Dòng máy ThinkBook của Lenovo là sự kết hợp giữa mẫu laptop làm việc thông dụng và các dòng máy doanh nhân cao cấp, được thiết kế để mang lại hiệu năng làm việc cao nhất có thể.
Phiên bản máy mà chúng tôi sử dụng trong bài review được trang bị con chip Intel Core i5-10210U, kèm với 16GB RAM và 1 ổ SSD NVMe có dung lượng 512GB. Về mặt hiển thị, chiếc laptop được trang bị một chiếc màn hình có kích thước 15.6 inch với độ phân giải Full HD và được xử lý chống lóa. Bài viết hôm nay sẽ đánh giá chi tiết về dòng sản phẩm Lenovo ThinkBook 15, từ đó chỉ ra những điểm mạnh và yếu của dòng máy.
Xem thêm: Đánh giá Lenovo ThinkBook 13s: Toàn diện so với mức giá
Thông số kỹ thuật của Lenovo ThinkBook 15
- CPU: Intel Core i5-10210U
- GPU: Intel UHD 620
- RAM: 16GB
- Bộ nhớ: 512GB SSD
- Màn hình: 15.6-inch, 1920 x 1080
- Kích thước: 14.3 x 9.65 x 0.74 inch
- Khối lượng: 1.9 kg
Lenovo ThinkBook 15: Thiết kế
Khác với các mẫu ThinkPad được bán ở phân khúc giá cao hơn, Lenovo trang bị cho dòng máy ThinkBook 15 một lớp vỏ ngoài được làm chủ yếu từ nhựa. Trong khi khu vực bàn phím và nắp máy được làm bằng nhôm, các chi tiết còn lại của máy được làm hoàn toàn từ chất liệu nhựa cứng.
Vẻ ngoài của Lenovo ThinkBook 15 được hoàn thiện với tông màu chủ đạo là xám, mang lại dáng vẻ trung tính và tối giản cho chiếc laptop. Đây là phiên bản màu sắc duy nhất của ThinkBook 15 do Lenovo phát hành.
Xét về mặt tổng thể, chi tiết vỏ ngoài và nắp màn hình của ThinkBook 15 có chất lượng build và mức độ hoàn thiện khá tốt. Bề mặt của bộ bàn phím bị lún xuống đôi chút khi bị tác động lực mạnh, nhưng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm sử dụng hàng ngày.
Hệ thống bản lề của máy có chất lượng build rất tốt, có thể giữ chắc chắn chiếc màn hình trong suốt quá trình sử dụng. ThinkBook 15 là một chiếc laptop 15 inch có kích thước tổng thể tương đối nhỏ gọn. Để so sánh, chiếc laptop Lenovo có kích thước tương đương so với Dell Latitude 15 3590, HP ProBook 450.
Về mặt bảo mật, bạn có thể đăng nhập vào hệ thống nhanh chóng thông qua chiếc nút nguồn kiêm bảo mật vân tay trên thân máy. Ngoài ra, webcam của máy còn được sở hữu tính năng đóng ống kính vật lý ThinkShutter, giúp bạn an tâm không lo bị hacker quay lén.
Lenovo ThinkBook 15: Cổng kết nối
ThinkBook 15 được trang bị đầy đủ các loại cổng kết nối khác nhau, mang lại nhiều tiện nghi trong quá trình sử dụng thực tế. Cụ thể, máy được trang bị tổng cộng 2 cổng USB Type-C, với cả 2 đều được hỗ trợ công nghệ DisplayPort và PowerDelivery, tuy nhiên bạn sẽ cần phải sử dụng đúng loại dây cáp và củ sạc để tận dụng tối đa tiềm năng của 2 cổng này.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng cổng HDMI 1.4b của máy để kết nối với một chiếc màn hình ngoài nếu không có nhu cầu sử dụng cổng DisplayPort. Được trang bị cổng USB 2.0, bạn có thể sử dụng các loại thiết bị ngoại vi thông dụng như bàn phím hay chuột rời nếu muốn.
Cạnh trái của chiếc laptop được trang bị 1 cổng Ethernet RJ45, HDMI 1.4b, 1 cổng USB 3.1 Gen 1, USB-C 3.1 Gen 1, USB-C 3.1 Gen 2 (DisplayPort, PowerDelivery) và giắc cắm tai nghe 3.5mm. Trong khi đó, nằm ở cạnh trái đối diện là 1 cổng USB 2.0 Type-A, khe đọc thẻ 4 trong 1, USB 3.1 Gen 1 Type-A, cổng nguồn và khe lắp khóa Kensington.
Lenovo ThinkBook 15: Bàn phím và touchpad
Bàn phím là một trong những thế mạnh của các dòng laptop Lenovo trong nhiều năm qua. Và tương tự như các mẫu máy được phát hành trước đó, bàn phím của ThinkBook 15 mang lại cho chúng tôi một trải nghiệm nhập liệu thoải mái. Các nút của máy có hành trình sâu, đồng thời đem lại độ phản hồi xúc giác chắc tay. Các phím nút của máy có kích thước lớn và được đặt cách nhau một khoảng cách rộng rãi, giúp tôi kê tay một cách tự nhiên.
Nằm ở bên phải bộ bàn phím còn có một cụm phím số, mang lại nhiều tiện ích nếu bạn là người phải làm nhiều công việc tính toán. Bàn phím của ThinkBook 15 có một điểm trừ duy nhất đó là không có hệ thống đèn chiếu sáng bên dưới, khiến cho việc sử dụng máy ở những nơi có ít ánh sáng môi trường trở nên hơi bất tiện.
Bề mặt của chiếc touchpad được hoàn thiện với tông màu tương tự so với khu vực bàn phím. Chiếc touchpad của ThinkBook 15 có kích thước 2 chiều là 10.5 x 7.1 cm, đem lại một không gian sử dụng đủ lớn cho phần lớn người dùng. Bề mặt của touchpad được hoàn thiện phẳng mịn, cho phép tôi dễ dàng ri tay để thực hiện các thao tác điều khiển con trỏ chuột trên màn hình.
Lenovo ThinkBook 15: Màn hình
Phiên bản ThinkBook 15 mà chúng tôi sử dụng trong bài review được trang bị một chiếc màn hình IPS có kích thước đường chéo là 15 inch. Tấm nền có độ phân giải mặc định là 1920 x 1080 pixel, tương đương với mật độ điểm ảnh 141 ppi.
Ngoài phiên bản màn hình IPS này ra, máy còn có một phiên bản tấm nền màn hình TN. Phiên bản này tuy cũng có độ phân giải 1080p, nhưng lại có độ sáng và độ tương phản kém hơn so với tấm nền IPS của dòng máy mà chúng tôi review.
Trong bài kiểm tra của chúng tôi, mức độ sáng bình quân của ThinkBook 15 ghi nhận được là 239 nit, thấp hơn một chút so với mức 250 nit mà Lenovo công bố. Tuy nhiên, tấm nền này lại có độ tương phản khá ấn tượng, với chỉ số ghi nhận được là 980:1 qua bài kiểm tra của chúng tôi.
Màn hình của ThinkBook 15 có chỉ số sai lệch màu Delta-E hơi cao và có khả năng phủ màu không được ấn tượng cho lắm. Vậy nên nếu bạn đang cần tìm một chiếc laptop để sử dụng trong các công việc thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, hãy tìm chọn một dòng máy khác.
Lenovo ThinkBook 15: Hiệu năng
ThinkBook 15 mang lại mức hiệu năng đủ để xử lý tốt mọi khối lượng công việc hàng ngày, ít nhất là đối với phiên bản cấu hình của chúng tôi. Dù vậy, bạn cũng không nên trông chờ quá nhiều vào mức hiệu năng mà con chip Intel Core i5-10201U của máy.
Tuy 16GB RAM và ổ SSD NVMe dung lượng 512GB sẽ giúp ThinkBook 15 hoàn thành nhanh chóng phần lớn khối lượng công việc, khả năng tản nhiệt của máy lại cản trở phần nào mức hiệu năng của con chip Core i5-10210U, khiến chiếc laptop không thể vận hành ở mức tối ưu nhất.
ThinkBook 15 làm khá tốt ở các bài test hiệu năng giả lập của chúng tôi. Cụ thể, ở bài kiểm tra hiệu năng với PCMark 10, chiếc laptop Lenovo đạt điểm số là 4248, cao hơn so với ngưỡng trung bình của các dòng máy trong cùng phân khúc.
Lenovo trang bị loại ổ SSD Samsung PM981, dung lượng 512GB trong phiên bản cấu hình của chúng tôi. Ổ SSD của máy có tốc độ khá nhanh, và mang lại kết quả vượt trội ở các bài benchmark. Cụ thể, máy có tốc độ đọc và chép tuần tự lần lượt là 1789 và 1671 MB/s.
ThinkBook 15 sở hữu một khả năng tản nhiệt khá hiệu quả. Cụ thể, khi thực hiện các bài kiểm tra hiệu năng, máy có mức nhiệt cao nhất ghi nhận được là 43.9 độ C.
Thời lượng pin
ThinkBook 15 được trang bị quả pin 45Wh, tương tự với phần lớn các mẫu laptop được bán trong cùng phân khúc. Ở bài kiểm tra thời lượng pin bằng phương pháp lướt web qua mạng wifi của chúng tôi, ThinkBook 15 trụ được 6 giờ 46 phút trước khi tắt nguồn hoàn toàn.
ThinkBook 15 còn sở hữu một tốc độ sạc nhanh đến ngạc nhiên. Phiên bản máy review của chúng tôi có thể nạp lại 80% thời lượng pin chỉ sau 45 phút cắm sạc. Ngoài ra, mức hiệu năng của CPU không bị hãm lại khi bạn sử dụng máy mà không cắm dây sạc.
Tổng kết
Được bán trong phân khúc giá tầm trung, Lenovo ThinkBook 15 mang lại cho người dùng một mức hiệu năng tốc độ và một mức giá trị sử dụng cao so với tầm tiền. Máy sở hữu một thiết kế nhỏ gọn so với phân khúc máy 15 inch, đem lại tính di động cao cho những ai phải thường xuyên đem laptop theo người. Nếu bạn đang tìm một chiếc laptop làm việc đáng tin cậy, thì ThinkBook 15 sẽ là một lựa chọn rất đáng để xem qua.
Xem thêm: Đánh giá Lenovo ThinkBook 14s Yoga: Giá phải chăng, hiệu năng tốt
Điểm cộng
- Thiết kế hiện đại, chất lượng build tốt
- Ổ SSD tốc độ cao
- Bàn phím thoải mái
- Được trang bị nhiều cổng kết nối
- Có khả năng tản nhiệt tốt
- Hiệu năng tốt so với mức tiền bỏ ra
Điểm trừ
- Chất lượng màn hình hiển thị không được ấn tượng cho lắm
- Vỏ ngoài làm chủ yếu từ nhựa