Razer Blade 15 là một chiếc laptop gaming được bán ở phân khúc cao cấp, tuy nhiên máy lại có nhiều điểm hạn chế đáng tiếng. Về một mặt, máy được trang bị card đồ họa Nvidia GeForce RTX 3070 mang lại khả năng xử lý đồ họa ấn tượng, tuy nhiên con chip Intel Core i7-10750H lại không đủ nhanh để tận dụng hết tiềm năng của chiếc card này. Màn hình 15.6 inch, độ phân giải 1440p của máy có màu sắc rực rỡ, nhưng lại không rực rỡ bằng mức trung bình phân khúc.
Thông số kỹ thuật
- CPU: Intel Core i7-10750H
- GPU: Nvidia GeForce RTX 3070
- RAM: 16GB
- Bộ nhớ: 512GB SSD
- Màn hình: 15.6-inch, 2560 x 1440, 165Hz
- Kích thước: 14.0 x 9.3 x 0.8 inch
- Khối lượng: 2.08 kg
Thiết kế của Razer Blade 15
Thiết kế bên ngoài của chiếc Razer Blade 15 không có nhiều điểm thay đổi so với phiên bản tiền nhiệm. Máy vẫn sở hữu một bộ khung nhôm màu đen, kết hợp với logo Razer bằng xanh lá nằm chính giữa, đem lại điểm nhấn cho vẻ ngoài của chiếc laptop.
Phần nội thất của máy bao gồm một khu vực kê tay màu đen, được đặt ngay bên trên là một chiếc bàn phím dạng nhỏ, được kẹp giữa bởi hệ thống loa ở 2 bên. Ngay cả khi được trang bị 1 chiếc webcam ở cạnh trên màn hình, viền bezel của máy vẫn giữ được kích thước mỏng đến kinh ngạc.
Với khối lượng 2.08 kg và có số đo 3 cạnh là 14.0 x 9.3 x 0.8 inch, Razer Blade 15 sở hữu một thân máy khá gọn nhẹ so với một chiếc laptop gaming hiệu năng cao. Máy nhẹ hơn khi so sánh với những dòng laptop như Alienware m15 R4 (nặng 2.26 kg, 14.2 x 10.9 x 0.7~0.8 inch), Gigabyte Aorus 15G (nặng 2.13 kg, 14.0 x 9.6 x 0.9 inch).
Cổng kết nối của Razer Blade 15
Razer trang bị đủ các loại cổng kết nối cho chiếc Blade 15, nhưng đáng tiếc là không có cổng Mini DisplayPort.
Bên trái thân máy được trang bị cổng nguồn, cổng Ethernet, 1 cổng USB Type-A, 1 cổng USB Type-C và giắc cắm tai nghe 3.5 mm, trong khi bên phải thân máy được trang bị khe lắp khóa an toàn, cổng xuất HDMi, 2 cổng USB Type-A và 1 cổng USB Type-C.
Màn hình của Razer Blade 15
Razer Blade 15 được trang bị màn hình 15.6 inch, độ phân giải 2560 x 1440 pixel, tần số quét 165Hz, đem lại chất lượng hình ảnh ấn tượng với màu sắc sống động, tuy nhiên lại không được sáng cho lắm.
Dựa vào kết quả máy đo màu sắc của chúng tôi, màn hình của Razer Blade 15 phủ được 87.3% dải DCI-P3, thấp hơn một chút so với mức trung bình phân khúc (90.7%). Kết quả độ phủ màu màn hình của chiếc laptop Razer ấn tượng hơn những dòng máy như Aorus 15G (76.7%) và Dash F15 (77.9%). Alienware m15 R4 là chiếc laptop có độ phủ màu rộng nhất trong bài kiểm tra này, với kết quả ấn tượng là 149.5%.
Tuy nhiên, với chỉ số độ sáng khiêm tốn là 271 nit, màn hình của Blade 15 lại không được rực rỡ cho lắm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 342 nit của dòng laptop cùng phân khúc. Một lần nữa, màn hình của máy có kết quả kiểm tra tốt hơn so với Aorus 15G (259 nit) và Dash F15 (265 nit) nhưng lại để thua trước Alienware m15 R4 (362 nit).
Bàn phím và touchpad của Razer Blade 15
Đáng tiếc là Razer Blade 15 không được trang bị dòng bàn phím cơ cao cấp của hãng, khiến trải nghiệm nhập liệu tổng thể không được thoải mái cho lắm. Các nút của máy có hành trình không sâu và có lực ấn hơi mỏng.
Phiên bản laptop này sở hữu hệ thống đèn sáng 1 vùng, vậy nên ngay cả khi bạn tri ra một khoản tiền không nhỏ để sở hữu chiếc laptop, bạn có được một chiếc bàn phím còn kém hơn cả những dòng máy tầm trung. Với chiếc bàn phím này, bạn không có khả năng điều chỉnh màu sắc và hiệu ứng của từng nút bấm.
Touchpad của máy có kích thước 5.1 x 3.1 inch có bề mặt được làm bằng kính, đem lại cảm giác chạm mượt mà. Những thao tác vuốt và chạm được thể hiện chính xác và mượt mà trên chiếc touchpad này, đem lại cảm giác điều hướng thoải mái cho người dùng.
Khả năng xử lý đồ họa
Ẩn bên dưới các lớp vỏ bằng nhôm là card Nvidia GeForce RTX 3070 (95W) với 8GB VRAM. Với mức cấu hình này, Razer Blade 15 cho phép người dùng khả năng chơi mượt mà mọi tựa game mới ra hiện nay. Máy có thể chơi Assassin’s Creed Valhalla (Ultra, 1440p) với mức khung hình tương đối ổn định là 51 fps.
Tiếp tục kiểm tra khả năng xử lý đồ họa của máy với tựa game Assassin’s Creed Odyssey (Ultra, 1080p), Razer Blade 15 đạt mức khung hình 64 fps, vừa đủ để vượt qua mức trung bình phân khúc laptop gaming (62 fps). Được trang bị cùng loại GPU với những đối thủ cạnh tranh trong bài viết, kết quả kiểm tra của Blade 15 tốt hơn so với Aorus 15G (62 fps) và Dash F15 (51 fps). Alienware m15 R4 là chiếc laptop đạt kết quả tốt nhất trong bài kiểm tra này, với mức khung hình 67 fps.
Razer Blade 15 đạt mức khung hình 78 fps trong tựa game Shadow of the Tomb Raider (cấu hình Highest, 1080p) vượt qua mức trung bình phân khúc (75 fps). Máy có kết quả khung hình tương đương với Aorus 15G (78 fps) và đánh bại Alienware m15 R4 (77 fps) và Dash F15 (69 fps). Khi chơi ở độ phân giải 1440p, chiếc Blade 15 có mức khung hình 53 fps.
Trong tựa game Far Cry New Dawn (cấu hình Ultra, 1080p) chiếc Razer Blade 15 đạt mức khung hình 86 fps, thấp hơn một chút so với mức trung bình phân khúc là 88 fps. Kết quả kiểm tra của chiếc Razer ấn tượng hơn so với Dash F15 (70 fps) nhưng lại không thể theo kịp Alienware m15 R4 (91 fps) hoặc Aorus 15G (93 fps).
Razer Blade 15 đạt kết quả khung hình bình quân 64 fps ở tựa game Red Dead Redemption 2 (cấu hình Medium, 1080p), tốt hơn so với mức bình quân 57 fps của phân khúc.
Hiệu năng
Razer Blade 15 được trang bị chip Intel Core i7-10750H và 16GB RAM,. Mức cấu hình này tuy không quá ấn tượng so với phân khúc, tuy nhiên vẫn đem lại cho chiếc Blade 15 khả năng xử lý đa nhiệm ấn tượng. Máy vẫn có thể hoạt động một cách mượt mà khi tôi mở đồng loạt 40 tab Chrome cùng với 5 tab chạy video HD trên Youtube.
Trong bài kiểm tra hiệu năng tổng thể với Geekbench 5.3, Blade 15 đạt kết quả 5,564, thấp hơn so với kết quả trung bình 7,029 điểm của dòng laptop gaming cao cấp. Kết quả hiệu năng tổng thể của chiếc laptop Razer cao hơn khi so sánh với Dash F15 (5,166 điểm), nhưng lại bị đè bẹp bởi Alienware m15 R4 (7,636 điểm) và Aorus 15G (8,009 điểm).
Blade 15 chuyển đổi một video 4K sang độ phân giải 1080p trong vòng 10 phút 57 giây khi sử dụng ứng dụng HandBrake, chậm hơn so với mức trung bình phân khúc là 8 phút 2 giây, trong đó bao gồm Alienware m15 R4 (7 phút 7 giây), Aorus 15G (8 phút 5 giây) và Dash F15 (10 phút 40 giây).
Ổ SSD dung lượng 512GB không có tốc độ không thể so sánh được so với mức tiêu chuẩn của dòng laptop cao cấp, với tốc độ chép dữ liệu đo được là 602 MBps. Kết quả này chậm hơn so với mức trung bình phân khúc (843 MBps), cũng như những dòng máy cạnh tranh trong bài viết này.
Thời lượng pin
Blade 15 trụ được 4 giờ 36 phút trong bài kiểm tra của chúng tôi, cụ thể là sau khi lướt web liên tục bằng wifi, với độ sáng màn hình 150 nit. Kết quả thời lượng pin của máy ngắn hơn một chút so với mức trung bình 4 giờ 44 phút của dòng laptop cùng phân khúc. Đây là một kết quả thời lượng pin không quá tồi, nhưng vẫn còn phải cải thiện nhiều. Alienware m15 R4 là chiếc laptop tắt nguồn đầu tiên trong bài kiểm tra này, với kết quả thời lượng pin 4 giờ 1 phút. 2 chiếc laptop là Aorus 15G và Dash F15 có thời lượng pin dài hơn so với chiếc laptop Razer, với kết quả đo được lần lượt là 4 giờ 48 phút và 6 giờ 53 phút.
Nhiệt độ
Razer Blade 15 tỏa ra một mức nhiệt hơi ấm tay khi được sử dụng trong một khoảng thời gian dài. Sau khi chơi game trong vòng 15 phút, khu vực gầm máy có mức nhiệt đo được là 43 độ C, vượt quá ngưỡng nhiệt lý tưởng 35 độ C của laptop. Trung tâm bàn phím và touchpad có nhiệt độ đo được lần lượt là 39 và 31 độ C. Khu vực có nhiệt độ cao nhất của chiếc laptop nằm ở khu vực gần hệ thống khe thông khí, với mức nhiệt đo được là 43 độ C.
Phần mềm
Phần mềm tiện ích duy nhất mà Razer cài vào chiếc Blade 15 có tên gọi Razer Synapse. Thông qua ứng dụng này, bạn có thể tùy chỉnh mức hiệu năng, hệ thống đèn sáng và chức năng của các phím.
Tất nhiên, là một chiếc laptop Windows 10, máy có sẵn những bloatware quen thuộc như Candy Crush, Skype và các ứng dụng khác của Microsoft.
Tổng kết
Trải nghiệm sử dụng với chiếc Razer Blade 15 có thể được so sánh như một chuyến đi tàu lượn, lúc lên lúc xuống thất thường. Máy sở hữu hiệu năng xử lý đồ họa mạnh mẽ, màn hình sống động và sắc nét cũng như trải nghiệm touchpad thoải mái. Tuy nhiên, máy còn có những điểm hạn chế bao gồm hiệu năng xử lý CPU tầm trung, độ sáng màn hình thấp và bàn phím không thoải mái.
Nếu bạn có ý định chọn mua một chiếc laptop gaming cao cấp, hãy cân nhắc lựa chọn Alienware m15 R4. Với mức tiền cao hơn một chút, bạn sẽ có được một chiếc máy sở hữu hiệu năng toàn diện, màn hình tuyệt đẹp và bàn phím thoải mái. Razer là một hãng sản xuất laptop gaming tốt, tuy nhiên phiên bản này lại có chất lượng không được ấn tượng cho lắm.
Điểm mạnh
- Hiệu năng xử lý đồ họa tốt
- Màn hình 1440p sống động
- Touchpad chất lượng
Điểm yếu
- Hiệu năng CPU tầm trung
- Độ sáng màn hình hơi thấp
- Bàn phím không thoải mái
- Giá cao