Đánh giá Dell XPS 15 2021: Hiệu năng đỉnh cao, màn hình OLED rực rỡ

Dell XPS 15 2021

Phiên bản 2021 của dòng máy Dell XPS 15 trở lại thị trường laptop văn phòng với những thay đổi và cập nhật mới. Điểm nhấn của thế hệ XPS 15 mới này nằm ở chiếc màn hình OLED độ phân giải 3.5K, đem lại chất lượng màu sắc sống động và độ sáng rực rỡ. Trong khi đó, nằm trên thân máy là một chiếc touchpad khổng lồ, một bộ bàn phím rộng mở và một hệ thống loa ngoài mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tương tự như dòng máy XPS 13 OLED được phát hành trước đó, việc lựa chọn một tấm nền màn hình cao cấp cũng đồng nghĩa với việc phải đánh đổi đi mức thời lượng pin trong quá trình sử dụng thực tế. Dù vẫn tồn tại một vài điểm hạn chế, XPS 15 OLED là một trong những dòng laptop 15 inch tốt nhất tại thời điểm hiện tại.

Xem thêm: Đánh giá Dell XPS 17: Đỉnh cao laptop đồ họa

Thông số kỹ thuật của Dell XPS 15 2021

  • CPU: Intel Core i7-11800H
  • GPU: Nvidia GeForce RTX 3050 Ti
  • RAM: 16GB
  • Bộ nhớ: 512GB M.2 PCIe NVMe SSD
  • Màn hình: 15.6-inch, 3456 x 2160 (3.5K) OLED
  • Kích thước: 13.6 x 9.1 x 0.7 inch
  • Khối lượng: 1.95 kg

Dell XPS 15 2021

Thiết kế của Dell XPS 15 2021

Dell XPS 15 OLED sở hữu một thiết kế bắt mắt và vô cùng hiện đại. Máy được bọc trong một lớp vỏ nhôm bóng bẩy, được hoàn thiện với một trong hai phiên bản bề mặt thân máy là sợi carbon hoặc trắng muốt như dòng máy mà chúng tôi review. Vỏ ngoài của máy còn có khả năng chống bám vân tay và bụi bẩn.

Học hỏi từ điểm mạnh của dòng máy MacBook, Dell trang bị cho phiên bản mới nhất của XPS 15 một chiếc touchpad có kích thước khổng lồ, chiếm một nửa chiều dài của thân máy. Nằm kẹp hai bên bộ bàn phím là dải loa ngoài với hướng âm bên trên, kết hợp với dải loa trầm bên dưới mang lại một trải nghiệm âm thanh trọn vẹn cho người dùng.

Dell là một trong những hãng sản xuất đầu tiên trên thế giới bắt đầu trào lưu bọc màn hình laptop trong một khung viền bezel siêu mỏng, và tính tới thời điểm hiện tại, hãng vẫn làm điều đó tốt hơn nhiều so với các hãng sản xuất khác. Cụ thể là với chiếc XPS 15, màn hình máy được bọc bên trong một khung viền bezel siêu mỏng, đem lại một trải nghiệm hình ảnh đắm chìm cho người dùng.

Những tính năng hiện đại khác của chiếc laptop Dell bao gồm bộ quét vân tay được tích hợp trên bộ bàn phím và chiếc camera IR, cho phép người dùng đăng nhập hệ thống một cách nhanh chóng và an toàn.

XPS 15 OLED là một chiếc laptop có vẻ ngoài siêu mỏng, tuy nhiên máy lại sở hữu một khối lượng trên mức trung bình so với phân khúc. Lý do là bởi phần lớn các chi tiết vỏ ngoài của máy được chế tạo từ nhôm nguyên khối, mang lại vẻ cao cấp cho chiếc laptop.

Với kích thước 3 cạnh là 13.6 x 9.1 x 0.7 inch và có khối lượng 1.95kg, XPS 15 mỏng và nhẹ hơn khi so sánh với Asus ZenBook Pro Duo 15 (14.7 x 8.8 x 0.9 inch, nặng 2.4kg) và kích thước tương đương so với Razer Blade 15 Advanced Model (14 x 9.3 x 0.7 inch, nặng 1.95kg).

Dell XPS 15 2021

Cổng kết nối của Dell XPS 15 2021

XPS 15 là một trong số ít những dòng laptop hiện đại trên thị trường vẫn được trang bị khe đọc thẻ nhớ SD, đem lại cho người dùng nhiều tiện nghi trong quá trình sử dụng.

Dọc theo cạnh trái của chiếc laptop là khe lắp khóa chống trộm, 2 cổng Thunderbolt 4. Trong khi đó, nằm ở phía bên tay phải là 1 cổng USB 3.2 Type-C, khe đọc thẻ nhớ SD và giắc cắm tai nghe 3.5 mm.

Dell XPS 15 2021

Màn hình của Dell XPS 15 2021

Màn hình của Dell XPS 15 OLED có kích thước đường chéo là 15.6 inch, độ phân giải 3.5K (3456 x 2160 pixel), mang lại một chất lượng hình ảnh sống động với màu sắc rực rỡ.

Dựa vào kết quả của thiết bị hiệu chuẩn màu sắc của chúng tôi, màn hình của XPS 15 OLED phủ được 85% dải DCI-P3, vừa đủ để vượt qua mức trung bình phân khúc và độ phủ màu màn hình của MacBook Pro (78%). Tuy nhiên, kết quả độ phủ màu này vẫn không thể vượt qua kết quả kiểm tra của Razer Blade 15 (89%) và ZenBook Duo (144%).

Màn hình máy có chỉ số độ sáng tối đa là 398 nit, cao hơn một chút so với mức trung bình 382 nit của dòng laptop cao cấp. Kết quả độ sáng này thấp hơn khi so sánh với kết quả đạt được của ZenBook Pro Duo (422 nit) và MacBook Pro (435 nit).

Bàn phím và touchpad

So với những điểm cộng vượt trội ở những khía cạnh khác, bàn phím của máy chỉ đạt chất lượng vừa tầm, không có gì quá đặc biệt. Tuy sở hữu một hành trình không quá nông, độ phản hồi xúc giác của các phím nút lại chưa thực sự chắc tay, làm giảm phần nào trải nghiệm nhập liệu của tôi.

Bù lại, touchpad của máy là một điểm cộng lớn. Sở hữu một diện tích sử dụng rộng rãi, touchpad của XPS 15 cho phép tôi thoải mái thực hiện các thao tác điều khiển con trỏ chuột một cách tự do và nhanh chóng, làm cải thiện đáng kể hiệu suất làm việc thường ngày của tôi với chiếc laptop Dell.

Hiệu năng

Phiên bản XPS 15 mà chúng tôi sử dụng trong bài review được trang bị con chip Intel Core i7-11800H với 16GB RAM. Máy sở hữu một mức hiệu năng tốc độ, cho phép chúng tôi dễ dàng thực hiện mọi khối lượng công việc hàng ngày một cách nhanh chóng và đáng tin cậy. Để kiểm tra khả năng xử lý đa nhiệm của chiếc laptop, chúng tôi mở đồng loạt 35 tab Chrome, trong đó có 4 tab chạy video HD trên Youtube. Trong suốt quá trình kiểm tra, chiếc laptop Dell vẫn vận hành ở mức hiệu suất tối ưu mà không gặp bất cứ tình trạng giật lag nào.

Tiếp tục kiểm tra mức hiệu năng tổng thể của máy thông qua Geekbench 5.4, XPS 15 đạt điểm số ấn tượng là 7477, cao hơn so với kết quả đạt được của ZenBook Pro Duo (7028 điểm) và bỏ lại xa phía sau là Razer Blade 15 (6531 điểm).

XPS 15 OLED chỉ mất 8 phút 10 giây để chuyển đổi 1 video 4K sang độ phân giải 1080p thông qua ứng dụng Handbrake, nhanh hơn gần gấp đối so với mức trung bình của dòng laptop cao cấp tại thời điểm hiện tại (15 phút 7 giây). Thực hiện cùng tác vụ, ZenBook Pro Duo hoàn thành chậm hơn 7 giây so với kết quả đạt được của chiếc laptop Dell.

Được trang bị 1 chiếc ổ SSD tốc độ cao, XPS 15 mang lại cho người dùng một trải nghiệm làm việc nhanh chóng và liền mạch. Trong bài kiểm tra của chúng tôi, chiếc ổ SSD M.2 PCIe dung lượng 512GB của máy hoàn thành việc copy 1 tệp tin nặng 25GB trong vòng 33 giây, tương đương với tốc độ ghi chép dữ liệu bình quân là 825.6 MBps.

Khả năng xử đồ họa

Không những cho phép người dùng làm việc năng suất, XPS 15 còn có thể được sử dụng để chơi game nếu bạn có nhu cầu. Máy được trang bị chiếc card đồ họa chuyên dụng Nvidia GeForce RTX 3050 Ti, mang lại đủ hiệu năng xử lý đồ họa để chơi mượt phần lớn các tựa game hiện nay trên thị trường.

Cụ thể, khi chúng tôi chơi thử tựa game Sid Meier’s Civilization VI: Gathering Storm trên chiếc laptop, chiếc XPS 15 đạt mức khung hình bình quân ổn định là 67 fps ở độ phân giải 1080p. So sánh với MacBook Pro, vốn sử dụng chip đồ họa liền M1, đạt mức khung hình thấp hơn nhiều là 29 fps khi chơi cùng tựa game.

Chuyển qua bài kiểm tra hiệu năng giả lập, XPS 15 đạt điểm số 8433, cao hơn nhiều so với mức trung bình phân khúc laptop tại thời điểm bài viết là 5411 điểm.

Thời lượng pin

Được trang bị một màn hình có độ phân giải 3.5K OLED cộng với một chiếc card đồ họa chuyên dụng, XPS 15 gặp nhiều khó khăn trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi. Cụ thể, chiếc laptop trụ được 6 giờ 58 phút sau khi lướt web liên tục bằng mạng wifi, với độ sáng màn hình đặt ở mức 150 nit.

Kết quả này tuy không quá tồi, nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức trung bình phân khúc laptop cao cấp (10 giờ 33 phút), trong đó bao gồm MacBook Pro (10 giờ 44 phút).

Khả năng tản nhiệt

Với khả năng phân tán nhiệt đồng đều trên lớp vỏ ngoài kim loại, XPS 15 luôn giữ được một mức nhiệt ổn định trong suốt bài kiểm tra của chúng tôi. Trên thực tế, máy có mức nhiệt cao nhất là 35.5 độ C, nằm tại khu vực gầm máy sau khi stream 1 video HD trong vòng 15 phút. Mức nhiệt này cao hơn một chút so với ngưỡng nhiệt lý tưởng 35 độ C, nhưng vẫn nằm trong mức chấp nhận được. Tin tốt là tại những nơi tay bạn trực tiếp chạm vào, cụ thể là bàn phím và touchpad, có mức nhiệt ổn định, đo được lần lượt là 31 và 28 độ C.

Tổng kết

XPS 15 OLED là một lựa chọn máy làm việc cao cấp bậc nhất, dành cho những ai đang tìm kiếm một thiết bị làm việc mạnh mẽ và đáng tin cậy. Máy sở hữu một thiết kế sang trọng, với chiếc màn hình OLED đem lại một chất lượng hình ảnh rực rỡ. Kết hợp với mức hiệu năng tổng thể tốc độ, đem lại cho người dùng một không gian làm việc đầy đủ tiện nghi.

Xem thêm: Đánh giá Asus ZenBook Pro Duo UX582L: Đa nhiệm hoàn hảo với 2 màn hình

Điểm cộng

  • Màn hình OLED rực rỡ
  • Hiệu năng tổng thể mạnh mẽ
  • Thiết kế cao cấp, thon gọn
  • Touchpad diện tích rộng rãi
  • Chất lượng loa ngoài đỉnh cao
  • Được trang bị khe đọc thẻ nhớ SD

Điểm trừ

  • Thời lượng pin nằm ở mức trung bình
  • Có khối lượng nặng hơn một số đối thủ cạnh tranh
  • Không được trang bị cổng USB Type-A
Chia sẻ
Biên tập viên cấp cao của Thietbiketnoi. Đã 26 mùa xuân xanh nhưng anh ấy bị ám ảnh bởi các thiết bị chạy bằng hạt Electron bên trong. Tham gia vào đội ngũ biên tập từ những ngày đầu và nhất quyết không viết về các sản phẩm chất lượng kém. Anh ấy vẫn độc thân!