Lenovo ThinkPad X13 là một chiếc laptop văn phòng có thiết kế thực dụng cùng với nhiều tính năng hữu ích. Tương tự như các dòng máy trong gia đình ThinkPad, X13 sở hữu một bộ bàn phím chất lượng cao. Lenovo ThinkPad X13 mang đến cho người dùng một không gian làm việc hiệu quả với đầy đủ các loại cổng kết nối.
Điểm khiến chiếc Lenovo ThinkPad X13 trở nên khác biệt so với những dòng máy khác chính là con chip AMD. Chip Ryzen Pro 4000 mạnh mẽ mang lại cho chiếc ThinkPad X13 lợi thế về mặt hiệu suất xử lý so với các dòng máy cạnh tranh cùng phân khúc, bao gồm cả những sản phẩm có mức giá cao hơn.
Thông số kỹ thuật của Lenovo ThinkPad X13
- CPU: AMD Ryzen 5 Pro 4650U
- GPU: AMD Radeon
- RAM: 8GB
- Bộ nhớ: 256GB SSD
- Màn hình: 13.3-inch, 1080p
- Kích thước: 12.3 x 8.6 x 0.7 inch
- Khối lượng: 1.27 kg
Thiết kế Lenovo ThinkPad X13
Thay vì nắm lấy cơ hội sử dụng một thiết kế mới cho dòng máy chip AMD đầu tiên của hãng, Lenovo vẫn trung thành với ngôn ngữ thẩm mỹ truyền thống của ThinkPad. Chiếc X13 có vẻ ngoài mang nhiều điểm tương đồng so với phiên bản tiền nhiệm, với khác biệt duy nhất chính là nắp máy được củng cố với sợi carbon trong khi bề mặt thân máy được làm từ hợp kim ma-giê.
Chiếc laptop văn phòng có chất lượng build chắc chắn và sở hữu mọi điểm thiết kế đặc trưng của một chiếc ThinkPad, bao gồm núm rê chuột màu đỏ, nút click chuột trên touchpad và chữ “i” phát sáng trong nhãn hiệu ThinkPad trên nắp máy. Cộng thêm bảo mật vân tay, bản lề 180 độ và tính năng đóng ống kính vật lý, bạn sẽ có được một chiếc laptop có độ thực dụng cao.
Thiết kế của Lenovo ThinkPad X13 có một điểm hạn chế, đó là ở kích thước của viền màn hình. Màn hình của máy được bọc trong một viền bezel có kích thước khá dày so với tiêu chuẩn laptop hiện nay, khiến cho chiếc laptop có kích thước thân máy lớn hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Về mặt kích thước, với số đo 3 cạnh là 12.3 x 8.6 x 0.7 inch và có khối lượng là 1.27 kg, ThinkPad X13 dày và nặng hơn so với Asus ExpertBook B9450 (dày 0.6 inch, nặng 1kg) và Apple MacBook Air (dày 0.6 inch, nặng 1.27 kg).
Bảo mật và độ bền Lenovo ThinkPad X13
Bất kể loại vật liệu mà hãng sử dụng để chế tạo vỏ máy, nếu là một chiếc ThinkPad, thì máy sẽ có tiêu chuẩn độ bên quân đội. Với ThinkPad X13, máy đã trải qua 12 bài kiểm tra MIL-STD-810G với nhiều điều kiện khắc nghiệt khác nhau, bao gồm nhiệt độ thấp, độ ẩm cao.
Đảm nhận vai trò bảo vệ các dữ liệu quan trọng bên trong là chiếc bảo mật vân tay một chạm và camera IR. ThinkPad X13 còn sở hữu tính năng đóng ống kính vật lý ThinkShutter.
Cổng kết nối Lenovo ThinkPad X13
ThinkPad X13 được trang bị đầy đủ các loại cổng kết nối trên thân máy, mang lại cho người dùng một môi trường làm việc tiện nghi và hiệu quả.
Bên phải thân máy được trang bị 1 cổng USB 3.2 Type-A và khe lắp khóa chống trộm Kensington. Chuyển qua cạnh trái, bạn sẽ thấy 2 cổng USB Type-C, cổng Ethernet, cổng USB 3.2 Type-A thứ 2, cổng HDMI và giắc cắm tai nghe/microphone.
Màn hình
Chiếc màn hình 13.3 inch, độ phân giải 1080p của phiên bản máy review của chúng tôi có chất lượng hình ảnh sắc nét, mang lại trải nghiệm sử dụng tốt.
Trong bài kiểm tra khả năng thể hiện màu sắc, màn hình của ThinkPad X13 phủ được 72% dải màu DCI-P3. Đây là một kết quả không tồi, nhưng lại không xuất sắc bằng tấm nền của MacBook Air (81%), ExpertBook B9450 (82%) và Latitude 7310 (76%). Các dòng máy được kể tên bên trên đều có độ phủ màu màn hình thấp hơn so với mức trung bình của dòng máy cùng phân khúc (82%).
Màn hình của ThinkPad X13 có độ sáng không được ấn tượng cho lắm, với kết quả tối đa chỉ đạt 278 nit. Màn hình của Latitude 7310 có độ sáng tương tự là 276 nit, trong khi ExpertBook B9450 (302 nit), MacBook Air (386 nit) và mức trung bình phân khúc (381 nit) đều có chỉ độ sáng màn hình vượt ngưỡng 300 nit.
Bàn phím và touchpad
Tương tự như các dòng laptop thuộc gia đình ThinkPad, X13 sở hữu một chiếc bàn phím vô cùng thoải mái. Các nút của bộ bàn phím nảy lên với độ phản hồi xúc giác chắc tay, cho phép ngón tay tôi lướt từ con chữ này qua con chữ khác một cách dễ dàng. Các nút của máy có hành trình sâu đến khó tin đối với một chiếc laptop có thân máy mỏng.
Điều duy nhất mà tôi không hài lòng lắm với bộ bàn phím của chiếc X13 chính là bố cục của các nút. Để có được một thân máy nhỏ hơn, Lenovo đã thu gọn kích thước của các nút mũi tên, cũng như nút Alt ở kế bên, nút PrtSc và nut Ctrl. Điều này khiến cho tôi phải mất chút thời gian để làm quen với chiếc bàn phím mới.
Tương tự như bộ bàn phím, touchpad của máy cũng có diện tích bề mặt không được lớn cho lắm, với số đo 2 cạnh là 4 x 2.5 inch. Điều này khiến cho các thao tác điều hướng con trỏ chuột không được quá tự nhiên và thoải mái do tôi liên tục vuốt ra khỏi bề mặt của touchpad trông quá trình sử dụng.
Hiệu năng
AMD đã tạo nên tiêu chuẩn mức hiệu năng mới của dòng laptop văn phòng với dòng chip Ryzen 4000. Con chip Ryzen 5 Pro 4650U cùng với 8GB RAM của ThinkPad X13 là minh chứng điển hình cho điều đó. Phiên bản Pro của dòng chip được thiết kế đặc biệt dành cho các dòng laptop doanh nghiệp.
ThinkPad X13 là một chiếc laptop có hiệu năng tốc độ. Máy có khả năng vận hành mượt mà ngay cả khi tôi mở liền một mạch 25 tab Chrome. Chiếc laptop vẫn giữ được mức hiệu năng tốc độ khi tôi mở thêm 4 tab video 1080p trên Youtube và 2 tab stream trên Twitch.
ThinkPad X13 thể hiện mức hiệu năng vượt trội ở bài chấm điểm hiệu suất xử lý tổng thể Geekbench 5. Máy đạt kết quả ấn tượng là 4934, vượt qua mức trung bình của dòng máy cao cấp là 4061 điểm. Kết quả này đồng thời đánh bại các dòng máy được so sánh trong bài viết này, cụ thể là ExpertBook B9450 (2831 điểm) và Dell Latitude 7310 (3463 điểm).
ThinkPad X13 tiếp tục thể hiện hiệu suất xử lý ấn tượng ở bài kiểm tra HandBrake. Máy chỉ mất 10 phút 44 giây để hoàn thành việc chuyển đổi 1 video 4K sang độ phân giải 1080p. Các đối thủ cạnh tranh của máy có thời gian hoàn thành chậm hơn nhiều, với Latitude 7310 đứng ở vị trí thứ 2 với thời gian 19 phút 38 giây; trong khi ExpertBook B9450 phải chật vật với thời gian hoàn thành là 28 phút 23 giây.
Ổ SSD dung lượng 256GB của mẫu máy mà chúng tôi review cũng không làm thất vọng ở bài kiểm tra tốc độ ghi chép dữ liệu. Chiếc laptop copy 1 tệp tin nặng 5GB chỉ trong vòng 7 giây, tương ứng với tốc độ 745.2 MBps. Kết quả này tương đồng so với ExpertBook B9450 (771.1 MBps) và Latitude 9310 (877 MBps).
Thời lượng pin
Thời lượng pin của ThinkPad X13 hơi đáng thất vọng đôi chút, với kết quả 7 giờ 52 phút trong bài kiểm tra của chúng tôi. Máy có thời lượng pin thấp hơn so với mức trung bình 10 giờ của dòng máy cao cấp.
Thời lượng pin của X13 cũng ngắn hơn so với các dòng máy được so sánh trong bài review này, bao gồm Dell Latitude 7310 (12 giờ 17 phút) và Asus ExpertBook B9450 (16 giờ 41 phút).
Nhiệt độ
ThinkPad X13 có mức nhiệt tỏa ra hơi ấm tay trong quá trình sử dụng lâu dài. Khu vực gầm máy có mức nhiệt đo được là 37 độ C sau khi chúng tôi để máy chạy 1 video 1080p trong vòng 15 phút. Tin mừng là khu vực mà tay bạn trực tiếp chạm vào trong quá trình sử dụng có mức nhiệt tốt hơn nhiều, cụ thể là trung tâm bàn phím và touchpad có mức nhiệt lần lượt là 31 và 24 độ C.
Phần mềm
Mọi công cụ tiện ích của hãng đều được gói gọn trong duy nhất một ứng dụng, có tên gọi là Vantage. Phần mềm cho phép người dùng tìm kiếm nhanh chóng các phiên bản cập nhật BIOS mới nhất, thay đổi cài đặt hiệu năng và mức độ tiêu thụ pin của các ứng dụng khác nhau.
Tổng kết
Thật lòng mà nói, ấn tượng đầu tiên của tôi về chiếc ThinkPad X13 không được tốt đẹp cho lắm. Máy có viền màn hình dày, có tính di động kém hơn so với các dòng máy 13 inch cạnh tranh.
Tuy nhiên, ấn tượng của tôi đã thay đổi một cách tích cực sau thời gian trải nghiệm chiếc laptop. Tương tự như các dòng laptop sử dụng chip AMD Ryzen 4000 khác, ThinkPad X13 sở hữu một mức hiệu năng vượt trội ở một mức giá phải chăng khi so sánh với các dòng laptop chạy chip Intel thế hệ 10 khác.
Ngoài mức hiệu năng vượt trội ra, ThinkPad X13 còn sở hữu các điểm mạnh thường có của một chiếc ThinkPad, bao gồm bàn phím thoải mái, độ bền tiêu chuẩn quân đội, tính năng đóng ống kính vật lý, bảo mật vân tay. Lenovo ThinkPad X13 là một lựa chọn laptop làm việc tuyệt vời, và rất đáng để cân nhắc.
Điểm cộng
- Hiệu năng tổng thể mạnh mẽ
- Vỏ máy độ bền cao
- Bàn phím đẳng cấp
- Nhiều cổng kết nối
- Giá thành cạnh tranh
Điểm trừ
- Thời lượng pin ở mức trung bình
- Viền màn hình dày