Samsung Galaxy A51 là một chiếc điện thoại tầm trung có giá trị sử dụng cao. Máy sở hữu một màn hình OLED kích thước 6.5 inch sắc nét, tổ hợp camera sau với 4 ống kính, một quả pin lớn 4000 mAh và một mức giá phải chăng.
Chiếc điện thoại gặp phải một trở ngại duy nhất đó là trong phân khúc giá của Samsung Galaxy A51 có nhiều dòng sản phẩm cạnh tranh đáng gờm. Tuy chiếc A51 có một vài điểm lợi thế so với dòng máy cùng tầm giá là iPhone SE 2020 và Google Pixel 4a, chiếc điện thoại này vẫn có một vài hạn chế về mặt hiệu năng, khả năng chụp hình thiếu sáng.
Xem thêm: Shop Phụ Kiện Điện Thoại
Thông số kỹ thuật Samsung Galaxy A51
- Màn hình: 6.5-inch OLED (2400×1080)
- CPU: Exynos 9611
- RAM: 4GB
- Camera sau: 48MP + 12MP + 5MP + 5MP
- Camera trước: 32MP
- Bộ nhớ trong: 128GB
- Kích thước: 6.24 x 2.90 x 0.31 inch
- Khối lượng: 172 g
- Pin: 4000 mAh
Thiết kế Samsung Galaxy A51
Samsung Galaxy A51 là một chiếc điện thoại có khối lượng vô cùng nhẹ. Samsung đã làm tốt trong việc sản xuất một chiếc điện thoại siêu nhẹ, nhưng vẫn giữ được mức độ hoàn thiện cao. Máy sở hữu một màn hình có kích thước 6.5 inch, lớn hơn nhiều so với tấm nền 4.7 inch của iPhone SE, nhưng chiếc A51 chỉ nặng hơn 22 gram so với chiếc điện thoại tầm trung của Apple.
Galaxy A51 sở hữu một màn hình phẳng, mang đến cho người dùng một làn gió mới trước nhiều loại màn hình cong của những chiếc điện thoại cao cấp. Màn hình máy được bọc trong một khung viền có kích thước khá mỏng, mang lại trải nghiệm sử dụng tuyệt vời cho người dùng.
Và khác với dòng điện thoại phân khúc tầm trung của Apple, Galaxy A51 còn được trang bị một giắc cắm tai nghe 4.5 mm. Đáng tiếc là máy lại không có tiêu chuẩn kháng nước và bụi bẩn chính thức, nhưng dù sao thì đây là một tính năng rất hiếm có của các dòng sản phẩm trong phân khúc giá này.
Thiết kế bên ngoài của Samsung Galaxy A51 có 2 điểm mà tôi chưa hài lòng. Thứ nhất, trong khi iPhone SE và Pixel 4a được trang bị hệ thống loa stereo, A51 chỉ sử dụng loa đơn. Thứ hai là tuy vật liệu chế tạo vỏ ngoài của máy không mang lại cảm giác rẻ tiền, nhưng mặt lưng nhựa của máy lại rất dễ xước.
Màn hình Samsung Galaxy A51
Một trong những điểm hay nhất của phiên bản máy Galaxy A50 năm ngoái chính là tấm nền AMOLED. Phiên bản A51 mới vẫn được trang bị tấm nền tương tự, với sự khác biệt nằm ở kích thước lớn hơn, với độ dài đường chéo lên đến 6.5 inch, trong khi có độ phân giải không đổi là Full HD.
Tấm nền OLED có nhiều loại chất lượng khác nhau, vậy nên màn hình của Galaxy A51 không thể so sánh được so với độ rực rỡ và độ phủ màu rộng của dòng máy Galaxy S20. Độ sáng tối đa mà màn hình của A51 phát ra là 565 nit. Đây là một chỉ số độ sáng khá ấn tượng so với mức giá – tuy nhiên, máy chỉ đạt được độ sáng màn hình này khi bạn sử dụng ngoài trời nắng. Ở điều kiện thông thường, độ sáng cao nhất mà bạn điều chỉnh thủ công được là 353 nit, thấp hơn nhiều so với mức 653 nit của chiếc iPhone SE.
Khi để ở chế độ hiển thị Sống động, màn hình của chiếc A51 phủ được 212.2% dải màu sRGB, vượt trội so với 2 dòng máy đối thủ là iPhone SE (111.2%) và Pixel 3a (182.3%). Tuy nhiên, khi sử dụng ở chế độ này, độ chính xác màu sắc của A51 bị ảnh hưởng đôi chút, với chỉ số Delta-E đo được là 0.3, kém hơn so với kết quả 0.2 và 0.18 lần lượt của 2 dòng máy tầm trung của Apple và Google.
Camera Samsung Galaxy A51
Thông thường, những dòng điện thoại trong phân khúc này chỉ có từ 2 đến 3 camera sau, tuy nhiên Galaxy A51 lại được trang bị đến 4 ống kính trong cụm camera sau. Camera sau của máy bao gồm ống kính chính 48MP, khẩu độ f/2.0; được hỗ trợ bởi ống kính góc siêu rộng 12MP, cảm biến chiều sâu 5MP và camera macro 5MP. Ở mặt trước, A51 sở hữu một camera selfie có độ phân giải 32MP.
Các camera của máy sở hữu độ phân giải khá cao, và được chụp trong điều kiện thuận lợi, những bức hình mà A51 chụp có mức độ chi tiết cao, có thể cạnh tranh ngang hàng với chất lượng ảnh chụp của iPhone SE.
Camera macro của A51 cũng có chất lượng ảnh chụp khá ấn tượng. Những bức hình được chụp ở chế độ này có độ chi tiết cao, trong khi mật độ noise gần như là bằng không.
Hiệu năng
Thay vì sử dụng một trong những con chip tầm trung sê-ri 600 hoặc 700 của Qualcomm, Galaxy A51 lấy hiệu năng xử lý từ dòng chip do chính hãng sản xuất là Exynos 9611, được bổ trợ bởi 4GB RAM. Đây là dòng chip được sản xuất trên tiến trình 10 nm, sở hữu 8 nhân xử lý, có hiệu năng tương đương so với dòng chip Snapdragon 665.
Về mặt lý thuyết, dòng chip tầm trung như Exynos 9611 sẽ mang lại cho người dùng mức hiệu suất xử lý vừa tầm cho những tác vụ hàng ngày, nhưng sẽ không đủ hiệu năng để chơi mượt mà những tựa game có cấu hình cao. Điều đáng ngạc nhiên là trong quá trình sử dụng thực tế, chiếc A51 lại có hiệu năng rất tốt khi chơi game (so với mức giá), nhưng lại gặp khó khăn trong các tác vụ đơn giản, như mở ứng dụng và thay đổi chiều màn hình.
Tuy A51 không chạy tựa game Asphalt 9 Legends một cách mượt mà được như các dòng máy flagship của chính hãng, hiệu suất thực giữa các dòng máy này lại không cách xa là mấy.
Tuy nhiên, khi bạn thực hiện những tác vụ cơ bản hàng ngày như mở Chrome để lướt web, hay chỉ đơn thuần là vuốt lên trên để mở ra ngăn kéo ứng dụng, chiếc điện thoại sẽ gặp hiện tượng đứng màn hình. Trải nghiệm lướt web với chiếc A51 cũng không thực sự quá mượt mà.
Kết quả kiểm tra benchmark lý giải cho vấn đề đó. Chiếc Galaxy A51 chỉ đạt điểm hiệu suất xử lý đa nhân là 1293 khi được chấm với Geekbench 5. Ngay cả dòng máy được phát hành năm trước như Pixel 3a cũng đạt điểm số cao hơn là 1336, trong khi Moto G Power có điểm hiệu năng là 1387.
Kiểm tra hiệu suất xử lý đồ họa của máy với bài benchmark Sling Shot OpenGL ES 3.1 của 3DMark, máy có kết quả tốt hơn một chút khi so sánh với các dòng máy cùng phân khúc. Ở bài kiểm tra này, chiếc A51 có điểm số đạt được là 2057, cao hơn so với kết quả 1734 điểm của Moto G Power.
Thời lượng pin
Galaxy A51 được trang bị một quả pin có dung tích 4000 mAh. Đây là một dung tích pin khá lớn đối với một thiết bị có thân hình mỏng manh như chiếc A51. Dung tích pin lớn, cộng với việc phần cứng của A51 được tối ưu để tiêu thụ điện năng hiệu quả, về mặt lý thuyết sẽ mang lại mức thời lượng pin tuyệt vời cho chiếc điện thoại.
Vậy mà trong quá trình kiểm tra thực tế, chiếc A51 chỉ trụ được 9 giờ 16 phút sau khi lướt web liên tục bằng mạng wifi, với độ sáng màn hình 150 nit. Mức thời lượng pin này nằm dưới mức trung bình của dòng máy cùng phân khúc.
Samsung tặng kèm máy một củ sạc nhanh có công suất 15W. Sử dụng củ sạc này, chiếc điện thoại này nạp lại 31% trong vòng nửa giờ đồng hồ.
Phần mềm
Tại thời điểm bài viết, Galaxy A51 sử dụng hệ điều hành Android 11, với giao diện One UI của Samsung cài đè lên trên. One UI là một hệ điều hành tùy biến có chất lượng cao, mang đến cho người dùng nhiều tính năng hữu ích mà bạn ít khi thấy ở các dòng máy trong phân khúc giá này.
Tổng kết
Trên lý thuyết Samsung Galaxy A51 dường như một chiếc điện thoại tuyệt đỉnh trong mức giá. Máy sở hữu một chất lượng màn hình tuyệt vời so với phân khúc, một quả pin lớn, một con chip xử lý mang lại hiệu năng vừa tầm, và một tổ hợp camera có 4 ống kính mang lại cho bạn khả năng chụp hình linh hoạt.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thực tế, các điểm yếu của chiếc điện thoại bắt đầu hiện ra. Màn hình của A51 tuy có màu sắc sống động, nhưng lại không rực rỡ cho lắm; dung tích pin của máy tuy lớn, nhưng chiếc điện thoại lại có mức thời lượng pin thấp hơn mức trung bình; chip xử lý của máy lại gặp khó khăn trong các tác vụ cơ bản nhất.
Điều này khiến cho chiếc A51 gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh với những dòng máy cùng phân khúc. Tuy vậy, đây vẫn là một chiếc điện thoại có giá trị sử dụng cao, nhờ những điểm mạnh mà máy mang lại.
Điểm cộng
- Chất lượng màn hình cao
- Thiết kế bóng bẩy
- Camera 4 ống kính linh hoạt
- Giá cạnh tranh
- Bộ nhớ trong 128GB
Điểm trừ
- Hiệu năng không quá ấn tương
- Camera gặp khó khăn trong điều kiện thiếu sáng
- Thời lượng pin không quá dài
- Bảo mật vân tay đôi lúc không nhận