Asus TUF Gaming F17 là một mẫu laptop gaming hấp dẫn với mức giá phải chăng và một chiếc màn hình kích thước 17 inch khổng lồ. Từ thiết kế bắt mắt, đậm chất game thủ cho đến mức giá tầm trung, Asus TUF Gaming F17 là một lựa chọn chất lượng dành cho những ai đang tìm kiếm một chiếc laptop chơi game tốt.
Để cạnh tranh với các dòng sản phẩm khác trong phân khúc, hãng sản xuất đã đầu từ nhiều vào chất lượng màn hình hiển thị của Asus TUF Gaming F17. Cụ thể, máy được trang bị một chiếc màn hình IPS với tần số quét cao lên đến 240Hz. Với mức hiệu năng mà Asus TUF Gaming F17 đem lại, bạn có thể chơi mượt nhiều tựa game khác nhau trên thị trường.
Xem thêm: Đánh giá Asus TUF A15: Hiệu năng cao, mức giá phải chăng
Thông số kỹ thuật của Asus TUF Gaming F17
- CPU: Intel Core i5-11260H
- GPU: Nvidia GeForce RTX 3050 Ti
- RAM: 8GB
- Bộ nhớ: 512GB SSD
- Màn hình: 17.3-inch, Full HD
- Kích thước: 15.71 x 10.59 x 0.99 inch
- Khối lượng: 2.6 kg
Asus TUF Gaming F17: Thiết kế
Điểm đầu tiên mà tôi nhận khi về chiếc TUF Gaming F17 chính là đây là một chiếc laptop có chiều dài lớn, với chỉ số cụ thể theo như danh sách thông số kỹ thuật là 15.71 inch. Kích thước thân máy dài này mang lại đủ không gian cho bộ bàn phím full-size, cũng như chiếc màn hình có độ dài đường chéo 17.3 inch. Máy có chiều cao thân máy không quá dày, với kích thước chỉ 0.99 inch khi đóng lại.
Vỏ ngoài của TUF Gaming F17 được làm chủ yếu từ nhựa. Trên thân máy có một vài khu vực được hoàn thiện với kết cấu thô ráp, giúp cho vẻ ngoài của chiếc laptop Asus trở nên thú vị hơn. Việc sử dụng chất liệu nhựa để chế tạo vỏ ngoài giúp máy có khối lượng tổng thể tương đối nhẹ, với chỉ số cụ thể là 2.6 kg.
Về mặt tổng thể, TUF Gaming F17 được hoàn thiện với tông màu chủ đạo là xám. Nằm trên nắp máy, bạn có thể trông thấy nhãn hiệu TUF được in theo khổ lớn, nằm trải dọc theo chiều rộng của chiếc laptop Asus.
Sở hữu một thân máy có kích thước lớn, TUF Gaming F17 có thừa đủ không gian để trang bị thêm các nút chức năng và phím tắt khác nhau. Tại đây, bạn có thể trông thấy một bộ bàn phím có kích thước full-size cùng với cụm phím số ở cạnh bên. Cụm nút WASD của bộ bàn phím có vẻ ngoài khác biệt so với những phím nút còn lại của bộ bàn phím.
Máy được trang bị đầy đủ các loại cổng kết nối khác nhau, cho phép bạn sử dụng đủ loại thiết bị ngoại vi khi làm việc cũng như khi chơi game. Mọi cổng kết nối của máy được chia đều cho 2 cạnh bên. Dọc theo cạnh trái của máy là cổng nguồn, cổng Ethernet, cổng HDMI, 2 cổng USB Type-A, 1 cổng Thunderbolt 4 và giắc cắm tai ngeh 3.5 mm. Trong khi đó nằm ở cạnh phải đối diện được trang bị duy nhất 1 cổng USB Type-A.
TUF Gaming F17 có vẻ ngoài lớn và nặng hơn khi so sánh với đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc giá là Acer Predator Triton 300 SE – đây là điều dễ hiểu do dòng máy có kích thước màn hình chỉ 14 inch. MSI Pulse GL66 có vẻ ngoài cồng kềnh hơn đôi chút so với chiếc laptop Acer, với khối lượng tổng thể là 2.08 kg. Được trang bị chiếc màn hình 17.3 inch khổng lồ, TUF Gaming F17 là mẫu máy có kích thước lớn nhất trong nhóm máy so sanh, với khối lượng là 2.6 kg.
Asus TUF Gaming F17: Hiệu suất chơi game
Về khả năng chơi game, mức hiệu suất mà TUF Gaming F17 mang lại nằm ở ngưỡng tầm trung so với phân khúc. Với con chip Intel Core i5-11260H và chiếc card đồ họa Nvidia GeForce RTX 3050 Ti, máy có thể chơi tốt nhiều tựa game khác nhau, với điều kiện là bạn phải giảm mức cấu hình đồ họa xuống từ 1 đến 2 nấc.
Do được trang bị dòng card đồ họa có hiệu năng thấp hơn so với 2 đối thủ cạnh tranh là Acer Predator Triton 300 SE và MSI Pulse GL66 (cả 2 đều sử dụng card RTX 3060), TUF Gaming F17 có hiệu suất chơi game kém hơn một chút trong các bài kiểm tra của chúng tôi. Cụ thể là với tựa game Red Dead Redemption 2 (cấu hình Medium, 1080p) máy đạt mức khung hình bình quân là 46 fps. Mức khung hình này thấp hơn một chút so với Acer Predator Triton 300 SE (48 fps) và MSI Pulse GL66 (51 fps).
Tiếp tục bài kiểm tra với tựa game Grand Theft Auto V (cấu hình Very High, 1080p), TUF Gaming F17 đạt mức khung hình bình quân là 55 fps, thấp hơn khi so sánh với kết quả 72 và 83 fps lần lượt của Predator Triton 300 SE và MSI Pulse GL66.
Cuối cùng, ở tựa game Borderlands 3 (cài đặt cấu hình Badass, 1080p), chiếc TUF Gaming F17 của chúng ta chỉ đạt được mức khung hình là 36 fps, trong khi Predator Triton 300 SE và MSI Pulse GL66 có thể chơi mượt mà hơn với kết quả ghi nhận lần lượt là 57 và 52 fps.
Asus TUF Gaming F17: Hiệu năng
Phiên bản máy TUF Gaming F17 mà chúng tôi kiểm tra được trang bị con chip Intel Core i5-11260H, 8GB RAM, ổ SSD M.2 PCIe 3.0 dung lượng 512GB và card đồ họa RTX 3050 Ti.
Ở bài kiểm tra hiệu năng với Geekbench 5, TUF Gaming F17 đạt điểm số hiệu suất xử lý đơn nhân và đa nhân lần lượt là 1354 và 5045. Kết quả này tương đương so với điểm số mà Acer Predator Triton 300 SE đạt được ở cùng bài kiểm tra (1483 và 5234 điểm). Được trang bị con chip Intel Core i7-11800H, MSI Pulse GL66 đạt điểm số hiệu năng cao hơn so với cả 2 mẫu máy trên, với kết quả ghi nhận được là 1579 và 6949 điểm.
Khi chuyển đổi 1 video từ độ phân giải 4K sang 1080p bằng ứng dụng Handbrake, chiếc laptop gaming của Asus phải mất 10 phút 36 giây, nhanh hơn một phút so với thời gian hoàn thành của Acer Predator Triton 300 SE. MSI Pulse GL66 tiếp tục dẫn đầu với kết quả kiểm tra là 8 phút 30 giây.
Ổ SSD dung lượng 512GB của máy copy 1 tệp tin nặng 25GB với tốc độ ghi chép dữ liệu bình quân là 596.39 MBps. Kết quả này kém hơn so với Acer Predator Triton 300 SE (993.13 Mbps) và MSI Pulse GL66 (801.1 Mbps).
Asus TUF Gaming F17: Màn hình
Phiên bản TUF Gaming F17 mà chúng tôi sử dụng trong bài review được trang bị một chiếc màn hình có kích thước đường chéo 17.3 inch, độ phân giải 1920 x 1080p và có tần số quét là 144Hz. Xét về mặt tổng thể, chiếc màn hình này có chất lượng hiển thị khá tốt, tuy nhiên lại có góc nhìn không được rộng cho lắm.
Thông qua quá trình kiểm tra của chúng tôi, màn hình của TUF Gaming F17 phủ được 45% dải màu DCI-P3 và có độ sáng bình quân là 286 nit. Màn hình của MSI Pulse GL66 có độ sáng thấp hơn và sở hữu khả năng phủ màu hẹp hơn, cụ thể với chỉ số lần lượt là 246 nit và 42% dải DCI-P3. Acer Predator Triton 300 SE là chiếc laptop sở hữu chất lượng màn hình ấn tượng nhất, với độ sáng bình quân là 292 nit và có thể phủ 81% dải màu DCI-P3.
Asus TUF Gaming F17: Bàn phím và touchpad
Bộ bàn phím của TUF Gaming F17 đem lại cho tôi một trải nghiệm nhập liệu tương đối thoải mái khi chơi game cũng như khi làm việc. Phần lớn các nút trên bộ bàn phím đều có chức năng thay thế, được thực hiện khi nhấn kèm tổ hợp phím Fn. Mọi phím nút của bộ bàn phím đều được chiếu sáng bởi hệ thống đèn RGB. Hệ thống đèn này có thể được điều chỉnh thông qua ứng dụng cài đặt Aura Sync cài sẵn trong hệ thống.
Touchpad của máy có kích thước 2 chiều là 4.2 x 2.4 inch. Bề mặt của chiếc touchpad được hoàn thiện phẳng mịn, cho phép tôi dễ dàng điều khiển con trỏ chuột để tương tác với các ứng dụng khác nhau trên hệ điều hành Windows 10.
Asus TUF Gaming F17: Khả năng tản nhiệt
Để có được cái nhìn tổng thể về hiệu suất tản nhiệt của TUF Gaming F17, chúng tôi đo mức nhiệt ở các khu vực khác nhau trên thân máy sau khi chơi tựa game Metro Exodus trong vòng 15 phút.
Sau khoảng thời gian này, khu vực nằm giữa phím G và H có mức nhiệt cao nhất ghi nhận được là 38 độ C. Trong khi đó, tại vị trí touchpad có mức nhiệt ổn định hơn, cụ thể là với mức nhiệt bình quân là 24 độ C. Khu vực có mức nhiệt cao nhất nằm tại vị trí gầm máy, có mức nhiệt đo được là 45 độ C.
Asus TUF Gaming F17: Thời lượng pin
Tương tự như phần lớn các mẫu laptop gaming khác trên thị trường, TUF Gaming F17 sở hữu một mức thời lượng pin không được dài cho lắm. Trong bài kiểm tra của chúng tôi, chiếc laptop tắt nguồn chỉ sau 1 giờ 47 phút lướt web liên tục bằng mạng wifi, với độ sáng màn hình đặt ở ngưỡng 150 nit. Kết quả thời lượng pin này ngắn hơn khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh là MSI Pulse GL66 (3 giờ 14 phút) và Acer Predator Triton 300 SE (6 giờ 40 phút).
Asus TUF Gaming F17: Phần mềm
TUF Gaming F17 được cài sẵn một loạt các ứng dụng tiện ích do Asus phát triển. Armoury Crate là ứng dụng cài đặt hệ thống, được sử dụng để điều khiển hệ thống đèn chiếu bàn phím, thay đổi cài đặt âm thanh, vân vân. Ngoài ra, máy còn được cài sẵn MyAsus, có chức năng chẩn đoán hệ thống để giúp người dùng tự mình khắc phục các lỗi cơ bản.
Tổng kết
Asus TUF Gaming F17 là một mẫu laptop gaming chất lượng tốt thuộc phân khúc tầm trung. Được trang bị chiếc màn hình 17.3 inch với tần số quét cao, máy mang lại cho người dùng một trải nghiệm hình ảnh ấn tượng và rực rỡ. Máy có mức hiệu năng ổn định và đáng tin cậy, có thể chơi tốt nhiều tựa game khác nhau trên thị trường. Asus TUF Gaming F17 là một lựa chọn tốt nếu bạn đang tìm kiếm một mẫu laptop gaming giá rẻ và có giá trị sử dụng cao.
Xem thêm: Đánh giá Asus TUF Dash F15: Thiết kế bắt mắt, thời lượng pin dài
Điểm cộng
- Màn hình lớn mang lại trải nghiệm chơi game tốt
- Chất lượng build tốt
- Giá phải chăng
Điểm trừ
- Thời lượng pin chỉ ở mức trung bình