Intel lần đầu tiên giới thiệu về chuẩn mực kết nối Thunderbolt 4 tại hội chợ công nghệ CES 2020, và tại thời điểm hiện tại, thế hệ kết nối tiên tiến này đang được áp dụng ngày một phổ biến trên các thế hệ laptop và thiết bị công nghệ mới nhất. Những cổng kết nối Type-C được áp dụng công nghệ Thunderbolt 4 không những mang lại tốc độ trao đổi dữ liệu nhanh, mà còn có thể được sử dụng để kết nối với màn hình ngoài hoặc sạc pin cho các thiết bị khác.
Với những ai đang sử dụng những mẫu máy Mac mới phát hành trong khoảng thời gian gần đây, hay nhưng dòng laptop Windows thuộc phân khúc cao, thì chắc hẳn bạn đã từng nghe qua Thunderbolt 4.
Sự ra mắt của chuẩn mực kết nối mới đồng thời đi kèm những câu hỏi thường gặp từ phía người tiêu dùng, trong đó bao gồm: Công nghệ Thunderbolt 4 có những điểm gì mới? Chuẩn mực này có những ưu điểm gì so với phiên bản Thunderbolt 3? Liệu tôi có phải thay thế toàn bộ các thiết bị máy tính của mình với những thiết bị tương thích với chuẩn mực Thunderbolt 4 này?
Tin mừng là chuẩn mực Thunderbolt 4 đã được thiết kế đặc biệt nhằm giúp việc kết nối giữa các thiết bị trở nên dễ dàng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không phải nâng cấp toàn bộ thiết bị làm việc của máy để sử dụng chuẩn mực này. Bài viết hôm nay sẽ tổng hợp mọi thông tin mà bạn cần biết về chuẩn mực kết nối Thunderbolt 4, đồng thời giải đáp mọi thắc mắc của bạn xoay quanh loại chuẩn mực thế hệ mới này.
Thunderbolt 4 là gì?
Thunderbolt 4 là chuẩn mực kết nối tốc độ cao do Intel phát triển. Thông qua các cổng USB Type-C được hỗ trợ chuẩn mực này, người dùng có thể truyền tải dữ liệu tốc độ cao, xuất hình tín hiệu hình ảnh sang một chiếc màn hình ngoài và sạc pin cho thiết bị. Tất cả những công việc trên đều có thể được thực hiện thông qua một cổng USB duy nhất.
Thunderbolt 4 có khả năng tương thích với nhiều định dạng kết nối khác nhau, bao gồm DisplayPort, PCIe và USB 4. Chưa hết, những cổng này còn có khả năng tương thích ngược với những phiên bản Thunderbolt thế hệ trước đó.
Về mảng tốc độ, một cổng USB Type-C được hỗ trợ chuẩn mực Thunderbolt 4 có mức băng thông 2 chiều là 40 GB/s. Để so sánh, phiên bản Thunderbolt 3 cũng có tốc độ tương tự và cũng có khả năng kết nối nối tiếp với 5 thiết bị Thunderbolt cùng một lúc. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ cổng Thunderbolt 4 có tốc độ truyền đổi dữ liệu PCIe là 32 GB/s (cao hơn so với mức 16GB/s của Thunderbolt 3).
Để lấy ví dụ, những ai có nhu cầu kết nối với một chiếc màn hình ngoài có độ phân giải 4K ở mức khung hình 60Hz sẽ cần chọn cho mình một chiếc laptop tương thích với chuẩn mực kết nối Thunderbolt 4.
Ngoài ra, khi bạn sử dụng cổng Thunderbolt 4 để kết nối với một loại thiết bị ngoại vi nào đó, chiếc laptop của bạn sẽ tự động thoát khỏi chế độ ngủ đông và mở màn hình. Đây tuy không phải là điểm cộng mang tính đột phá, nhưng sẽ giúp trải nghiệm sử dụng hàng ngày của người dùng trở nên thoải mái và hiệu quả hơn.
Và cuối cùng, thông qua cổng Thunderbolt 4, bạn có thể sạc pin cho nhiều loại thiết bị khác nhau. Những thiết bị này bao gồm điện thoại thông minh và các dòng laptop mỏng nhẹ với công suất tiêu thụ điện nhỏ hơn 100W.
Thunderbolt 4 có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công mạng
Intel nhấn mạnh vào tính năng bảo mật với sự ra mắt của chuẩn mực kết nối Thunderbolt 4, đây có thể là một khái niệm lạ đối với phần đông người dùng máy tính. Tại thời điểm hiện tại, các cuộc tấn công mạng thường có liên quan đến các phần mềm mã độc được phát tán trên mạng internet. Tuy nhiên, vào năm 2020, Microsoft đã quyết định không trang bị cho các mẫu laptop Surface của mình chuẩn mực kết nối Thunderbolt 3. Quyết định này là do đây là loại kết nối có khả năng truy cập bộ nhớ trực tiếp, và có thể sẽ trao quyền truy cập cho toàn bộ hệ thống cho hacker nếu bị tấn công.
Phiên bản kết nối Thunderbolt 4 đã khắc phục lỗ hổng bảo mật này thông qua khả năng ngăn chặn các loại thiết bị ngoại vi PCIe (bao gồm thẻ nhớ ngoài, card đồ họa rời, vân vân) khả năng truy cập trái phép các dữ liệu của hệ thống.
Thunderbolt 4 và PCIe
Thunderbolt 4 có khả năng tương thích tốt với những loại thiết bị ngoài sử dụng kết nối PCIe. Những ai sử dụng máy tính được hỗ trợ chuẩn mực kết nối Thunderbolt 4 có thể chạy game trực tiếp thông qua một ổ SSD NVMe rời, do những cổng này sử dụng kết nối PCIe. Điều này nghĩa là bạn có thể lưu trữ game trong một ổ SSD rời và chơi trực tiếp tại đó, thay vì phải truyền đổi dữ liệu về phía hệ thống.
Ngoài ra, những thiết bị quay video ngoài giờ đây đã có thể được kết nối để quay video với độ phân giải 4K với mức khung hình 60 fps, hoặc ở độ phân giải 1080p với mức khung hình 240 fps. Đây là một tin tốt với những streamer. Chưa hết, thông qua Thunderbolt 4, bạn cũng có thể kết nối trực tiếp với những loại card đồ họa rời.
Thunderbolt 4 được áp dụng cho các loại thiết bị nào?
Tại thời điểm hiện tại, tuy đã được hoàn thiện về mặt công nghệ, việc áp dụng chuẩn mực kết nối Thunderbolt 4 cho các loại thiết bị máy tính vẫn chỉ nằm ở giai đoạn đầu. Chưa hết, trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều người không có màn hình hay các loại thiết bị ngoại vi với khả năng kết nối qua Thunderbolt 4, Thunderbolt 3 hay thậm chí là cổng USB Type-C thông thường.
Dù vậy, những dòng laptop mới ra mắt như Dell XPS 13, Lenovo Legion 5 Pro, HP ZBook Firefly 14 G8, Asus ROG Zephyrus M16 (cùng với nhiều mẫu laptop sử dụng chip Intel thế hệ 11 khác) đã chứng tỏ rằng chuẩn mực Thunderbolt 4 sẽ đem lại nhiều tiện ích khác nhau cho người tiêu dùng.
Một tin tốt khác đó là trên thị trường hiện nay đã xuất hiện những mẫu dock kết nối được hỗ trợ chuẩn loại chuẩn mực này. Tuy nhiên, còn 1 tin tốt hơn đó là bạn không nhất thiết phải sở hữu các loại thiết bị cụ thể để sử dụng loại kết nối này, do các loại cổng được hỗ trợ chuẩn mực Thunderbolt 4 sẽ có khả năng tương thích với các loại cổng Thunderbolt 3 cũng như các loại cổng USB Type-C thông thường.
Tổng kết
Chuẩn mực kết nối thế hệ mới Thunderbolt 4 đã được công bố, nhưng sẽ phải mất đôi chút thời gian để được áp dụng đại trà trên thị trường máy tính. Các hãng sản xuất nổi tiếng trên thị trường đã bắt đầu trang bị loại cổng này cho các dòng máy cao cấp của mình, mang lại những lợi thế về mặt tốc độ trao đổi dữ liệu, cũng như khả năng tương thích với nhiều loại thiết bị ngoại vi khác nhau.
Tại thời điểm hiện tại, phần đồng người dùng trên thị trường vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các loại thiết bị USB Type-C và Thunderbolt 3 cho đến khi loại chuẩn mực thế hệ mới này trở nên phổ biến hơn.