Đánh giá Lenovo Flex 5G: Chiếc laptop 5G đầu tiên trên thị trường

Lenovo Flex 5G

Lenovo Flex 5G là chiếc laptop hỗ trợ mạng 5G đầu tiên trên thị trường. Để có được tốc độ chuyển đổi dữ liệu nhanh đến chóng mặt đó, hãng sản xuất trang bị cho chiếc laptop con chip Qualcomm Snapdragon 8cx.

Qualcomm Snapdragon 8cx mang lại một mức hiệu năng nhanh hơn so với những mẫu chip nền tảng ARM khác mà chúng tôi từng kiểm tra, tuy nhiên tốc độ xử lý của con chip này vẫn chưa thể so sánh được so với những sản phẩm đến từ Intel hoặc AMD. Chưa hết, do sử dụng một con chip được xây dựng trên một nền tảng khác, Lenovo Flex 5G sẽ gặp những vấn đề về việc tương thích với các ứng dụng.

Điều này khiến cho Lenovo Flex 5G không phải là một lựa chọn tốt với những ai đang tìm mua một chiếc laptop làm việc đáng tin cậy và ổn định. Thay vào đó, nhờ sở hữu một thiết kế có chất lượng build tốt, màn hình sáng, Lenovo Flex 5G là một mẫu máy đáng để cân nhắc nếu bạn thường xuyên phải đi công tác xa và cần kết nối internet ổn định.

Xem thêm: Đánh giá Lenovo ThinkPad X1 Titanium Yoga: Chất build cao, thân máy siêu mỏng

Thông số kỹ thuật của Lenovo Flex 5G

  • CPU: Qualcomm Snapdragon 8cx
  • GPU: Qualcomm Adreno 680
  • RAM: 8GB
  • Bộ nhớ: 256GB
  • Màn hình: 14-inch, 1080p
  • Kích thước: 12.7 x 8.5 x 0.6 inch
  • Khối lượng: 1.31 kg

Lenovo Flex 5G

Lenovo Flex 5G: Thiết kế

Tuy được coi là chiếc laptop đầu tiên trên thế giới được hỗ trợ mạng 5G, Lenovo Flex lại sở hữu một thiết kế bên ngoài khá tối giản. Lenovo Flex 5G thiếu đi những chi tiết bóng bẩy dùng để khiến chiếc máy trở nên nổi bật hơn so với những mẫu laptop cạnh tranh trong phân khúc.

Thiết kế tổng thể của Lenovo Flex 5G là sự pha trộn giữ ngôn ngữ thiết kế của 2 dòng máy là IdeaPad và Yoga, với lớp vỏ nhôm bên ngoài được hoàn thiện với nét thẩm mỹ tối giản và trung tính. Nhãn hiệu Lenovo màu bạc nằm ở góc cạnh là chi tiết duy nhất mang lại sự tương phản trên tấm nền màu xám kim loại của chiếc laptop. Mở chiếc máy ra, và bạn sẽ thấy một khu vực nội thất với tông màu hoàn thiện tương tự.

Dù vậy, Lenovo Flex 5G vẫn là một chiếc laptop có chất lượng build cao. Nhìn từ xa, bạn sẽ nhầm tưởng rằng vỏ ngoài của Flex 5G được làm hoàn toàn từ hợp kim nhôm và ma-giê. Nhưng trên thực tế, khu vực gầm máy và thân máy được phủ một lớp chất liệu mềm mịn, mang lại cảm giác chạm tay tương tự như phiên bản máy cao cấp của hãng là ThinkPad X1 Carbon.

Là một chiếc laptop 2 trong 1, Flex 5G có thể chuyển đổi hình dáng thành một chiếc máy tính bảng, hoặc có thể được đặt dựng trên mặt bàn với hình dáng túp lều để mang lại cho người dùng trải nghiệm tốt nhất khi xem phim. Tương tự như các chi tiết khác của chiếc máy, cặp bản lề của chiếc laptop được hoàn thiện chắc chắn, giúp cho chiếc màn hình luôn được giữ cố định trong suốt quá trình làm việc.

Với kích thước 3 cạnh là 12.7 x 8.5 x 0.6 inch và có khối lượng tổng thể là 1.31 kg, Flex 5G mỏng nhưng lại nặng hơn khi so sánh với LG Gram 14 2-in-1 (12.8 x 8.3 x 0.7 inch, nặng 1.13 kg). Chiếc laptop Lenovo có kích thước tổng thể tương đồng khi so sánh với HP Spectre x360 13 (12.2 x 8.6 x 0.6 inch, nạng 1.27 kg) và Lenovo Yoga C940 (12.6 x 8.5 x 0.6 inch, nặng 1.36 kg).

Lenovo Flex 5G

Lenovo Flex 5G: Cổng kết nối

Lenovo Flex 5G không có nhiều cổng kết nối, vậy nên hãy nghĩ đến việc đầu tư thêm một vài sợi cáp chuyển đổi nếu bạn quyết định chọn mua chiếc laptop. Trên thực tế, cạnh phải của máy chỉ được trang bị duy nhất giắc cắm tai nghe 3.5mm và một công tác vật lý dùng để chuyển đổi giữa chế độ Máy bay và chế độ kết nối mạng di động. Trong khi đó, nằm ở cạnh phải là 2 cổng USB 3.2 Type-C, với một trong số đó được sử dụng để sạc pin.

Lenovo Flex 5G

Lenovo Flex 5G: Màn hình

Lenovo Flex 5G được trang bị một chiếc màn hình 14 inch, độ phân giải 1080p có chất lượng cao. Tấm nền màn hình của máy có độ sáng cao và màu sắc rực rỡ vượt trội so với những mẫu laptop cạnh tranh cùng tầm tiền.

Trong bài kiểm tra của chúng tôi, màn hình của máy có khả năng phủ 115% dải màu sRGB, cao hơn khi so sánh với những mẫu máy cùng phân khúc là Gram 14 2-in-1 (108%), Spectre x360 13 (109%) và Yoga C940 (104%).

Với độ sáng tối đa đạt mức 410 nit, bạn có thể nhìn rõ các nội dung hiển thị trên màn hình của Flex 5G ngay cả khi đang sử dụng ở những nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên. Để so sánh, màn hình của Flex 5G có độ sáng cao hơn so với mức trung bình phân khúc (368 nit), trong đó bao gồm Gram 14 2-in-1 (306 nit) và Spectre x360 13 (287 nit).

Lenovo Flex 5G

Lenovo Flex 5G: Bàn phím và touchpad

Do được đặt trên một thân máy khá mỏng, bộ bàn phím của Flex 5G có hành trình nút không được sâu cho lắm, khiến tôi liên tục nhấn chạm đáy trong quá trình làm việc. Chưa hết, bản thân các nút này cũng không có độ nhạy tốt cho lắm, làm giảm phần nào độ thoải mái của bộ bàn phím.

Touchpad của máy có diện tích sử dụng vừa tầm với chiều dài 2 cạnh là 4.1 x 2.8 inch, cho phép tôi dễ dàng tương tác với hệ điều hành một cách dễ dàng và ổn định mà không cần phải sử dụng kèm chuột ngoài.

Lenovo Flex 5G

Lenovo Flex 5G: Hiệu năng

Đừng trông chờ rằng mức hiệu năng của Flex 5G có thể sánh ngang được với những mẫu laptop sử dụng chip Intel hoặc AMD trong cùng phân khúc. Được trang bị con chip Qualcomm Snapdragon 8cx và 8GB RAM, Flex 5G chật vật đôi chút khi tôi mở đồng loạt 12 tab Chrome thông qua phần mềm giả lập.

Tuy Flex 5G có mức hiệu năng cao hơn so với những mẫu laptop sử dụng chip ARM được phát hành trước đó, mức hiệu năng này vẫn thấp hơn nhiều so với những đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc. Cụ thể, trong bài kiểm tra hiệu năng với Geekbench 5.0, chiếc laptop Lenovo đạt điểm số 2779, thấp hơn nhiều so với mức trung bình phân khúc laptop cao cấp (4061 điểm).

Phiên bản Flex 5G mà chúng tôi sử dụng trong bài review được trang bị một dung lượng bộ nhớ trong là 256GB. Đây là loại bộ nhớ flash UFS 3.0, chứ không phải là loại SSD. Trong bài kiểm tra của chúng tôi, chiếc laptop cần 19 giây để hoàn thành việc copy 1 tệp tin nặng 5GB, tương đương với tốc độ trung bình là 270.7 MBps.

Khả năng xử lý đồ họa của chiếc laptop cũng không khá hơn là mấy. Cụ thể, chiếc laptop chơi tựa game Dirt 3 (cấu hình High, 1080p) với mức khung hình bình quân là 21 fps, thấp hơn nhiều so với kết quả đạt được của các đối thủ cạnh tranh, cụ thể là Gram 14 2-in-1 (34 fps, Intel UHD), Spectre x360 13 (56 fps, Intel UHD) và Yoga C940 (55 fps, Iris Plus).

Lenovo Flex 5G: Thời lượng pin

Lenovo Flex 5G là một trong những chiếc laptop có mức thời lượng pin dài nhất mà chúng tôi từng review. Sử dụng con chip Snapdragon 8cx với khả năng tiêu thụ điện năng hiệu quả, Flex 5G trụ được 17 giờ 28 phút trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi, cụ thể là sau khi lướt web liên tục bằng mạng wifi, với độ sáng màn hình đặt ở mức 150 nit.

Để so sánh, mức thời lượng pin bình quân của phân khúc laptop cao cấp tại thời điểm Flex 5G được phát hành chỉ là 9 giờ 28 phút. Ngay cả những đối thủ cạnh tranh có mức thời lượng pin dài bậc nhất trên thị trường cũng không thể sánh ngang được với chiếc Flex 5G, cụ thể là Gram 14 2-in-1 (14 giờ 12 phút), Spectre x360 13 (12 giờ 5 phút).

Lenovo Flex 5G: Khả năng tản nhiệt

Flex 5G sở hữu một khả năng tản nhiệt hiệu quả, cho phép tôi sử dụng trong một khoảng thời gian dài mà không làm máy quá tải nhiệt. Sau khi để máy chạy 1 video HD trong vòng 15 phút, khu vực touchpad có mức nhiệt là 23 độ C, trong khi bàn phím có nhiệt độ là 26 độ C. Khu vực gầm máy có mức nhiệt cao hơn một chút là 31 độ C, nhưng vẫn nằm trong mức ổn định là 35 độ C.

Tổng kết

Nếu bạn đang tìm một chiếc laptop có khả năng kết nối mạng internet tốc độ cao, và đồng thời sở hữu một mức thời lượng pin cho phép bạn sử dụng chiếc laptop tối đa đến 2 ngày, thì Lenovo Flex 5G sẽ là một lựa chọn đáng để cân nhắc.

Tuy nhiên, mức hiệu năng của máy chỉ đạt ở mức trung bình. Đồng thời, chiếc laptop còn gặp những hạn chế trong việc tương thích với các ứng dụng khác nhau. Những điểm trừ này khiến cho Flex 5G gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với những mẫu laptop cùng phân khúc trên thị trường.

Xem thêm: Đánh giá Lenovo ThinkPad X1 Yoga: Hiệu suất cao, bàn phím tốt

Điểm cộng

  • Thời lượng pin đỉnh cao phân khúc
  • Hỗ trợ mạng 5G tốc độ
  • Thiết kế nhỏ gọn, cao cấp
  • Chất lượng màn hình đỉnh cao

Điểm trừ

  • Mức hiệu năng tầm trung
  • Bàn phím không quá thoải mái
  • Giá thành cao
  • Gặp những vấn đề về việc tương thích với ứng dụng
Chia sẻ
Biên tập viên cấp cao của Thietbiketnoi. Đã 26 mùa xuân xanh nhưng anh ấy bị ám ảnh bởi các thiết bị chạy bằng hạt Electron bên trong. Tham gia vào đội ngũ biên tập từ những ngày đầu và nhất quyết không viết về các sản phẩm chất lượng kém. Anh ấy vẫn độc thân!