Gigabyte G5 GD là một mẫu laptop gaming được bán trong phân khúc tầm trung. Phiên bản máy mà chúng tôi sử dụng trong bài review được trang bị con chip Intel Core i5-11400H tốc độ và card Nvidia GeForce RTX 3050 mạnh mẽ, mang lại mức hiệu suất chơi game tốt so với tầm tiền.
Chưa hết, chiếc laptop còn được trang bị một chiếc màn hình với tần số quét lên đến 144Hz, cùng với một bộ bàn phím thoải mái. Liệu những điểm mạnh này có giúp Gigabyte G5 GD cạnh tranh tốt với những dòng sản phẩm khác trong phân khúc? Câu trả lời sẽ có trong bài viết hôm nay.
Xem thêm: Đánh giá Gigabyte Aorus 15G: Thiết kế gọn nhẹ, hiệu năng cao
Thông số kỹ thuật của Gigabyte G5 GD
- CPU: Intel Core i5-11400H
- GPU: Nvidia GeForce RTX 3050
- RAM: 16GB
- Bộ nhớ: 512GB SSD
- Màn hình: 15.6-inch, 1080p, 144Hz
- Kích thước: 1.24 x 14.21 x 10.16 inch
- Khối lượng: 2.08 kg
Gigabyte G5 GD: Thiết kế
Được bán ở phân khúc giá tầm trung, Gigabyte G5 GD sở hữu một ngôn ngữ thiết kế cơ bản, thường thấy ở một mẫu laptop gaming trong phân khúc giá này. Cụ thể, vỏ ngoài của máy được làm chủ yếu từ chất liệu nhựa cứng, được hoàn thiện với tông màu chủ đạo là đen tuyền.
Máy sở hữu một chiếc màn hình có kích thước 15.6 inch, được bọc bên trong bởi một khung viền bezel có kích thước vừa tầm. Cặp bản lề của máy có chất lượng hoàn thiện tốt và sở hữu một mức lực cản vừa tầm, giúp cho chiếc màn hình luồn được giữ cố định trong suốt quá trình sử dụng.
Mở chiếc laptop ra, và bạn sẽ trông thấy bộ bàn phím kích thước full-size nằm trên thân máy. Bộ bàn phím được chiếu sáng bởi một hệ thống đèn RGB bên dưới.
Với chiều dài 3 cạnh là 14.2 x 10.2 x 1.24 inch, Gigabyte G5 GD có kích thước tương đương so với những dòng laptop trong cùng phân khúc là Lenovo Legion 5 (14.3 x 10.3 x 1.024 inch), Dell G15 5515 (14.1 x 10.7 x 0.96 inch).
Máy được trang bị đủ loại cổng kết nối thông dụng khác nhau, cho phép bạn sử dụng đủ loại thiết bị ngoại vi nếu cần. Cụ thể, nằm dọc theo cạnh phải của chiếc laptop là 1 cổng USB 3.1, 1 cổng USB Type-C (được hỗ trợ chuẩn mực DisplayPort) và 1 khe đọc thẻ nhớ SD.
Trong khi đó, nằm ở cạnh phải đối diện là 1 cổng USB 2.0, 1 cổng USB 3.1, cùng với 1 giắc cắm tai nghe và giắc cắm microphone riêng biệt. Cổng nguồn, cổng Ethernet, HDMI và Mini DisplayPort của máy được đặt ở cạnh sau của chiếc laptop.
Gigabyte G5 GD: Màn hình
Gigabyte G5 GD được trang bị một chiếc màn hình có kích thước đường chéo là 15.6 inch. Phiên bản máy mà chúng tôi sử dụng trong bài review có độ phân giải màn hình là Full HD, và được hỗ trợ tần số quét cao lên đến 144Hz.
Trong bài kiểm tra của chúng tôi, tấm nền này tuy có tỷ lệ tương phản khá tốt là 1374:1, nhưng lại có mức độ sáng không được tốt cho lắm, với chỉ số bình quân ghi nhận được chỉ là 245 nit.
Sử dụng ở chế độ mặc định, màu sắc hiển thị trên màn hình bị sai lệch đôi chút so với mức tiêu chuẩn. Tuy nhiên, sự khác biệt này là không quá lớn, và không gây ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm sử dụng thực tế. Ngoài ra, màu sắc trên chiếc màn hình này không bị ám xanh như phần lớn các mẫu laptop gaming thuộc phân khúc giá rẻ.
Ở bài kiểm tra khả năng tái hiện màu sắc, màn hình của Gigabyte G5 GD đạt kết quả không được tốt cho lắm. Cụ thể, tấm nền màn hình của máy có khả năng phủ 43% dải màu AdobeRGB, 62% dải màu sRGB và 42% dải màu DCI-P3.
Gigabyte G5 GD: Hiệu năng
Gigabyte G5 GD là một chiếc laptop gaming 15.6 inch có khả năng chơi mượt phần lớn các tựa game mới được phát hành trên thị trường. Phiên bản máy mà chúng tôi sử dụng trong bài review được trang bị con chip 6 nhân Intel Core i7-11400H (Tiger Lake). Con chip có mức xung nhịp dao động trong khoảng từ 4.1 dến 4.5 GHz và được hỗ trợ công nghệ xử lý đa luồng.
Sử dụng bài test Geekbench 5.3 để xác định điểm số hiệu năng mà con chip mang lại, chiếc laptop Gigabyte đạt điểm số là 7018 ở bài kiểm tra hiệu năng đa nhân. Kết quả này cao hơn so với ngưỡng trung bình phân khúc laptop gaming tầm trung tại thời điểm hiện tại, tuy nhiên lại kém hơn đôi chút khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh là Lenovo Legion 5 (7508 điểm) và Dell G15 5515 (7441 điểm).
Mức hiệu năng tốc độ mà con chip Intel thế hệ 11 đem lại giúp cho G5 GD hoàn thành nhanh chóng mọi khối lượng công việc hàng ngày. Máy còn sở hữu khả năng xử lý đa nhiệm ấn tượng, cho phép tôi tương tác cùng một lúc với 30 tab Chrome mà không gặp bất cứ tình trạng giật lag nào.
Chiếc laptop Gigabyte mà chúng tôi dùng ở bài review này được trang bị 1 ổ SSD NVMe có dung lượng 512GB (M.2 2280). Ổ được kết nối thông qua chân PCIe 4, mang lại tốc độ trao đổi dữ liệu cao. Bộ nhớ trong của máy có thể được mở rộng thông qua 1 ổ SSD M.2 thứ 2 (PCIe/SATA) và một ổ nhớ 2.5 inch. Cả hai chân cắm M.2 của máy có khả năng tương thích với các ổ SSD định dạng 2242, 2260, và 2280.
Gigabyte G5 GD: Khả năng xử lý đồ họa
Gigabyte trang bị cho G5 GD chiếc card GeForce RTX 3050 với công suất TGP tối đa là 85W. Điều này mang lại số điểm 3DMark cao nhất mà chúng tôi từng kiểm tra trên các dòng máy sử dụng cùng loại card đồ họa. Trong mục cài đặt hệ thống, nếu bạn chuyển qua sử dụng thiết lập “Performance Mode”, thì mức hiệu suất xử lý đồ họa của máy sẽ được cải thiện đôi chút.
Dòng card RTX 3050 của máy sử dụng loại bộ nhớ GDDR6 với dung lượng 4GB. Khi không chơi game hay thực hiện các tác vụ đòi hỏi mức hiệu suất xử lý đồ họa cao, máy sẽ tự động chuyển qua sử dụng GPU liền là UHD Graphics Xe để tiết kiệm pin.
Trong quá trình sử dụng thực tế, Gigabyte G5 GD có thể chơi tốt phần lớn các tựa game mới ra trên thị trường. Trong phần lớn trường hợp, bạn có thể chơi game mượt ở độ phân giải Full HD cùng với mức cấu hình đồ họa cao nhất. Tuy nhiên, đối với một số tựa game nặng (ví dụ như Cyberpunk 2077), bạn sẽ phải hạ thấp cài đặt cấu hình xuống đôi chút để có được trải nghiệm chơi tốt nhất.
Gigabyte G5 GD: Khả năng tản nhiệt
Trong quá trình kiểm tra của chúng tôi, Gigabyte G5 GD có thể giữ được mức nhiệt ổn định khi thực hiện các tác vụ cơ bản. Trong trường hợp chơi game, máy có mức nhiệt cao hơn ở một số khu vực, nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm cũng như mức hiệu năng tổng thể của máy.
Để kiểm tra khả năng tản nhiệt của chiếc laptop, chúng tôi để máy chạy 1 video HD trong vòng 15 phút. Sau khoảng thời gian này, chiếc laptop có mức nhiệt cao nhất nằm tại khu vực bên dưới gầm máy, với chỉ số ghi nhận được là 37 độ C. Tại khu vực trung tâm bàn phím và touchpad có mức nhiệt ổn định hơn, đo được lần lượt là 33 và 29 độ C.
Gigabyte G5 GD: Thời lượng pin
Tương tự như phần lớn các mẫu laptop gaming trên thị trường, Gigabyte G5 GD sở hữu một mức thời lượng pin không được dài cho lắm. Trong bài kiểm tra của chúng tôi, chiếc laptop chỉ trụ được 3 giờ 34 phút sau khi lướt web liên tục bằng Wi-Fi. Điều kiện kiểm tra bao gồm độ sáng màn hình đặt ở mức 150 nit và chế độ tiết kiệm điện năng bị vô hiệu hóa.
Với mức thời lượng pin này, bạn sẽ phải luôn mang củ sạc theo người mỗi khi đem chiếc laptop ra khỏi nhà.
Tổng kết
Xét về mặt tổng thể, Gigabyte G5 GD đã đem lại cho chúng tôi một ấn tượng tốt, mặc dù vẫn có một vài điểm hạn chế nhất định. Được bán với một mức giá phải chăng, chiếc máy mang lại cho bạn một chiếc màn hình Full HD sắc nét với tần số quét cao, cùng với một mức hiệu năng toàn diện giúp bạn chơi tốt nhiều tựa game khác nhau trên thị trường.
Điểm hạn chế lớn nhất của chiếc laptop nằm ở mức thời lượng pin. Dù vậy, đây lại là điểm yếu chung của phần lớn các mẫu laptop gaming trong phân khúc giá. Nếu đang tìm kiếm một mẫu laptop gaming giá phải chăng, sở hữu mức hiệu năng tốc độ và ổn định, thì chắc chắn Gigabyte G5 GD sẽ không làm bạn phải thất vọng.
Xem thêm: Đánh giá Gigabyte Aero 15: Hiệu suất chơi game đỉnh cao
Điểm cộng
- Màn hình Full HD sắc nét, hỗ trợ tần số quét 144Hz
- Bàn phím thoải mái
- Được trang bị nhiều cổng kết nối
- Mức giá phải chăng
- RAM có thể thay thế hoặc nâng cấp
- Hiệu năng tổng thể tốt
Điểm trừ
- Chất lượng tấm nền hiển thị không quá ấn tượng
- Thời lượng pin ngắn