Phong cảnh với vẻ đẹp của chúng luôn là một chủ đề vô tận và phổ biến nhất của nhiếp ảnh. Tuy nhiên trong quá trình chụp ảnh phong cảnh, có những “cạm bẫy” mà có thể cả những nhiếp ảnh gia có nhiều kinh nghiệm vẫn có thể mắc phải.
Nếu bạn đã, đang mắc những lỗi dưới đây, cũng đừng lo lắng vì đây là những lỗi rất phổ biến, cùng điểm qua 10 lỗi chụp phong cảnh đó cùng cách khắc phục qua bài viết lược dịch từ Digital Camera World.
Đường chân trời lệch
Một số người rất giỏi trong việc cầm, giữ máy ảnh nhưng một số khác thì lại không. Giữ được đường chân trời thẳng từ một góc độ khác thường là điều không hề dễ dàng. Nếu như không giữ được đúng, rất có thể bạn phải xoay và crop lại ảnh sau khi chụp, đồng nghĩa với việc một số phần hình ảnh đẹp rất dễ bị cắt xén đi, vì vậy cần hạn chế để xảy ra tình trạng này.
Cách khắc phục: Cách dễ dàng nhất để tránh lỗi này là dùng một mức phẳng để đo với máy ảnh cho ổn định. Hiện nay nhiều dòng máy kỹ thuật số có chế độ hiển thị trong kính ngắm hoặc chiếu trên màn hình LCD, bạn hãy kiểm tra để tránh hiện tượng lệch đường chân trời này.
Tiền cảnh hoặc đường chân trời không rõ nét
Ngoài những trường hợp người chụp muốn chụp sáng tạo thì phần lớn những bức ảnh chụp phong cảnh đều cần đến độ sâu trường ảnh (DOF) lớn với tiền cảnh và đường chân trời rõ nét. Điều này có thể có được nhờ đặt khẩu độ nhỏ và khoảng cách hợp lý. Theo cách truyền thống, các nhiếp ảnh gia thường tập trung vào hyperfocal distance – khoảng cách từ ống kính đến tiêu điểm, phần lớn độ sâu trường ảnh được tạo ra tại đây. Lấy nét vào điểm này sẽ đảm bảo không có DOF bị lãng phí do khoảng cách quá xa và mở rộng vùng sắc nét đến dưới đường chân trời. nó cũng tránh những hạn chế DOF bằng cách tập trung vào những vật thể rất gần.
Những người đam mê phong cảnh hiện nay vẫn sử dụng những ứng dụng điện thoại như DOF Master hoặc TackSharp để tìm ra những khoảng cách nên lấy nét cho sự kết hợp giữa máy ảnh, ống kính và khẩu độ. Ngoài ra khoảng cách hyperfocal cũng có thể được ước lượng và ống kính máy lấy nét vào một điểm ở 1/3 khoảng cách tính đến cảnh vật.
Ảnh bị mờ
Sử dụng Khẩu độ nhỏ trong khi vẫn giữ độ nhạy thấp để ghi lại tối đa các chi tiết sẽ đi cùng tốc độ màn trập chậm. Hệ quả của nó chính là rất dễ khiến cho máy ảnh bị rung và xuất hiện hiện tượng bị mờ.
Cách khắc phục: Trong trường hợp này cách tốt nhất và cũng đơn giản nhất là đặt máy ảnh trên giá đỡ thật chắc chắn, hãy treo túi nặng vào giữa 3 chân đỡ của Tripod sẽ giúp cho chân máy cân bằng hơn.
Tiền cảnh trống trải
Khi bạn nhìn vào một bức hình phong cảnh, thường thì mắt chúng ta có xu hướng chú ý vào những chủ thể chính và nổi bật và bỏ qua các khu vực không được chú ý. Tuy nhiên nếu một bức ảnh hầu như không có điểm gì nổi bật ở tiền cảnh sẽ khiến người xem có cảm giác quá xa xôi với những điểm đáng chú ý trong bức hình.
Trong trường hợp này, bạn có thể khắc phục bằng cách bổ sung thêm những vật thể khác vào phần tiền cảnh, đó có thể là một vài tảng đá, một bó hoa,… bạn sẽ nhận thấy chúng thực sự hữu ích bổ trợ cho cảnh chính.
Ánh sáng mờ
Để có được ánh sáng chất lượng thích hợp cho một buổi chụp hình, các nhiếp ảnh gia có thể phải đợi nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí là cả tháng trời hoặc cả mùa. Chất lượng ánh sáng mang đến sự khác biệt rất lớn cho một hình ảnh, mang lại màu sắc, sức sống, giúp nổi bật những đường nét của đất…Ngược lại, ánh sáng và bầu trời u ám lại có thể tạo ra những hình ảnh nhàm chán thiếu sức sống.
Tuy nhiên ngay cả những nhiếp ảnh gia nhiệt tình nhất không phải ai cũng có thời gian để chờ đợi thời gian dài như vậy chỉ để có được ánh sáng phù hợp. Điều đó có nghĩa rất có thể họ sẽ chụp trong bất cứ điều kiện thời tiết hay ánh sáng nào.
Cách khắc phục: Một cách để đối phó với ánh sáng mờ là chuyển sang chụp ảnh đen trắng. Bạn nên chụp ảnh bằng định dạng RAW hoặc cả RAW và JPEG, đồng thời thiết lập máy ảnh sang chế độ đơn sắc cho phép bạn xem các cảnh chụp đen trắng mà vẫn có cảnh đầy đủ màu sắc để chuyển đổi.
Bóng nặng
Ngược với ánh sáng mờ chính là những bức hình chụp với ánh sáng mạnh, điều đó mang đến một vấn đề đó là bóng đổ quá sâu và khắc nghiệt.
Cách khắc phục: Gần như một quy luật rằng bạn nên chụp ảnh phong cảnh vào những lúc ánh sáng yếu hơn như sáng sớm hoặc chiều tàn, đó là những thời điểm mặt trời nằm ở góc tương đối thấp với bóng dài, ánh sáng mềm hơn những thời điểm khác ban ngày. Với ảnh phong cảnh, thời điểm giờ vàng và giờ xanh luôn được nhắc tới là những khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày.
Một trong những vấn đề thường thấy với chụp ảnh phong cảnh là bầu trời thường sáng hơn phần đất phía dưới và nhiều máy ảnh chỉ có khả năng ghi lại chi tiết một trong số đó.
Trong nhiều trường hợp, mặt đất có thể được phơi sáng đúng nhưng bầu trời lại như bị tẩy xóa rất nhàm chán. Ngược lại, bầu trời có thể rất tuyệt vời nhưng nhưng tiền cảnh lại thiếu sáng và ảm đạm.
Cách khắc phục: Cách truyền thống để giải quyết vấn đề này là sử dụng một bộ lọc ND. Hoặc chụp 2 shot ảnh với độ phơi sáng khác nhau và kết hợp thành 1 shot ảnh có bầu trời của ảnh này và phần đất của ảnh còn lại. Ngoài ra, 1 số nhiếp ảnh gia cũng sử dụng kỹ thuật HDR để kết hợp vài ảnh chụp với độ phơi sáng khác nhau.
Dùng bộ lọc ND quá rõ ràng
Như đã nói ở trên, bạn có thể dùng ảnh kết hợp kỹ thuật để ghi lại chi tiết trên bầu trời và mặt đất, tìm ra nơi đặt vị trí chuyển tiếp để có thể kết hợp ảnh. Tuy nhiên, những vật thể như cây cối, tòa nhà hoặc núi đồi sẽ có độ phơi sáng khác nhau nếu bạn kết hợp theo cách này.
Cách khắc phục: Lỗi chụp ảnh phong cảnh này khó có thể ngụy trang với ND filter có mức chia độ nhẹ, nên các biện pháp kỹ thuật số sẽ chỉ hiệu quả nếu người chụp ảnh cẩn thận với lựa chọn ảnh để kết hợp.
Bố cục ảnh kém
Với một cảnh đẹp, bạn sẽ rất muốn lưu lại ngay những hình ảnh này, tuy nhiên để chụp ảnh phong cảnh đẹp lại không đơn giản như vậy, bạn vẫn cần cân nhắc cẩn thận. Bạn cần nhìn bao quát xung quanh để tìm được gón chụp đẹp nhất để nắm bắt những phần thú vị nhất.
Kỹ thuật chụp ảnh: Bên cạnh những khung cảnh được lấy nét và sử dụng bố cục đối xứng, một quy tắc được nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng trong chụp phong cảnh là quy tắc 1/3. Theo đó chia khung hình thành 9 phần bằng nhau với 3 đường ngang và 3 đường kẻ dọc, bạn hãy đặt trọng tâm ảnh vào giao điểm các đường kẻ.
Nhiều máy ảnh có sẵn tùy chọn xem trước cảnh với lưới theo quy tắc này trên màn hình LCD, một số dòng được hiển thị trên kính ngắm có thể hỗ trợ cho bạn trong quá trình chụp hình.
Các chi tiết mờ nhạt
Mặc dù khẩu độ nhỏ sẽ tăng độ sâu trường ảnh, những vùng sắc nét trong ảnh, nó cũng làm tăng ảnh hưởng của nhiễu xạ. Khẩu độ càng nhỏ, tỉ lệ tia sáng bị uốn cong càng lớn và ảnh càng mờ.
Kỹ thuật chụp ảnh: Ảnh hưởng của nhiễu xạ có thể khắc phục bằng cách dùng thiết lập khẩu độ lớn hơn 1 hoặc 2 so với giá trị nhỏ nhất có thể; hoặc tìm ra khẩu độ tối ưu là bao nhiêu bằng cách chụp cùng 1 vật với khẩu độ khác nhau. Tiêu điểm ảnh nào rõ nét nhất sẽ cho biết khẩu độ tối ưu của ống kính.