Bạn thích mọi khía cạnh của dòng máy Razer Blade 15 nhưng lại cần một phiên bản có hiệu năng cao hơn để vượt qua mọi rào cản trong công việc? Vậy thì Razer Blade 15 Studio Edition sẽ là chiếc laptop thích hợp dành cho bạn.
Dòng máy sở hữu chung thiết kế bắt mắt của phiên bản gốc, hiệu năng ấn tượng, màn hình OLED 4K rực rỡ, đồng thời còn có thêm những tính năng bảo mật hữu ích. Bài viết hôm nay sẽ đánh giá chi tiết Razer Blade 15 Studio Edition, từ đó chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của dòng sản phẩm.
Thông số kỹ thuật của Razer Blade 15 Studio Edition
- CPU: Intel Core i7-9750H
- GPU: Nvidia Quadro RTX 5000
- RAM: 32GB
- Bộ nhớ: 1TB SSD
- Màn hình: 15.6-inch, 4K OLED
- Kích thước: 13.98 x 9.25 x 0.70 inch
- Khối lượng: 2.45 kg
Thiết kế Razer Blade 15 Studio Edition
Khác biệt lớn nhất giữa Razer Blade 15 Studio Edition so với phiên bản gốc đó là máy chỉ có phiên bản màu sắc duy nhất là Mercury White. Vẻ ngoài của chiếc laptop được nhuộm hoàn toàn một màu trắng ngà bóng bẩy, kết hợp hài hòa với logo Razer mạ bạc nằm trên nắp máy. Đây là một chiếc laptop Razer có thiết kế cao cấp bậc nhất mà hãng từng sản xuất.
Phần nội thất của máy cũng sở hữu phong cách thiết kế tương tự, với toàn bộ thân máy phủ kín một màu trắng tuyết, được đặt ở 2 cạnh bên là dải loa ngoài. Bàn phím của máy được tô điểm bởi hệ thống đèn RGB bên dưới.
Với khối lượng 2.17 kg và có kích thước 3 cạnh là 14 x 9.3 x 0.7 inch, Razer Blade 15 Studio Edition có vẻ ngoài nhỏ gọn đối với một chiếc laptop 15 inch. MSI WS65 9TM (nặng 1.95 kg, 14.1 x 9.8 x 0.7 inch) có khối lượng nhẹ hơn một chút, trong khi Asus ProArt StudioBook Pro (nặng 2.45 kg, 15 x 11.3 x 0.7 inch) có kích thước so với chiếc laptop Razer nhưng lại nặng hơn.
Cổng kết nối Razer Blade 15 Studio Edition
Razer Blade 15 Studio Edition được trang bị số lượng cổng kết nối đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng.
Dọc theo cạnh trái của chiếc laptop là giắc nguồn, 2 cổng USB 3.2 và giắc cắm tai nghe. Trong khi đó, ở cạnh phải là khe lắp khóa chống trộm, cổng Mini DisplayPort, cổng xuất HDMI, 1 cổng USB 3.2, 1 cổng Thunderbolt 3 và khe đọc thẻ nhớ SD.
Màn hình Razer Blade 15 Studio Edition
Razer Blade 15 Studio Edition sở hữu một màn hình kích thước 15.6 inch, độ phân giải 4K, sử dụng tấm nền OLED, có chất lượng hình ảnh sống động và rực rỡ bậc nhất trên thị trường hiện nay.
Dựa vào kết quả thước đo màu của chúng tôi, màn hình của Razer Blade 15 Studio Edition phủ được 216% dải sRGB, vượt qua mức trung bình của dòng laptop trạm (172%) và kết quả kiểm tra của StudioBook Pro (162%). MSI WS65 là chiếc laptop có độ phủ màu màn hình rộng nhất trong bài kiểm tra này, với kết quả đo được là 251%.
Với độ sáng màn hình 336 nit, màn hình của chiếc laptop Razer rực rỡ hơn so với mức trung bình 333 nit của dòng laptop cùng phân khúc. Một lần nữa, máy có độ sáng rực rỡ hơn so với StudioBook Pro (292 nit) nhưng lại để thua trước MSI WS65 (393 nit).
Bàn phím và touchpad
Bàn phím của Razer Blade 15 Studio Edition đem lại trải nghiệm tương đối thoải mái và có độ nảy khá đầm tay, tuy nhiên lại có hành trình không được sâu cho lắm.
Bàn phím của máy được chiếu sáng bởi hệ thống đèn RGB bên dưới, có thể được tùy chỉnh độc lập thông qua mục Chroma Studio trong ứng dụng Razer Synapse. Bạn có thể lựa chọn tùy chọn màu sắc có sẵn như Wave hoặc Static hoặc nhanh chóng thay đổi hiệu ứng và màu sắc của từng phím thông qua ứng dụng.
Touchpad của chiếc laptop Razer có số đo 2 cạnh là 5.1 x 3.1 inch, đem lại diện tích sử dụng rộng rãi cho người dùng. Bề mặt của touchpad được hoàn thiện phẳng mịn, tuy nhiên độ phản hồi khi click chuột với chiếc touchpad lại không đầm tay cho lắm. Dù vậy, chiếc touchpad có độ phản hồi nhanh và đáng tin cậy với các thao tác điều hướng của Windows 10.
Âm thanh
Hệ thống loa của Razer Blade 15 Studio Edition được đặt bên trên thân máy, có âm lượng không được to cho lắm. Trong khi đó, chất lượng âm thanh mà hệ thống loa này phát ra lại hơi rộng và có độ cân bằng giữa các dải âm không cao.
Ngay cả việc tùy chỉnh với ứng dụng Dolby Atmos cũng không thể cải thiện chất lượng âm thanh tổng thể cho máy. Ứng dụng mang đến cho người dùng những tùy chọn có sẵn như Dynamic, Movie, Music, Game và Voice. Trong ứng dụng còn có hệ thống tùy chỉnh EQ đầy đủ nếu như bạn am hiểu nhiều về âm thanh.
Hiệu năng
Ẩn bên trong các lớp vỏ kim loại của Razer Blade 15 Studio Edition là con chip Intel Core i7-9750H với 32GB RAM. Chiếc laptop có thể dễ dàng vận hành ngay cả khi tôi mở liền một mạch 40 tab Chrome và 5 tab chạy video HD trên Youtube.
Kiểm tra hiệu năng xử lý tổng thể của máy với Geekbench 4.3, chiếc laptop đạt điểm số 20231, thấp hơn so với mức trung bình của dòng laptop trạm (23891 điểm). Được trang bị cùng loại CPU, MSI WS65 đạt điểm số 22936, trong khi con chip Xeon E-2276M mang về cho StudioBook Pro số điểm 21434.
Razer Blade 15 Studio Edition chuyển mã 1 video 4K sang độ phân giải 1080p bằng ứng dụng HandBrake trong vòng 10 phút 12 giây. Kết quả này tương đương với mức trung bình của dòng laptop cùng phân khúc. Máy hoàn thành bài kiểm tra nhanh hơn so với MSI WS65 (10:36) vàStudioBook Pro (10:30).
Ổ SSD dung lượng 1TB của Razer copy 1 tệp tin nặng 4.97GB trong vòng 5.52 giây, tương ứng với tốc độ ghi chép dữ liệu là 922 MBps. Tốc độ này chậm hơn so với mức trung bình 1192 MBps của dòng laptop cùng phân khúc, trong đó bao gồm StudioBook Pro (1272 Mbps). MSI WS6 là chiếc laptop có tốc độ ghi chép dữ liệu chậm nhất trong bài kiểm tra này, với kết quả đo được là 727 MBps.
Khả năng xử lý đồ họa
Đảm nhận vai trò xử lý đồ họa cho chiếc Razer Blade 15 Studio Edition là chiếc card Nvidia Quadro RTX 5000. Máy đạt điểm số 16711 khi được chấm với 3DMark Fire Strike, vượt qua mức trung bình phân khúc laptop trạm (12502 điểm). Với cùng loại GPU, chiếc MSI WS65 đạt điểm số 15364, trong khi card Quadro RTX 3000 mang về cho chiếc StudioBook Pro số điểm 12075.
Trong bài kiểm tra sử dụng thực tế, Razer Blade 15 Studio Edition đạt mức khung hình bình quân là 231 fps trong tựa game Dirt 3 (cấu hình cài đặt Medium, 1080p). Kết quả này ấn tượng hơn so với mức trung bình 185 fps của dòng laptop cùng phân khúc.
Ở tựa game cấu hình nặng hơn, cụ thể là Shadow of the Tomb Raider (cài đặt Highest, 1080p), Razer Blade 15 Studio Edition đạt mức khung hình bình quân là 43 fps, kém hơn khi so sánh với MSI WS65 (64 fps).
Razer Blade 15 Studio Edition đạt mức khung hình 84 fps ở tựa game Hitman (cài đặt Ultra, 1080p), một lần nữa lại để thua trước MSI WS65 (91 fps). Ở độ phân giải 4K, chiếc laptop Razer đạt mức khung hình 41 fps so với kết quả 51 fps của chiếc laptop MSI.
Thời lượng pin
Đối với một chiếc laptop màn hình OLED 4K, được trang bị card đồ họa rời, Razer Blade 15 Studio Edition sở hữu mức thời lượng pin khá tốt. Trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi, chiếc laptop Razer trụ được 6 giờ 2 phút sau khi lướt web liên tục bằng wifi, với độ sáng màn hình 150 nit. Kết quả thời lượng pin này khá gần so với mức trung bình 6 giờ 4 phút của dòng laptop cùng phân khúc. Tuy nhiên, hai dòng máy được so sánh trong bài viết này là MSI WS65 và StudioBook Pro đều có thời lượng pin dài hơn so với chiếc Razer, với thời lượng pin đo được lần lượt là 6 giờ 57 phút và 6 giờ 23 phút.
Webcam
Tương tự như các dòng laptop khác, webcam 720p của Razer Blade 15 Studio Edition có chất lượng không được tốt cho lắm. Những bức hình chụp thử từ chiếc webcam này có độ tương phản cao quá mức, trong khi màu sắc thể hiện với độ sai lệch lớn.
Khả năng tản nhiệt
Máy tỏa ra một mức nhiệt hơi ấm tay tại vị trí bên dưới gầm máy trong quá trình kiểm tra của chúng tôi. Sau khi để chiếc laptop stream 1 video 1080p trong vòng 15 phút, nhiệt độ tại vị trí gầm máy đo được lúc này lên đến 43 độ C, vượt ngưỡng nhiệt làm việc lý tưởng là 35 độ C. Trung tâm bàn phím và touchpad có mức nhiệt đo được lần lượt là 39 và 30 độ C.
Phần mềm
Razer cài sẵn vào trong sản phẩm laptop đồ họa của hãng một ứng dụng có tên gọi Razer Synapse. Với ứng dụng này, bạn có thể tùy chỉnh hiệu năng của CPU, GPU và tốc độ quạt. Phần mềm còn có mục cài đặt cho phép người dùng thay đổi chức năng của các nút trên bàn phím cũng như thay đổi màu sắc đèn chiếu.
Tổng kết
Nằm ở bên dưới lớp vỏ bóng bẩy của chiếc Razer Blade 15 Studio Edition chính là chiếc card Quadro RTX 5000 mạnh mẽ, màn hình 4K siêu rực rỡ và nhiều tính năng bảo mật chất lượng. Tuy nhiên, máy lại có một mức giá không hề rẻ khiến cho không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm chiếc laptop tuyệt vời này.
Điểm mạnh
- Thiết kế bắt mắt
- Hiệu năng tổng thể mạnh mẽ
- Màn hình OLED 4K rực rỡ
- Nhiều tính năng bảo mật hữu ích
Điểm yếu
- Chất lượng loa ở mức tầm trung
- Giá thành cao
- Tỏa ra mức nhiệt ấm tay khi dùng lâu dài