Thay vì HD, 4K Smart tivi được xem là tiêu chuẩn mới nhưng giá đã rất hợp lý cho những người còn đang phân vân khi mua TV.
Trong quan niệm của rất nhiều người Việt, điều quan trọng nhất với một chiếc TV là độ nét. Cách đây vài năm, tiêu chuẩn độ nét được xây dựng trên chuẩn HD, Full HD. Rất nhiều kênh truyền hình cũng đưa ra dịch vụ cung cấp các kênh nội dung HD riêng cho người dùng thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên hiện tại, không chỉ tại Việt Nam mà trên cả thế giới, tiêu chuẩn TV đã được nâng lên một mức độ mới – 4K. Đây là tiêu chuẩn độ phân giải độ nét cao (3.840 x 2.160 pixel hoặc 4.096 x 2.160 pixel), cao gấp bốn lần so với độ phân giải Full HD 1080p.
Tại các siêu thị điện máy, rất dễ dàng tìm thấy một chiếc TV tiêu chuẩn 4K ở mọi kích thước, với đủ các mức giá khác nhau từ vài triệu cho tới vài chục triệu đồng. So với quan niệm trước đây là phải có “nghìn đô” mới mua được TV 4K, hiện tại, giá của loại TV này đã vô cùng hợp lý.
Dưới 10 triệu đồng, người dùng đã có một số lựa chọn từ thương hiệu Nashinal hay Panasonic. Từ 10 tới 20 triệu đồng, số lượng các mẫu TV 4K có kích thước từ 43-55 inch khá đa dạng. Theo chia sẻ của một nhân viên bán hàng :”Người dùng giờ có rất nhiều lựa chọn và giá tiền không còn là thứ khiến họ băn khoăn nhất nữa”, anh này chia sẻ.
Với người tiêu dùng thông thường, chuẩn độ nét cao 4K đã được “thấm nhuần” qua nhiều kênh thông tin, từ quảng cáo, truyền hình cho tới truyền miệng. Nhiều người dù chưa hiểu về khái niệm 4K cũng khẳng định đây là tiêu chuẩn độ nét cao nhất hiện nay.
“TV là bộ mặt, điểm nhấn của phòng khách gia đình. Nhìn thấy thiết bị phát ra hình ảnh có độ sắc nét cao, dù chỉ xem lướt qua cũng cảm thấy thoải mái. Vì thế nên tôi muốn đổi TV dịp cuối năm này”, anh Tâm (Hà Nội) chia sẻ.
“Một điều đáng tiếc là nhiều nhà cung cấp truyền hình tại Việt Nam chưa cung cấp các nội dung có độ phân giải 4K “, độc giả Trung Le chia sẻ trên
Hiện nay, việc tiếp cận Internet tốc độ cao gần như đã phổ cập tại các thành phố lớn. Các hãng bán nội dung bản quyền trực tuyến như Netflix, Amazon Prime hay đơn giản và miễn phí như YouTube cũng không còn khó tiếp cận với người dùng Việt. Các kênh thanh toán, mức phí, dịch vụ hỗ trợ, tốc độ cập nhật phim… của các hãng nói trên cũng được đánh giá cao bởi độ chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, các bộ giải mã Set Top Box (STB), thiết bị thu nhận tín hiệu IP và giải mã thành tín hiệu Audio và Video để hiển thị cho TV của một loạt đơn vị tên tuổi như Apple TV, Roku, Fire TV (Amazon) hay FPT Play Box… đều đã hỗ trợ 4K. Nếu mua các thiết bị này, người dùng có thể tải xuống phim và các nội dung truyền hình sau đó xem lại trên TV của mình. Trong tương lai gần, khi tất cả những thứ tốt nhất được tạo ra để dành cho tiêu chuẩn 4K, những chiếc TV thường không đảm bảo việc hiển thị hình ảnh, âm thanh, màu sắc cho các nội dung đỉnh cao này sẽ bị bỏ lại phía sau.
Về nội dung thông thường và HD, trên lý thuyết chúng không thể nâng cấp lên chất lượng tương đương độ phân giải 4K. Tuy nhiên, một số TV 4K vẫn có khả năng nâng cấp chất lượng hình ảnh lên mức tốt hơn bằng các công cụ xử lý độc quyền. Tất nhiên, điều này thể hiện rõ rệt nhất trên các kênh HD và kém hơn với các nội dung thường. Đặc biệt, nó phụ thuộc khá nhiều vào “mức giá” và công nghệ của chiếc TV bạn sở hữu.
Ngoài các ưu điểm trên, sự bùng nổ của công nghệ HDR (High Dynamic Range) cũng là một trong những nguyên nhân giúp dòng TV này trở nên phổ biến hơn. Năm 2017 thậm chí được xem là năm của công nghệ HDR trên TV 4K. Công nghệ HDR mang lại khả năng cải thiện hình ảnh 4K tốt hơn bằng cách thêm các lớp chi tiết giữa vùng đen tối nhất và vùng trắng sáng nhất. Hiệu quả mang lại là hình ảnh trông đẹp hơn, giống như mắt người nhìn thấy, chi tiết hơn trong cảnh tối và rực rỡ hơn trong cảnh sáng.
So sánh giữa mức giá của hai loại TV 4K có và không có HDR, chênh lệch cũng không quá cao chỉ ở mức 1-2 triệu đồng. Nhược điểm duy nhất là ở kích thước nhỏ (43-55 inch), dòng TV 4K có HDR không có quá nhiều mẫu mã để lựa chọn.
Theo Business Insider, việc mua một chiếc TV HD lúc này là một sai lầm. Và điều tương tự cũng không nên làm là mua bộ thu phát tiêu chuẩn HD, ngay cả khi không có kế hoạch xem các nội dung 4K. Bởi dù có mức giá cao hơn, 4K sẽ là tiêu chuẩn tiếp theo của hình ảnh trong tương lai.
Minh chứng rõ ràng nhất của điều này là ngày càng nhiều nội dung đang được quay ở độ phân giải 4K (thậm chí cao hơn) và kích thước trung bình của TV đang tăng lên. TV càng lớn, độ phân giải càng quan trọng. Các hình ảnh có độ phân giải thấp sẽ nhìn mờ, bị kéo dài và gây khó chịu khi xem trên màn hình lớn. Các nhà sản xuất cũng sẽ dần mất đi hứng thú với việc đưa ra các cải tiến vào các thiết bị thu phát tiêu chuẩn HD khi nhu cầu của người xem tăng lên.