Asus ROG Zephyrus M16 là một chiếc laptop gaming thuộc phân khúc cao cấp. Được trang bị con chip Intel Core i9-11900H tốc độ cùng với card Nvidia GeForce RTX 3060 mạnh mẽ và một màn hình 16 inch rực rỡ, Zephyrus M16 mang đến cho người dùng một trải nghiệm chơi game tuyệt vời. Bài viết này sẽ đánh giá chi tiết Zephyrus M16, từ đó chỉ ra những điểm cộng và trừ của dòng sản phẩm.
Thông số kỹ thuật của Asus ROG Zephyrus M16
- CPU: Intel Core i9-11900H
- GPU: Nvidia GeForce RTX 3060
- RAM: 16GB
- Bộ nhớ: 1TB SSD
- Màn hình: 16 inch, 2560 x 1600-pixel
- Kích thước: 14 x 9.6 x 0.8 inch
- Khối lượng: 1.9 kg
Thiết kế Asus ROG Zephyrus M16
Asus ROG Zephyrus M16 sở hữu một lớp vỏ nhôm bóng bẩy, được hoàn thiện bề mặt với các chấm đèn nhỏ li ti, mang lại vẻ ngoài bắt mắt cho chiếc laptop.
Mở chiếc laptop để lộ một bộ bàn phím full-size được trang trí với hệ thống đèn RGB rực rỡ bên dưới. Bao bọc xung quanh là 2 dải loa ngoài ở cạnh bên, trong khi dải nút chức năng được đặt ở ngay bên trên, mang lại nhiều tiện ích cho người dùng.
Màn hình của M16 được bọc bên trong một viền bezel mỏng vô cùng, nhưng vẫn đủ không gian để trang bị chiếc webcam ở cạnh trên.
Với khối lượng 1.9 kg và có số đo 3 cạnh là 14 x 9.6 x 0.8 inch, Zephyrus M16 có vẻ ngoài dày và nặng hơn so với một số đối thủ cạnh tranh. Đây là điều dễ hiểu bởi máy được trang bị một màn hình có kích thước đường chéo lớn hơn là 16 inch. Các dòng máy cạnh tranh của M16 bao gồm MSI Stealth 15M (nặng 1.67 kg, 14.1 x 9.8 x 0.6 inch) và Acer Predator Triton 300 SE (nặng 1.72 kg, 12.7 x 9.0 x 0.7 inch).
Cổng kết nối Asus ROG Zephyrus M16
Asus ROG Zephyrus M16 được trang bị chủng loại cổng kết nối khá đầy đủ, với sự thiếu sót duy nhất là cổng Mini DisplayPort.
Dọc theo cạnh trái, chiếc laptop được trang bị giắc nguồn, cổng HDMI, cổng RJ45 Ethernet, 1 cổng USB Type-A, 2 cổng Thunderbolt 4 và giắc cắm tai nghe. Trong khi đó, ở cạnh phải được trang bị 1 cổng USB Type-A và 1 khe đọc thẻ nhớ microSD.
Màn hình Asus ROG Zephyrus M16
Asus ROG Zephyrus M16 được trang bị một chiếc màn hình có kích thước đường chéo 16 inch, độ phân giải 2560 x 1600 pixel, mang lại chất lượng hình ảnh sắc nét và sống động. Hoàn thiện với tần số quét 165Hz, màn hình của chiếc Zephyrus đem đến cho người dùng trải nghiệm chơi game mượt mà và đắm chìm với màu sắc rực rỡ.
Dựa vào công cụ hiệu chuẩn màu sắc, màn hình của Zephyrus M16 phủ được 75.8% dải DCI-P3, cao hơn so với mức trung bình của dòng máy cùng phân khúc là 68.8%, trong đó bao gồm chiếc Stealth 15M (45.3%). Triton 300 SE là chiếc laptop sở hữu độ phủ màu màn hình rộng nhất ở bài viết này với kết quả đo được là 80.6%.
Với chỉ số độ sáng 479 nit, màn hình của Zephyrus M16 đánh bại hoàn toàn mức trung bình của dòng máy cùng phân khúc (298 nit), cũng như các đối thủ cạnh tranh cụ thể là Stealth 15M (255 nit) và Triton 300 SE (292 nit).
Bàn phím và touchpad
Tôi đã từng sử dụng qua bàn phím của các dòng Zephyrus trong thời gian vừa qua, nhưng phải nói là bộ bàn phím của Zephyrus M16 mang lại cho tôi trải nghiệm nhập liệu tốt nhất. Các nút trên bàn phím có độ nảy tốt và sở hữu một hành trình sâu, cho phép tôi làm việc một cách thoải mái và hiệu quả.
Touchpad của máy có số đo 2 cạnh là 5.1 x 3.4 inch, được hoàn thiện bề mặt phẳng mịn và có phản hồi xúc giác chắc tay khi bấm xuống. Chiếc touchpad có độ nhạy tốt, cho phép tôi điều hướng một cách dễ dàng và hiệu quả mà không cần sử dụng đến chuột.
Khả năng xử lý đồ họa
Ẩn bên trong lớp vỏ kim loại của Asus ROG Zephyrus M16 là chiếc card Nvidia GeForce RTX 3060 với 6GB VRAM. Với mức cấu hình này, tôi có thể chơi tựa game Assassin’s Creed Valhalla (cấu hình Ultra) ở mức khung hình bình quân là 44 fps.
Tiếp tục kiểm tra khả năng xử lý đồ họa với tựa game Assassin’s Creed Odyssey (Ultra, 1080p), Zephyrus M16 đạt mức khung hình 59 fps, cao hơn 10 fps so với mức trung bình phân khúc (49 fp). Kết quả này đồng thời cao hơn so với đối thủ cạnh tranh là Stealth 15M (55 fps) và Triton 300 SE (51 fps).
Zephyrus M16 đạt mức khung hình 84 fps ở tựa game Far Cry New Dawn (Ultra), cao hơn so với mức trung bình phân khúc (74 fps), trong đó bao gồm Triton 300 SE (73 fps) và Stealth 15M (77 fps).
Ở tựa game Grand Theft Auto V (Very High, 1080p), Zephyrus M16 đạt mức khung hình bình quân là 86 fps, vượt qua mức trung bình phân khúc là 69 fps.
Hiệu năng
Phiên bản Asus ROG Zephyrus M16 mà chúng tôi sử dụng trong bài review được trang bị con chip Intel Core i9-11900H. Máy không gặp bất cứ vấn đề gì khi tôi mở đồng loạt 40 tab Chrome, trong đó có 5 tab chạy video HD trên Youtube, trong khi tựa game Assassin’s Creed Valhalla đang chạy nền.
Ở bài kiểm tra chấm điểm hiệu năng tổng thể với Geekbench 5.3, chiếc Zephyrus M16 đạt kết quả 8495 điểm, vượt qua mức trung bình của dòng laptop gaming cùng phân khúc là 5097. Con chip Core i7-11375H được trang bị bên trong 2 chiếc Stealth 15M và Triton 300 SE có mức điểm hiệu năng thấp hơn, đo được lần lượt là 5363 và 5234 điểm.
Zephyrus M16 chuyển đổi 1 video 4K sang độ phân giải 1080p trong vòng 7 phút 48 giây, nhanh hơn nhiều so với kết quả trung bình phân khúc là 9 phút 5 giây. Kết quả này đồng thời đánh bại Stealth 15M (11 phút 2 giây) và Triton 300 SE (11 phút 35 giây).
Ổ SSD dung lượng 1TB của chiếc laptop Asus có tốc độ ghi chép dữ liệu bình quân là 567 MBps. Kết quả này tuy không tồi nhưng lại thấp hơn so với Stealth 15M (652 MBps) và Triton 300 SE (993 MBps).
Thời lượng pin
Asus ROG Zephyrus M16 sở hữu một mức thời lượng pin không tồi so với phân khúc laptop gaming. Trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi, chiếc laptop trụ được 6 giờ 33 phút sau khi lướt web liên tục bằng mạng wifi, với độ sáng màn hình ở mức 150 nit. Kết quả này cao hơn một chút so với mức trung bình phân khúc là 6 giờ 19 phút, trong đó bao gồm Stealth 15M (3 giờ 41 phút). Triton 300 SE là chiếc laptop trụ lại sau cùng ở bài kiểm tra này với mức thời lượng pin đo được là 6 giờ 41 phút.
Khả năng tản nhiệt
Asus ROG Zephyrus M16 tỏa ra một mức nhiệt khá ấm tay trong quá trình sử dụng. Sau khi chơi game trong vòng 15 phút, khu vực gầm máy đạt mức nhiệt 48 độ C, cao hơn nhiều so với ngưỡng nhiệt lý tưởng 35 độ C. Trung tâm bàn phím và touchpad có mức nhiệt lần lượt là 41 và 28 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ cao nhất mà chiếc máy đạt được là 51 độ C, nằm ở khu vực gần hệ thống khe thông gió bên dưới gầm máy.
Zephyrus M16 cũng có mức nhiệt hơi cao ở bài kiểm tra nhiệt độ cơ bản. Sau khi để máy stream 1 video HD trong vòng 15 phút, khu vực bên dưới gầm máy có nhiệt độ là 40 độ C. Trong khi đó, bàn phím và touchpad có nhiệt độ đo được lần lượt là 37 và 25 độ C.
Phần mềm
Phần mềm được cài sẵn mang lại nhiều tiện ích nhất của chiếc Zephyrus M16 có tên gọi là Armoury Crate. Với ứng dụng này, bạn có thể tùy chỉnh mức hiệu năng của hệ thống, theo dõi tình trạng nhiệt độ của các linh kiện bên trong, thay đổi tốc độ quạt thông gió, tùy chỉnh cấu hình màn hình và tùy chỉnh hiệu ứng và màu sắc của các loại đèn chiếu trên laptop. Máy còn được cài sẵn ứng dụng MyAsus, được dùng để truy cập thông tin bảo hành của máy, tải về các bản cập nhật driver và tùy chọn mức năng lượng tiêu thụ.
Tổng kết
Asus ROG Zephyrus M16 là một chiếc laptop gaming cao cấp. Từ hiệu năng và chiếc màn hình 16 inch, cho đến mức thời lượng pin và chiếc bàn phím thoải mái, đây là một lựa chọn đáng để cân nhắc nếu bạn đang tìm kiếm cho mình một chiếc laptop gaming chất lượng.
Điểm cộng
- Hiệu năng tổng thể ấn tượng
- Màn hình 16 inch rực rỡ
- Bàn phím thoải mái
- Thời lượng pin tốt
- Thiết kế bắt mắt, độ bền cao
Điểm trừ
- Khả năng tản nhiệt không quá hiệu quả
- Mức giá cao