Cảnh vật ban đêm không phải chỉ toàn một màu tối sẫm, cảnh đêm vẫn mang đến những điều hấp dẫn mới lạ qua con mắt thẩm mỹ của những nhiếp ảnh gia.
Cảnh đêm hấp dẫn bởi những ánh sáng rực rỡ của xe, của đèn đường, nếu cầm trên tay một chiếc máy ảnh, liệu bạn có bỏ qua những gì đang diễn ra? Tuy nhiên không phải ảnh chụp lúc nào cũng đẹp như khi mắt chúng ta nhìn thấy. Bạn đừng vội thất vọng khi mọi thứ không được như mong muốn. Bài viết dưới đây sẽ mang đến 9 lời khuyên hữu ích cho bạn khi chụp ảnh phong cảnh vào ban đêm.
Có những vấn đề khiến nhiều bạn sẽ cảm thấy khó khăn, ví dụ như làm sao để chụp lại được bầu trời đêm, vẻ rực rỡ của những ánh đèn hay phải cài đặt máy ảnh làm sao để phù hợp với điều kiện ánh sáng ban đêm?… 9 lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn có được nền tảng cơ bản về kỹ thuật để giải quyết một số tình huống chụp ánh sáng và đêm phổ biến.
1. Chụp ảnh với chất lượng cao
Để có được những bức hình bạn đêm tốt nhất, bạn cũng nên chụp ảnh với định dạng tốt nhất, lời khuyên dành cho bạn là định dạng RAW. Định dạng RAW cho phép bạn giữ lại nhiều chi tiết của hình ảnh nhất, bạn hoàn toàn có thể tinh chỉnh hình ảnh bằng các chương trình biên tập hình ảnh chuyên dụng sau này như Adobe Camera Raw, Lightrooom hoặc các phần mêm tinh chỉnh RAW khác như DPP canon, Capture NX2, ViewNX2,v.v..
Với việc chụp ban đêm, ảnh RAW lại càng phát huy được ưu điểm của mình khi bạn có thể linh hoạt hơn khi muốn thay đổi các yếu tố như nhiệt độ màu, tăng sáng, giảm tối trên hình ảnh của mình..
2. Nhớ dùng chân máy (Tripod) khi chụp đêm
Một điều hiển nhiên khi chụp hình vào ban đêm là có rất ít ánh sáng và tốc độ màn trập chậm. Một tốc độ 1/30 giây là quá chậm để có thể cầm máy trên tay. Bất kỳ rung động nào của máy ảnh, dù là nhỏ nhất trong khi chụp với tốc độ màn trập chậm đều có thể gây nên tình trạng nhòe mờ. Một chân máy là lựa chọn cần thiết trong trường hợp này để có được hình ảnh thật sắc nét.
Một điều cần lưu ý là hãy chọn tripod phù hợp với kích thước máy ảnh của bạn, khi đứng chụp ở vị trí cao khó tránh khỏi việc có gió lớn, vì thế bạn nên treo một vật nặng vào trung tâm của tripod để cân bằng hơn.
3. Lên kế hoạch chụp trước
Để có một buổi chụp thành công, bạn nên chuẩn bị và lên kế hoạch từ trước để tiết kiệm thời gian. Những thứ cần chuẩn bị đó là vị trí chụp tốt, xem những nơi có thể đứng “ổn” nhất, chọn lựa ánh sáng, kiến trúc đẹp nhất..nếu muốn chụp ánh sáng từ đèn xe cộ, phơi sáng lâu để tạo thành một “con đường ánh sáng”, hãy tìm một con đường đông xe và có vị trí an toàn để chụp.
4. Sử dụng khẩu độ vàng của ống kính
Trong điều kiện cho phép bạn hãy luôn sử dụng khẩu độ vàng của ống kính để hình ảnh có được độ sắc nét nhất.
Khẩu độ vàng thường nằm trong khoảng từ f/8 và f/16. Kể cả những ống kính cao cấp cũng không thể cho ra kết quả tốt nhất nếu sử dụng ở khẩu độ tối đa (f/2.8) và tối thiểu (f/22). Vì vậy lựa chọn khẩu độ ở khoảng giữa trong các khẩu độ có sẵn sẽ tăng khả năng chụp được hình ảnh sắc nét với ống kính của bạn.
Ví dụ: trong dãy khẩu độ ống kính: 2.8-4-5.6-8-11-16-22 thì 8 là khẩu độ vàng bạn nên chọn.
5. Thiết lập máy ảnh
Trong các chế độ chụp trên máy ảnh thì chế độ M (Manual) – chỉnh tay là tốt nhất khi chụp ảnh ban đêm. Bạn nên chọn độ mở ống kính với khẩu độ vàng và tốc độ màn trập chậm.
Bắt đầu căn khung bố cục và đo sáng thiết lập khẩu độ hẹp (f/8 – f/16), sau đó chụp với tốc độ màn trập tương ứng vừa phải. Bạn hãy cứ chụp thử vài bức sau đó xem lại trên màn hình LCD của máy.
6. Chụp hiệu ứng “tia sáng sao” trên đèn đường
Như bức hình bên trên bạn có thể thấy đèn đường khi chụp lại đã có hiệu ứng tia sáng sao rất đẹp. Vậy làm sao để có chụp được như vậy? Sử dụng một khẩu độ hẹp nhất (khoảng f/16 hoặc f/22) để đảm bảo về độ nét sâu cho bức hình, ảnh của bạn sẽ sắc nét từ tiền cảnh đến hậu cảnh, hơn nữa đèn đường sẽ lấp lánh giúp bức ảnh thêm diệu kỳ.
7. Lựa chọn bố cục tốt nhất
Như đã nhắc đến ở phần trên, trước khi chụp ảnh bạn cần nghiên cứu hiện trường cẩn thận. Trong một bức ảnh chụp đêm, bóng tối là một phần của khung cảnh, và những màu sắc, ánh sáng trên nền tối đó chính là những thứ giúp bức hình thú vị hơn. Bạn cần làm nổi bật những điểm đó, hãy phóng to bằng ống kính zoom góc rộng hoặc zoom bằng chân, tiến đến chủ thể gần hơn. Hãy đặt chủ thể như kiến trúc, ánh sáng vào điểm trung tâm hoặc chiếm tỷ lệ lớn trong ảnh.
8. Sử dụng chức năng khóa gương lật (Mirror Lock-up)
Vì phải chụp với tốc độ chậm nên sự rung động dù là nhỏ nhất cần được hạn chế để tránh bị nhỏe hình, kể cả những chuyển động lên xuống của gương nghiêng 45 độ trong máy ảnh DSLR. Để làm điều đó bạn nên kích hoạt Mirror Lock-up trong Menu tùy chỉnh chức năng của máy ảnh.
9. Sử dụng dây bấm mềm hoặc điều khiển từ xa
Cũng nhằm mục đích để tránh rung động có thể xảy ra, bạn nên sử dụng dây bấm mềm hoặc điều khiển từ xa để nhấn nút chụp ảnh. Nếu như bạn không có đủ điều kiện tài chính để trang bị những thứ đó, chế độ hẹn giờ kích hoạt màn trập sau khi nhấn nút chụp là cách để chống rung trong điều kiện chụp này.
Trên đây là 9 kinh nghiệm dành cho chụp ảnh phong cảnh ban đêm. Chúc bạn thực hiện thành công.