Microsoft Surface Laptop Studio: Giải pháp chuyển đổi 2 trong 1 độc đáo

Microsoft Surface Laptop Studio

Microsoft Surface Laptop Studio là một mẫu laptop lai cao cấp, được trang bị 1 cơ chế chuyển đổi 2 trong 1 độc đáo. Khả năng sử dụng linh hoạt, kết hợp với mức hiệu năng tốc độ và mức thời lượng pin dài, khiến cho Surface Laptop Studio là một lựa chọn tuyệt vời với những ai đang làm những công việc thiết kế đồ họa. Cộng thêm một bộ bàn phím chất lượng cao, hệ thống loa ngoài mạnh mẽ và 1 chiếc webcam 1080p, Surface Laptop Studio có thể cạnh tranh ngang hàng với những mẫu laptop cao cấp nhất trên thị trường hiện nay.

Xem thêm: Đánh giá Microsoft Surface Laptop 4: Trải nghiệm Windows thuần túy nhất

Thông số kỹ thuật của Microsoft Surface Laptop Studio

  • CPU: Intel Core i7-11370H
  • GPU: Nvidia RTX 3050 Ti
  • RAM: 32GB
  • Bộ nhớ: 1TB SSD
  • Màn hình: 14.4-inch, 2400 x 1600-pixel (3:2) 120Hz
  • Kích thước: 12.7 x 9 x 0.75 inch
  • Khối lượng: 1.81 kg

Microsoft Surface Laptop Studio

Microsoft Surface Laptop Studio: Thiết kế

Điểm thiết kế độc đáo đầu tiên mà bạn nhận thấy khi nhìn qua chiếc Surface Laptop Studio chính là hệ thống bản lề màn hình. Thay thế cơ chế tháo rời màn hình của sê-ri máy Surface Book, Surface Laptop Studio được trang bị một hệ thống bản lề  có tên gọi là Dynamic Woven, cho phép người dùng kéo cạnh dưới của chiếc màn hình về phía trước. Thao tác này sẽ chuyển đổi chiếc máy giữa 3 chế độ sử dụng khác nhau là Laptop, Stage và Studio.

Ở chế độ Stage, cạnh dưới của màn hình sẽ được đặt nằm trên đường rãnh được chia cắt bởi bộ bàn phím và chiếc touchpad. Do bộ bàn phím bị che lại hoàn toàn phía sau màn hình, đây là chế độ tốt nhất khi bạn muốn xem video hoặc chơi game.

Kéo màn hình ra phía trước một đoạn nữa sẽ chuyển chiếc máy sang chế độ Studio, hay còn được gọi là chế độ máy tính bảng. Tuy nhiên, do sở hữu một kích thước có phần cồng kềnh, bạn sẽ luôn phải dùng đến 2 tay để cầm máy và sử dụng.

Surface Laptop Studio có kích thước 3 cạnh là 12.7 x 9 x 0.75 inch, và có khối lượng 1.81 kg. Máy có tính di động tốt hơn khi so sánh với Dell XPS 15 (13.6 x 9.1 x 0.7 inch, nặng 1.95 kg) và Lenovo ThinkPad X1 Extreme (14.1 x 10 x 0.7 inch, nặng 1.81 kg), nhưng lại lớn hơn so với HP Spectre x360 14 (11.8 x 8.7 x 0.7 inch, nặng 1.36 kg).

Surface Laptop Studio không phải là chiếc laptop đầu tiên trên thị trường áp dụng cơ chế chuyển đổi 2 trong 1 này. HP là hãng sản xuất áp dụng cơ chế này lần đầu tiên với mẫu laptop Spectre Folio, tiếp đến là Acer với chiếc ConceptD 7 Ezel.

Microsoft Surface Laptop Studio

Microsoft Surface Laptop Studio: Cổng kết nối

Tuy sở hữu một thân máy có kích thước tương đối dày, Surface Laptop Studio lại không được trang bị nhiều cổng kết nối.

Chí ít thì Microsoft cuối cùng cũng đã quyết định trang bị chuẩn mực kết nối Thunderbolt cho các mẫu laptop của hãng. Nằm ở bên trái của chiếc Surface Laptop Studio là 2 cổng Thunderbolt 4, có khả năng sạc pin tốc độ cao hoặc được sử dụng để kết nối với nhiều màn hình 4K cùng một lúc. Trong khi đó, nằm ở bên phải của chiếc Studio là 1 giắc cắm tai nghe 3.5 mm cùng với cổng Surface Connect dùng để sạc pin cho chiếc laptop.

Microsoft Surface Laptop Studio

Microsoft Surface Laptop Studio: Màn hình

Surface Laptop Studio được trang bị một chiếc màn hình 14.4 inch, với tính năng nổi trội là tần số quét 120Hz. Những loại màn hình tần số quét cao thường chỉ xuất hiện chủ yếu trên các mẫu laptop gaming. Điểm nâng cấp này sẽ giúp cho mọi hoạt ảnh trên màn hình được thể hiện một cách mượt mà hơn so với những tấm nền 60Hz truyền thống.

Surface Laptop Studio được cài sẵn hệ điều hành Windows 11, vốn hỗ trợ tính năng thay đổi tần số quét màn hình tự động. Tính năng này sẽ tự động chuyển đổi tần số quét của màn hình từ 60 đến 120Hz nhằm mang lại trải nghiệm sử dụng tốt nhất cho người dùng, đồng thời tiết kiệm mức năng lượng tiêu thụ nhiều nhất có thể.

Màn hình hiển thị của Surface Laptop Studio có chất lượng không thua kém gì so với những mẫu cạnh tranh cùng phân khúc. Dựa vào thiết bị đo lường của chúng tôi, màn hình của chiếc Studio có khả năng phủ tối đa 76% dải màu DCI-P3, tương đương so với những mẫu laptop như HP Spectre x360 14 (75%) và MacBook Pro (78%). Tuy nhiên, kết quả này lại thấp hơn so với mức trung bình phân khúc laptop cao cấp tại thời điểm hiện tại là 84%.

Màn hình của Surface Laptop Studio có một độ sáng vô cùng rực rỡ, với kết quả đo được là 487 nit. Kết quả độ sáng màn hình này ấn tượng hơn nhiều so với mức trung bình phân khúc (390 nit), trong đó bao gồm các mẫu laptop được so sánh ở bài viết này, cụ thể là XPS 15 (398 nit), ThinkPad X1 Extreme (426 nit), Spectre x360 14 (339 nit) và MacBook Pro (435 nit).

Microsoft Surface Laptop Studio

Microsoft Surface Laptop Studio: Bàn phím và touchpad

Tương tự như các mẫu laptop được phát hành trước đó, Surface Laptop Studio được trang bị một bộ bàn phím chất lượng cao, mang lại một trải nghiệm nhập liệu vô cùng thoải mái. Các nút của bộ bàn phím có độ nhạy tốt, mang lại độ phản hồi xúc giác chắc tay khi nhấn xuống. Kích thước của các nút nằm ở mức vừa tầm, và được sắp xếp với một bố cục tiêu chuẩn, cho phép tôi làm quen trong một khoảng thời gian ngắn.

Touchpad của máy có kích thước 2 chiều là 4.7 x 3.1 inch, được hoàn thiện bề mặt vô cùng phẳng mịn, giúp cho ngón tay của tôi dễ dàng lướt bên trên để thực hiện các thao tác điều hướng trên hệ điều hành Windows 11.

Microsoft Surface Laptop Studio

Microsoft Surface Laptop Studio: Hiệu năng

Chiếc Surface Laptop Studio mà chúng tôi sử dụng trong bài review được trang bị con chip Intel Core i7-11370H và 32GB RAM, mang lại một mức hiệu năng tổng thể tốc độ. Máy có khả năng xử lý đa nhiệm tuyệt vời, cho phép tôi tương tác một cách mượt mà với tổng cộng 30 tab Chrome cùng một lúc mà không gặp bất cứ tình trạng giật lag nào.

Sử dụng Geekbench 5 để chấm điểm chính xác mức hiệu năng của máy, chiếc Surface Laptop Studio đạt kết quả là 5820. Điểm số hiệu năng xử lý đa nhân này cao hơn khi so sánh với Spectre x360 14 (4902 điểm, chip Core i7-1165G7) và cả mức trung bình phân khúc laptop cao cấp (4690 điểm), nhưng lại kém hơn nhiều so với  XPS 15 (7477 điểm, chip Core i7-11800H) và ThinkPad X1 Extreme (7244 điểm, chip Core i7-11800H).

Surface Laptop Studio cần 11 phút 24 giây để chuyển đổi thành công 1 video 4K sang độ phân giải 1080p thông qua ứng dụng HandBrake. Kết quả này đem lại cho chiếc laptop Microsoft vị trí áp chót trong nhóm máy được kiểm tra, với Spectre x360 14 (18 phút 5 giây) đứng ở vị trí cuối cùng.

Phiên bản máy mà chúng tôi sử dụng trong bài review được trang bị ổ SSD có dung lượng 1TB, có khả năng copy 1 tệp tin nặng 25GB với tốc độ ghi chép dữ liệu là 1051 Mbps. Tốc độ bộ nhớ trong của máy nhanh hơn khi so sánh với  XPS 15 (825.6 MBps) và Spectre x360 14 (533 MBps).

Microsoft Surface Laptop Studio: Khả năng xử lý đồ họa

Phiên bản máy review của chúng tôi được trang bị card đồ họa Nvidia GeForce RTX 3050 Ti với 4GB VRAM, có khả năng chơi mượt nhiều tựa game khác nhau trên thị trường với ở mức cài đặt đồ họa vừa tầm.

Kiểm tra khả năng xử lý đồ họa của chiếc laptop với tựa game Sid Meier’s Civilization VI: Gathering Storm, chiếc laptop Surface đạt mức khung hình bình quân là 66 fps khi chơi ở độ phân giải 1080p.

Sử dụng bài kiểm tra giả lập 3DMark để chấm điểm, Surface Laptop Studio đạt kết quả ấn tượng là 10356 điểm. Kết quả này cao hơn nhiều khi so sánh với mức trung bình phân khúc (5965 điểm), trong đó bao gồm XPS 15 (8433 điểm) và Spectre x360 14 (4089 điểm).

Microsoft Surface Laptop Studio: Thời lượng pin

Tuy không bằng với con số mà Microsoft quảng cáo, Surface Laptop Studio vẫn là một chiếc laptop có thời lượng pin dài. Trong bài kiểm tra của chúng tôi, chiếc laptop trụ được 10 giờ 42 phút sau khi lướt web liên tục bằng mạng wifi, với độ sáng màn hình đặt ở mức 150 nit.

Bên trên là kết quả kiểm tra trong trường hợp tần số quét màn hình của máy được chỉnh ở mức cao nhất là 120Hz. Thực hiện lại bài kiểm tra với chế độ màn hình 60Hz, chiếc laptop trụ được một khoảng thời gian dài hơn là 12 giờ 3 phút.

Khả năng tản nhiệt

Thiết kế chân đế độc đáo của Surface Laptop Studio mang lại cho máy khả năng tản nhiệt tương đối hiệu quả trong bài kiểm tra của chúng tôi. Sau khi để máy chạy 1 video 1080p trong vòng 15 phút, khu vực nóng nhất của máy chỉ có mức nhiệt là 30 độ C, nằm an toàn trong ngưỡng nhiệt hoạt động lý tưởng của chúng tôi là 35 độ C.

Tổng kết

Microsoft Surface Laptop Studio là một chiếc laptop 2 trong 1 cao cấp bậc nhất trên thị trường hiện nay. Sở hữu một thiết kế thông minh, Surface Laptop Studio cho phép người dùng sử dụng máy một cách linh hoạt nhờ khả năng chuyển đổi nhanh chóng và tiện lợi giữa các chế độ khác nhau. Máy còn sở hữu một mức hiệu năng tốc độ và một mức thời lượng pin dài, cho phép bạn nhanh chóng hoàn thành mọi khối lượng công việc hàng ngày. Surface Laptop Studio là một lựa chọn tốt nếu bạn đang tìm mua một chiếc laptop lai đỉnh cao phân khúc.

Xem thêm: Đánh giá Microsoft Surface Pro 7+: Hiệu năng ấn tượng

Điểm cộng

  • Thiết kế bản lề màn hình thông minh
  • Màn hình 14.4 inch rực rỡ với tần số quét 120Hz
  • Thời lượng pin dài
  • Chất lượng loa ngoài ấn tượng
  • Bàn phím và touchpad mang lại trải nghiệm sử dụng thoải mái

Điểm trừ

  • Thân máy có phần hơi dày
  • Hạn chế về số lượng cổng kết nối
  • Giá thành cao
  • Bút cảm ứng không đi kèm
Chia sẻ
Biên tập viên cấp cao của Thietbiketnoi. Đã 26 mùa xuân xanh nhưng anh ấy bị ám ảnh bởi các thiết bị chạy bằng hạt Electron bên trong. Tham gia vào đội ngũ biên tập từ những ngày đầu và nhất quyết không viết về các sản phẩm chất lượng kém. Anh ấy vẫn độc thân!