tạo nên khả năng cách âm bị động.
Thay vì tính năng ANC, Google trang bị cho chiếc tai nghe tính năng Adaptive Sound (Âm thanh thích nghi). Để so sánh cho dễ hiểu, đây là phiên bản âm thanh của tính năng tự động thay đổi độ sáng màn hình trên điện thoại. Tính năng này cho phép chiếc tai nghe tự động thay đổi âm lượng tùy thuộc vào tiếng ồn xung quanh.
Chất lượng âm thanh của Google Pixel Buds
Google Pixel Buds có chất lượng âm thanh tổng thể khá tốt. Hệ thống loa driver kích thước 12 mm của chiếc tai nghe đem lại chất lượng âm thanh đầy đặn và ấm tai, với độ chi tiết thể hiện tốt. Một điểm tôi nhận thấy khi so sánh chiếc tai nghe Google với AirPod Pro chính là Pixel Buds có mức âm lượng thấp hơn. Trên thực tế, để có phát ra âm lượng bằng với mức 50% của AirPods Pro, tôi phải tăng âm lượng của Pixel Buds lên mức 70%.
Pixel Buds có khả năng thể hiện các dải âm tầm thấp khá trong trẻo, với các chi tiết nhỏ được thể hiện rõ ràng và liền mạch.
Thời lượng pin và kết nối
Theo lời của Google, chiếc Pixel Buds có thể đem lại 5 giờ sử dụng trong một lần sạc đầy nếu bạn chỉ nghe nhạc, thời lượng pin này giảm xuống còn 2.5 giờ nếu bạn sử dụng chiếc tai nghe để nói chuyện điện thoại. Trong quá trình sử dụng thực tế, tôi có thể sử dụng chiếc tai nghe trong vòng 4 giờ 27 phút trước khi cất vào vỏ sạc để nạp pin. Trong quá trình kiểm tra, tôi nhận thấy chiếc tai nghe bên phải thường hết pin nhanh hơn so với bên trái. Điều này có thể là do tôi thường thực hiện các thao tác vuốt với chiếc tai nghe bên phải hơn so với bên trái.
Vỏ sạc của máy giữ được mức thời lượng pin là 24 giờ đồng hồ. Bạn có thể tiếp tục sử dụng chiếc tai nghe trong vòng 2 giờ đồng hồ với chỉ 10 phút sạc pin. Vỏ sạc tương thích với các thiết bị sạc không dây.
Pixel Buds sử dụng công nghệ Bluetooth 5.0 để kết nối với các thiết bị khác nhau, điều này đem lại khả năng kết nối ổn định cho chiếc tai nghe. Tai nghe giữ được trạng thái kết nối với chiếc điện thoại trên tầng 2 khi tôi xuống tầng 1 làm việc.
Chất lượng cuộc gọi của Google Pixel Buds
Nhờ các tổ hợp microphone nhỏ được bố trí hợp lý, Google Pixel Buds đem lại cho người dùng trải nghiệm nghe gọi điện thoại khá tốt. Chiếc tai nghe Google phát ra và gửi đi chất lượng âm thanh trong trẻo và rõ ràng, đồng thời còn có khả năng lọc bỏ tiếng ồn xung quanh tốt, cho phép tôi nói chuyện điện thoại dễ dàng ngay cả khi sử dụng ở những nơi đông người.
Tổng kết
Google có màn trở lại ngoạn mục với chiếc Pixel Buds phiên bản mới nhất. Chiếc tai nghe sở hữu những điểm cải tiến vượt bậc so với phiên bản tiền nhiệm. Pixel Buds đem lại trải nghiệm sử dụng thoải mái cho người dùng, có độ bền cao nhờ sở hữu tiêu chuẩn chống nước và độ ẩm IPX4. Chiếc tai nghe sở hữu vẻ ngoài bắt mắt với nhiều lựa chọn màu sắc khác nhau. Ngoài thiết kế ra, Pixel Buds còn đem đến cho người dùng chất lượng âm thanh tuyệt hảo với hàng tá các tính năng tiện ích hay.
Tuy nhiên, hy vọng rằng phiên bản Pixel Buds tiếp theo sẽ được hỗ trợ tính năng cách âm chủ động ANC. Tại thời điểm hiện tại, nếu bạn muốn sở hữu một chiếc tai nghe không dây với khả năng ANC tốt, hãy cân nhắc lựa chọn Sony WF-1000-XM3 hoặc AirPods Pro. Nhưng nếu những gì bạn cần ở một chiếc tai nghe không dây là thiết kế bắt mắt, giá thành rẻ và chất lượng âm thanh tốt thì Google Pixel Buds chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Điểm mạnh
- Âm thanh chất lượng
- Thiết kế bắt mắt, độ bền cao
- Giá phải chăng
- Công nghệ kết nối liền mạch
Điểm yếu
- Không có tính năng cách âm chủ động
- Âm lượng hơi nhỏ
- Không có hệ thống EQ