Razer Blade 15 Advanced Model sở hữu nhiều điểm cải tiến so với phiên bản tiền nhiệm. Đây là một chiếc laptop gaming cao cấp, được trang bị con chip Intel Core i7, card đồ họa Nvidia GeForce RTX 3080. Cùng với mức hiệu năng mạnh mẽ, bạn còn có một chiếc màn hình tần số quét cao, thời lượng pin dài và những tính năng bảo mật hữu ích.
Thông số kỹ thuật của Razer Blade 15 Advanced Model
- CPU: Intel Core i7-10875H
- GPU: Nvidia GeForce RTX 3080
- RAM: 32GB
- Bộ nhớ: SSD M.2 NVMe 1TB
- Màn hình: 15.6-inch FHD 240Hz
- Kích thước: 14 x 9.3 x 0.7 inch
- Khối lượng: 2 kg
Thiết kế Razer Blade 15 Advanced Model
Razer Blade 15 Advanced Model sở hữu thiết kế bên ngoài không có nhiều thay đổi so với phiên bản tiền nhiệm. Dù vậy, đây vẫn là một chiếc laptop có vẻ ngoài vô cùng bắt mắt. Vỏ ngoài bằng nhôm của máy được phủ một lớp sơn đen tuyền, với điểm nhấn nằm ở logo hình đầu rắn ửng ánh sáng xanh ở chính giữa.
Ở mặt dưới của chiếc laptop được trang bị 2 dải chân đến cao su có chiều dài chạy dọc thân máy cùng với một cặp khe thông khí có nhiệm vụ giúp chiếc laptop không bị quá tải nhiệt.
Các nút trên bàn phím có màu đen, được tô điểm bởi hệ thống đèn chiều RGB rực rỡ bên dưới. Bộ bàn phím được kẹp giữa bởi 2 dải loa ở 2 bên. Nằm ở bên dưới bộ bàn phím là khu vực kê tay, với một chiếc touchpad kích thước lớn nằm ở chính giữa.
Bằng cách nào đó, Razer vẫn thành công trong việc sản xuất ra một chiếc laptop gaming có kích thước nhỏ gọn nhất trên thị trường. Với khối lượng 2 kg và kích thước 3 cạnh là 14 x 9.3 x 0.7 inch, chiếc Blade 15 mỏng và nhẹ hơn so với Alienware m15 R4 (nặng 2.27 kg, 14.2 x 10.9 x 0.7~0.8 inch) và MSI GE76 Raider (nặng 2.9 kg, 15.6 x 10.6 x 1.1 inch).
Cổng kết nối Razer Blade 15 Advanced Model
Khác với các dòng laptop siêu mỏng trên thị trường, chiếc Blade 15 có đủ không gian trên thân máy để trang bị nhiều loại cổng kết nối khác nhau.
Dọc theo cạnh phải, bạn có 1 cổng USB Type-A, 1 cổng Thunderbolt 3, cổng xuất HDMI 2.1, khe đọc thẻ nhớ SD và khe lắp khóa Kensington. Cạnh trái đối diện là nơi trang bị 2 cổng USB Type-A, 1 cổng Thunderbolt 3, giắc cắm tai nghe và cổng nguồn độc quyền.
Màn hình Razer Blade 15 Advanced Model
Sắc nét và sống động, đó là 2 tính từ dùng để mô tả màn hình của chiếc Razer Blade 15 Advanced Model. Tấm nền màn hình của chiếc Blade 15 có tần số quét 240Hz, mang đến trải nghiệm chơi game mượt mà cho người dùng
Dựa vào thước đo màu, màn hình của Blade 15 có độ phủ màu 87.8% dải DCI-P3. Kết quả này thấp hơn một chút so với mức trung bình của dòng laptop gaming cao cấp. Dù vậy, màn hình của chiếc laptop Razer vẫn sống động hơn so với Raider (69.8%) và Flow X13 (53.8%). Alienware m15 là chiếc laptop có khả năng hiển thị màu sắc trên màn hình sống động nhất, với kết quả ấn tượng là 149.3%.
Tấm nền của Blade 15 có chỉ số độ sáng đo được là 244 nit, thấp hơn so với mức trung bình 333 nit của dòng laptop cùng phân khúc. Cả 3 dòng máy được so sánh trong bài viết này là Raider (275 nit), Flow X13 (281 nit) và Alienware m15 (361 nit) đều có độ sáng màn hình rực rỡ hơn so với chiếc laptop Razer.
Bàn phím
Bàn phím dạng đảo của Blade 15 có thiết kế bên ngoài bắt mắt, tuy nhiên lại có hành trình không được sâu cho lắm, khiến cho trải nghiệm nhập liệu không quá thoải mái.
Bạn có thể thay đổi hiệu ứng và màu sắc của hệ thống đèn chiếu bên dưới bàn phím thông qua ứng dụng Synapse 3.0 của Razer. Hệ thống đèn này có cường độ sáng khá cao, cho phép người dùng sử dụng chiếc laptop thoải mái ở những nơi có ánh sáng thấp.
Ngón tay tôi lướt bên trên bề mặt kính kích thước 5.1 x 3.2 inch của chiếc touchpad một cách dễ dàng và liền mạch. Chiếc touchpad có độ phản hồi nhanh và chính xác với mọi thao tác điều hướng của Windows 10, ví dụ như vuốt 3 ngón để chuyển màn hình đa nhiệm, hay cuộn chuột bằng 2 ngón tay.
Hiệu suất chơi game
Razer Blade 15 lên sàn đấu với chiếc card Nvidia GeForce RTX 3080 và 16GB VRAM. Chiếc laptop có thể chơi tốt mọi tựa game đòi hỏi cấu hình nặng nhất trên thị trường. Và khi không chơi game, máy sẽ tự động chuyển qua sử dụng chip GPU Intel UHD để tiết kiệm điện năng.
Máy có thể chơi Assassin’s Creed ở độ phân giải 1080p với mức khung hình bình quân là 74 fps, đánh bại mức trung bình 64 fps của dòng laptop gaming cao cấp. Card RTX 3070 mang về cho chiếc Alienware m15 mức khung hình là 67 fps, trong khi card RTX 3080 đem lại cho Flow X13 và Raider kết quả lần lượt là 68 và 72 fps. Khi chơi ở độ phân giải 1440p, mức khung hình bình quân của chiếc Blade 15 giảm xuống còn 58 fps.
Tiếp tục kiểm tra hiệu suất xử lý đồ họa của máy với tựa game Shadow of the Tomb Raider, chiếc Blade 15 đạt mức khung hình 88 fps ở độ phân giải 1080p, vượt qua mức trung bình phân khúc là 77 fps. Kết quả này của chiếc laptop Razer đủ để đánh bại Flow X13 (68 fps) và Alienware (77 fps), nhưng lại để thua trước Raider với mức khung hình 99 fps.
Ở tựa game Grand Theft Auto V, chiếc Blade 15 đạt mức khung hình 70 fps ở độ phân giải 1440p. Khi chơi ở độ phân giải 1080p, chiếc laptop có mức khung hình bình quân là 107 fps, vượt qua mức trung bình 93 fps của phân khúc laptop gaming cao cấp.
Hiệu năng
Không chỉ có hiệu suất chơi game tốt, Razer Blade 15 Advanced Model còn là một chiếc laptop làm việc xuất sắc khi cần đến. Máy được trang bị chip Intel Core i7-10875H, 32GB RAM và ổ SSD M.2 NVMe dung lượng 1TB. Máy có khả năng xử lý đa nhiệm tuyệt vời. Bằng chứng là tôi có thể xem trọn vẹn bộ phim Invincible trên Amazon Video với 35 tab Chrome chạy nền.
Dù vậy, chiếc laptop cho ra những kết quả trái chiều trong các bài kiểm tra giả lập. Để lấy ví dụ, chiếc laptop chỉ đạt 6531 điểm khi được chấm điểm với Geekbench 5.4, thấp hơn so với mức trung bình 8131 của dòng laptop cùng phân khúc.
Chiếc Blade 15 cũng chỉ đạt kết quả tầm trung ở bài kiểm tra HandBrake. Chiếc laptop phải mất 9 phút 58 giây để chuyển đổi 1 video 4K sang độ phân giải 1080p. Kết quả này chậm hơn so với thời gian trung bình 7 phút 55 giây của dòng laptop cùng phân khúc, trong đó bao gồm Flow X13 (8 phút 11 giây), Raider (7 phút 22 giây) và Alienware m15 (7 phút 1 giây).
Trong bài kiểm tra tốc độ ghi chép dữ liệu, Blade 15 copy 1 tệp tin nặng 25GB với tốc độ trung bình là 890.1 MBps. Kết quả này chậm hơn một chút so với mức trung bình 890.4 MBps của dòng laptop gaming cùng phân khúc.
Thời lượng pin
Razer Blade 15 Advanced Model tiếp tục gây ấn tượng với kết quả thời lượng pin. Trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi, chiếc laptop trụ được 5 giờ 12 phút sau khi lướt web liên tục bằng mạng wifi, với độ sáng màn hình để ở mức 150 nit. Thời lượng pin này tuy không quá dài so với những dòng laptop thông thường, nhưng lại vô cùng ấn tượng đối với một chiếc laptop gaming có hiệu năng cao.
Kết quả thời lượng pin của máy dài hơn so với mức trung bình 4 giờ 11 phút của dòng laptop gaming cao cấp và cả kết quả 4 giờ 2 phút của chiếc Alienware m15. Tuy nhiên, cả 2 dòng máy Flow X13 và Raider trụ lại lâu hơn trong bài kiểm tra này, với kết quả đo được lần lượt là 6 giờ 28 phút và 6 giờ 5 phút.
Khả năng tản nhiệt
Dòng laptop gaming thiết kế thân máy mỏng thường gặp khó khăn trong công tác tản nhiệt. May mắn là Razer Blade 15 không nằm trong danh sách đó. Để kiểm tra khả năng tản nhiệt của máy, chúng tôi chơi game trong vòng 15 phút, sau đó đo nhiệt độ ở một vài vị trí quan trọng trên máy. Touchpad của máy lúc này có nhiệt độ đo được là 28 độ C. Trung tâm bàn phím và gầm máy có mức nhiệt cao hơn một chút, đo được lần lượt là 40 và 45 độ C.
Phần mềm
Ngoài Synapse 3.0, THX Software và những bloatware thường gặp của Windows 10 ra, Razer Blade 15 không có quá nhiều ứng dụng cài sẵn. Ngoài chức năng thay đổi hiệu ứng và màu sắc của đèn chiếu bàn phím ra, bạn có thể sử dụng ứng dụng Synapse để thay đổi chế độ hiệu năng và thay đổi tốc độ quạt.
Tổng kết
Gọn nhẹ, Bắt mắt và mạnh mẽ. Đó là 3 từ ngữ chính được dùng để mô tả chiếc Razer Blade 15 Advanced Model. Phiên bản mới nhất của dòng máy đã nâng tầm đẳng cấp với con chip Intel Core i7 thế hệ 10 và card Nvidia GeForce RTX 3080. Ngoài hiệu năng mạnh mẽ ra, bạn còn có một màn hình tần số quét cao và một thiết kế bắt mắt. Nếu bạn cần một chiếc laptop gaming gọn nhẹ, hiệu năng cao, thì Razer Blade 15 sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.
Điểm cộng
- Thiết kế gọn nhẹ và bắt mắt
- Hiệu năng tổng thể mạnh mẽ
- Thời lượng pin dài đối với một chiếc laptop gaming
- Tần số quét màn hình 240Hz
Điểm trừ
- Bàn phím không quá thoải mái
- Độ sáng màn hình ở mức trung bình
- Giá thành cao