Asus ROG Strix G15 Advantage Edition là một mẫu laptop gaming sở hữu những linh kiện chính được sản xuất bởi AMD. Máy có một mức hiệu năng mạnh mẽ, thời lượng pin dài và có nhiều tính năng hữu ích. Liệu chiếc laptop gaming AMD này có thể cạnh tranh được với những dòng laptop Intel truyền thống? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này.
Thông số kỹ thuật của Asus ROG Strix G15 Advantage Edition
- CPU: AMD Ryzen 9 5900HX
- GPU: AMD Radeon RX 6800M
- RAM: 16GB
- Bộ nhớ: 512GB M.2 PCIe SSD
- Màn hình: 15.6-inch, FHD
- Kích thước: 14.1 x 10.8 x 1 inch
- Khối lượng: 2.45 kg
Thiết kế Asus ROG Strix G15 Advantage Edition
Khi nhìn lướt qua chiếc Strix G15, tôi cứ nghĩ đây chỉ là một dòng máy copy nhiều yếu tố thiết kế từ sê-ri Zephyrus. Nhưng khi nhìn rõ hơn, những điểm thẩm mỹ độc đáo của chiếc laptop bắt đầu hé lộ. Nắp máy được làm từ hợp kim nhôm, được hoàn thiện với màu đen kim loại với logo ROG phát sáng đặt trên góc trái.
Mở chiếc laptop để lộ một chiếc bàn phím kích thước full-size ở bên trong, bọc xung quanh bởi một thân máy bằng nhựa. Các phím được chiếu sáng rực rỡ bởi hệ thống đèn chiếu bên dưới. Nút nguồn hình lục giác của máy được đặt trên góc phải, nằm bên trên dãy nút chức năng.
Với khối lượng 2.45 kg, và kích thước 3 cạnh là 14.1 x 10.8 x 1 inch, Strix G15 có kích thước tổng thể khá cồng kềnh khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc. Về mặt khối lượng, máy nặng tương đương so với Alienware m15 R4 (14.2 x 10.9 x 0.7~0.8 inch). Tuy nhiên 2 dòng máy là MSI GS66 Stealth (14.2 x 9.7 x 0.7 inch) và Razer Blade 15 Advanced Edition (14 x 9.7 x 0.7 inch) lại có khối lượng nhẹ hơn nhiều, đo được lần lượt là 2.08 kg và 2 kg.
Cổng kết nối Asus ROG Strix G15 Advantage Edition
Asus ROG Strix G15 được trang bị đủ các loại cổng kết nối mà bạn cần. Máy sở hữu 1 cặp cổng USB 3.2 Gen 1 Type-A và giắc cắm tai nghe ở bên trái thân máy. Những cổng kết nối còn lại của máy được tập trung ở phía sau thân máy, bao gồm 1 cổng USB 3.2 Gen 1 Type-A, 1 cổng 3.2 Gen 2 Type-C, cổng xuất HDMI 2.0, cổng RJ-45 và cổng nguồn.
Màn hình Asus ROG Strix G15 Advantage Edition
Màn hình của Strix G15 có kích thước 15.6 inch, độ phân giải 1920 x 1080 pixel, sở hữu tần số quét cao và chi tiết thể hiện sắc nét, tuy nhiên lại có độ sáng và màu sắc hiển thị không được sống động cho lắm.
Tấm nền của máy có tần số quét lên đến 300Hz, kết hợp với công nghệ FreeSync của AMD đem lại trải nghiệm chơi game mượt mà hơn bao giờ hết. Công nghệ này còn loại bỏ tình trạng rách khung hình khi bạn chơi game ở mức khung hình cao.
Về mảng màu sắc, màn hình của Strix G15 chỉ phủ được 76.6% dải DCI-P3, thấp hơn so với mức trung bình 88.7% của dòng laptop gaming cao cấp. Màn hình của cả hai chiếc laptop gaming của Alienware và Razer sống động hơn nhiều với kết quả độ phủ màu màn hình đo được lần lượt là 149.1% và 88.1%. Chiếc laptop MSI có độ phủ màu màn hình thấp nhất trong bài viết này, với kết quả đo được là 68.9%.
Màn hình của chiếc G15 cũng không có độ sáng ấn tượng cho lắm, với kết quả bình quân đo được là 280 nit, thấp hơn so với mức trung bình phân khúc là 334 nit. Màn hình của Stealth có độ sáng đo được là 271 nit, trong khi độ sáng màn hình của chiếc Blade 15 còn đáng thất vọng hơn là 243 nit. Alienware m15 là chiếc laptop có độ sáng màn hình rực rỡ nhất, với kết quả đo được là 363 nit.
Bàn phím và touchpad
Bàn phím của chiếc Strix G15 sở hữu các nút có độ nảy tốt và có hành trình sâu, đem lại trải nghiệm sử dụng tốt dù bạn chơi game hay làm việc.
Tương tự như các dòng máy thuộc gia đình Strix khác, các nút WASD của G15 được hoàn thiện với màu sắc khác, khiến cho các nút này trở nên nổi bật so với các nút còn lại trên bàn phím. Trong trường hợp của chiếc Strix G15, các nút này được làm trong suốt, giúp cho màu sắc từ đèn chiếu RGB bên dưới trở nên rực rỡ hơn.
Touchpad của máy có kích thước 5.1 x 3.1 inch. Bề mặt của chiếc touchpad được làm từ kính, hoàn thiện phẳng mịn, cho phép ngón tay tôi dễ dàng lướt bên trên bề mặt một cách dễ dàng. Touchpad có độ phản hồi xúc giác nhanh chóng và chính xác, giúp trải nghiệm điều hướng trở nên vô cùng thoải mái và đáng tin cậy.
Khả năng xử lý đồ họa
Asus ROG Strix G15 Advantage Edition là một trong những chiếc laptop gaming hiếm hoi trên thị trường được trang bị card đồ họa rời của AMD. Phiên bản cấu hình máy chúng tôi được trang bị card Radeon RX 6800M với 12GB VRAM, mang lại mức hiệu năng không thua kém gì so với những dòng card Nvidia sê-ri 3000 cao cấp.
Bắt đầu bài kiểm tra khả năng xử lý đồ họa của chiếc laptop với tựa game Shadow of the Tomb Raider. Chiếc laptop Asus đạt mức khung hình bình quân là 88 fps, bằng với kết quả của Blade 15 (card RTX 3080) và vượt qua mức trung bình 80 fps của dòng máy cùng phân khúc. Chiếc Stealth (RTX 3080) theo sát nút phía sau với kết quả 87 fps. Alienware m15 (RTX 3070) là chiếc laptop đạt mức khung hình thấp nhất ở bài viết này, với kết quả đo được là 77 fps.
Tiếp tục với tựa game Assassin’s Creed Odyssey, chiếc Strix G15 đã gặp một vài trở ngại, chỉ đạt được mức khung hình khiêm tốn là 49 fps. Kết quả này thấp hơn so với mức trung bình 64 fps của dòng máy cùng phân khúc.
Strix G15 đạt mức khung hình 98 fps trong game Grand Theft Auto V, vừa đủ để vượt qua mức trung bình 95 fps của dòng máy cùng phân khúc, trong đó bao gồm cả chiếc Stealth (97 fps).
Trong tựa game Metro: Exodus (cấu hình Ultra), chiếc Strix G15 đạt mức khung hình 71 fps, tương tự so với kết quả của chiếc Stealth. Kết quả này vừa đủ để vượt qua mức khung hình 68 fps của dòng máy cùng phân khúc.
Hiệu năng
Được trang bị con chip AMD Ryzen 9 5900HX với 16GB RAM và ổ SSD M.2 PCIe dung lượng 512GB, chiếc Strix G15 có thể xử lý tốt mọi tác vụ mà tôi cần. Chiếc laptop có thể chạy liền một lúc 45 tab Chrome, trong khi tựa game Assassin’s Creed Odyssey đang được chạy ngầm mà không gặp bất cứ tình trạng quá tải nào.
Chiếc laptop làm tốt ở bài kiểm tra hiệu năng tổng thể với Geekbench. Máy đạt điểm số 7289, cao hơn so với mức trung bình của các dòng máy cùng phân khúc. Chiếc Razer Blade 15 cùng với con chip Core i7-10875H của máy chỉ đạt số điểm là 6530.
Chiếc Strix G15 cũng làm tốt trong bài kiểm tra khả năng chuyển đổi video với ứng dụng HandBrake. Máy mất 6 phút 45 giây để hoàn thành việc chuyển đổi 1 video 4K sang độ phân giải 1080p. Thời gian này nhanh hơn so với mức trung bình 7 phút 50 giây của dòng máy cùng phân khúc.
Đáng tiếc là ổ SSD của Strix G15 lại không có kết quả tốt cho lắm trong bài kiểm tra tốc độ ghi chép dữ liệu. Ổ SSD của máy có tốc độ trung bình là 340.8 MBps khi copy 1 tệp tin nặng 25GB. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 895.3 MBps của dòng máy cùng phân khúc.
Thời lượng pin
Một trong những những thế mạnh của việc sử dụng chip AMD so với chip Intel nằm ở mảng thời lượng pin. Chiếc laptop trụ được 10 giờ 14 phút trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi, cụ thể là sau khi lướt web liên tục bằng wifi, với độ sáng màn hình 150 nit. Máy có thời lượng pin vượt trội so với mức trung bình phân khúc (4 giờ 14 phút).
Khả năng tản nhiệt
Strix G15 có khả năng tản nhiệt khá hiệu quả dù sở hữu một mức hiệu năng cao và có thân máy mỏng. Asus trang bị cho máy hệ thống tản nhiệt ROG Intelligent Cooling. Chiếc laptop được trang bị thêm một buồng hơi nước mới, có chức năng phân tán nhiệt qua một diện tích bề mặt rộng hơn.
Trong bài kiểm tra nhiệt độ, cụ thể là sau khi chơi game trong vòng 15 phút, touchpad của máy có nhiệt độ đo được là 27 độ C. Trung tâm bàn phím và gầm máy có mức nhiệt cao hơn một chút, lần lượt là 40 và 42 độ C.
Phần mềm
Asus ROG Strix G15 có không nhiều bloatware, trừ những ứng dụng thường gặp của Windows 10. Những công cụ tiện ích của máy được Asus gọi gọn vào trong duy nhất một ứng dụng có tên gọi Armoury Crate.
Tổng kết
Asus ROG Strix G15 là một chiếc laptop gaming đỉnh cao phân khúc. Máy sở hữu mức hiệu năng mạnh mẽ nhờ con chip AMD Ryzen 5000. Ngoài mức hiệu năng này ra, chiếc laptop còn có thời lượng pin dài, màn hình tần số quét cao, thiết kế bắt mắt. Nếu bạn đang tìm mua một chiếc laptop gaming cao cấp, thì hãy cân nhắc lựa chọn chiếc Asus ROG Strix G15 Advantage Edition.
Điểm cộng
- Hiệu năng tổng thể mạnh mẽ
- Thiết kế bắt mắt
- Bàn phím thoải mái
- Thời lượng pin tuyệt vời
Điểm trừ
- Chất lượng màn hình không quá ấn tượng
- Ổ SSD tốc độ chậm so với phân khúc
- Chất lượng âm thanh tầm trung