Đánh giá Lenovo Yoga 6: Độc đáo thiết kế, ổn định hiệu năng

Lenovo Yoga 6

Lenovo Yoga 6 là một chiếc laptop văn phòng có thiết kế bề ngoài vô cùng độc đáo. Cụ thể, hãng sản xuất đã sử dụng chất liệu vải mềm để bọc bên ngoài chi tiết nắp máy, không những mang lại cảm giác chạm tay mới lạ mà còn mang lại một vẻ ngoài độc nhất vô nhị cho sản phẩm.

Dòng máy Lenovo Yoga 6 phiên bản năm 2021 kế thừa trực tiếp dòng máy năm ngoái, được cải thiện về mặt hiệu năng nhờ được trang bị con chip thế hệ mới hơn là Ryzen 7 5500U. Tuy sê-ri laptop Yoga vốn được hãng bán ở phân khúc giá từ cận cao cấp cho đến cao cấp, phiên bản Yoga 6 mà chúng tôi sử dụng trong bài review lại có mức giá khá phải chăng.

Ngoài thiết kế độc đáo cùng với mức hiệu năng cải thiện ra, liệu phiên bản Yoga 6 thế hệ mới còn có những thay đổi nào khác? Câu trả lời sẽ có trong bài viết hôm nay.

Xem thêm: Đánh giá Lenovo ThinkPad T495: Hiệu năng tốt, lượng pin dài

Thông số kỹ thuật của Lenovo Yoga 6

  • CPU: AMD Ryzen 5 5500U
  • GPU: AMD Radeon RX Vega 7
  • RAM: 8 GB
  • Bộ nhớ: 256 GB PCIe SSD
  • Màn hình: 13.3 inch 1920 x 1080
  • Kích thước: 308 x 206.4 x 18.2 mm
  • Khối lượng: 1.33 kg

Lenovo Yoga 6

Lenovo Yoga 6: Thiết kế

Khác với phần lớn các mẫu laptop trên thị trường, vỏ ngoài của Lenovo Yoga 6 không được hoàn thiện bằng chất liệu nhựa, kim loại hay sợi carbon, mà thay vào đó, chiếc laptop lại sử dụng chất liệu vải độc đáo. Hãng sản xuất đã làm rất tốt trong việc vận dụng chất liệu vải để bọc lên mặt trước của nắp máy, mang lại vẻ ngoài liền mạch cho chiếc laptop.

Với kích thước 18.2mm, chiếc laptop có thân máy dày hơn so với phần lớn các mẫu laptop lai trong cùng phân khúc, trong đó bao gồm các dòng sản phẩm như IdeaPad Flex 5, Yoga C940, và HP Spectre x360 13. Trong khi đó, ở mảng diện tích bề mặt, máy có kích thước tương đương so với ZenBook Flip 13 UX363.

Khác với ngôn ngữ thiết kế táo bảo ở bên ngoài, phần nội thất bên trong của Lenovo Yoga 6 được hoàn thiện theo phong cách truyền thống, với bề mặt thân máy được làm chủ yếu từ nhựa. Cặp bản lề của máy có mức độ hoàn thiện tốt và sở hữu một mức lực cản vừa tầm, cho phép tôi dễ dàng mở chiếc laptop ra bằng một tay.

Xét về mặt tổng thể, Lenovo Yoga 6 là một chiếc laptop có mức độ hoàn thiện tốt và có chất lượng build cao. Với thiết kế độc đáo này, chiếc laptop sẽ trở nên nổi bật trước các mẫu máy cạnh tranh trên thị trường.

Lenovo Yoga 6

Lenovo Yoga 6: Cổng kết nối

Lenovo Yoga 6 được trang bị tổng cộng 2 cổng USB Type-C, được chia đều cho cả hai cạnh thân máy. Tuy nhiên, 2 cổng này lại có cấu hình không giống nhau. Cụ thể chỉ có cổng USB Type-C ở cạnh trái là được hỗ trợ công nghệ Power Delivery, vậy nên bạn chỉ có thể sạc pin cho máy tại cổng bên này.

Và khác với đối thủ cạnh tranh là ZenBook Flip 13, máy không được trang bị cổng HDMI. Là một chiếc laptop sử dụng chip AMD, cổng USB Type-C của máy không được hỗ trợ chuẩn mực kết nối tốc độ cao Thunderbolt, do đây là công nghệ độc quyền của Intel.

Ngoài cổng USB Type-C ra, cạnh phải của máy được trang bị thêm 1 cổng USB Type-A 3.2 Gen 1 và nút nguồn. Trong khi đó, nằm ở cạnh trái là 1 cổng USB Type-C 3.2 Gen 1, 1 cổng USB Type-A 3.2 Gen 1 và giắc cắm tai nghe/microphone.

Lenovo Yoga 6

Lenovo Yoga 6: Bàn phím và touchpad

Nếu đã từng dùng qua bàn phím của các dòng laptop IdeaPad hay Yoga, thì bạn có thể dễ dàng mường tượng được trải nghiệm nhập liệu với bộ bàn phím của Yoga 6. Cả hai hành trình phím và độ nảy của các nút đều nằm lần lượt ở khoảng nông và hơi mỏng, đặc biệt là khi so sánh với bộ bàn phím chất lượng của dòng máy ThinkPad, hay khi so với đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc là HP Envy x360 13.

Bố cục nút của Yoga 6 đã được thay đổi đôi chút so với các mẫu laptop trong cùng sê-ri được phát hành trước đó. Cụ thể, hàng phím chức năng trên cùng của máy đã được thay đổi đôi chút do được trang bị thêm nút tắt webcam.

Kích thước touchpad của Yoga 6 thuộc vào dạng nhỏ với chiều dài 2 cạnh là 10 x 6.4 cm, bé hơn so với chiếc touchpad 11.3 x 6.8 cm của XPS 13 7390 2-in-1. Bề mặt của chiếc touchpad có lực ma sát khá nhỏ, cho phép tôi dễ dàng ri ngón tay để điều khiển con trỏ chuột. Đáng tiếc là lực bấm của chiếc touchpad này lại không được đã tay cho lắm do sở hữu mức hành trình nông và có độ phản hồi xúc giác không đầm tay.

Lenovo Yoga 6

Lenovo Yoga 6: Màn hình

Lenovo Yoga 6 được trang bị một chiếc màn hình có kích thước 13.3 inch, độ phân giải Full HD, có khả năng phủ 72% dải màu NTSC và có mức độ sáng tối đa trên lý thuyết là 300 nit. Trong quá trình sử dụng thực tế, màn hình của chiếc laptop Lenovo đem lại cho chúng tôi một trải nghiệm hình ảnh rất tốt.

Các loại nội dung như phim ảnh, video hay ảnh chụp đều được hiển thị rất tốt trên màn hình. Tuy nhiên, hay lựa chọn một dòng máy khác nếu bạn có ý định sử dụng laptop để làm các công việc chỉnh sửa hình ảnh chuyên nghiệp do chiếc màn hình này có độ chính xác màu không cao cho lắm.

Do không được xử lý chống lóa, nên màn hình của Lenovo Yoga 6 sẽ chỉ mang lại trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng ở trong nhà. Là một chiếc laptop 2 trong 1, màn hình của máy được hỗ trợ tính năng cảm ứng chạm và tương thích với các loại bút stylus khác nhau.

Lenovo Yoga 6: Hiệu năng

Tại thời điểm bài viết, Lenovo Yoga 6 phiên bản năm 2021 chỉ được bán với cấu hình chip xử lý duy nhất là Ryzen 7 5500U cùng với GPU tích hợp là Radeon RX Vega 7. Mức hiệu năng mà con chip AMD này mang lại là tương đương so với các dòng chip Core i7 sê-ri U của Intel.

Mức hiệu năng xử lý đa luồng thuần của chip có tốc độ nhanh hơn khoảng 10% so với những mẫu laptop cạnh tranh sử dụng chip Core i7-1165G7. Tuy nhiên, ở các tác vụ xử lý đơn nhân, con chip AMD lại có mức hiệu suất chậm hơn khoảng 20%.

Phiên bản máy mà chúng tôi review được trang bị loại ổ SSD tầm trung là Western Digital SN530 M.2 2242 NVMe. Ổ có tốc độ đọc dữ liệu tuần tự khá tốt với kết quả ghi nhận được là 2400 MB/s, nhưng lại có tốc độ chép trên lý thuyết khá chậm là 950 MB/s. Trên thực tế, trong bài test của chúng tôi, tốc độ đọc dữ liệu của chiếc ổ SSD này chỉ đạt ngưỡng 650 MB/s.

Trong các bài test với 3DMark để xác định hiệu năng xử lý đồ họa, kết quả mà Yoga 6 đạt được thấp hơn trong khoảng từ 30 đến 40% so với những dòng máy cạnh tranh sử dụng GPU tích hợp là Intel Iris Xe.

Lenovo Yoga 6: Khả năng tản nhiệt

Mức nhiệt tỏa ra trên bề mặt của máy là khá ổn định ngay cả trong quá trình thực hiện các tác vụ đòi hỏi nhiều tài nguyên xử lý. Sau quá trình kiểm tra, máy chỉ có 2 khu vực duy nhất là có mức nhiệt cao hơn ngưỡng trung bình, cụ thể là 41 và 53 độ C. Tin mừng là 2 điểm này lại nằm khá xa khu vực kê tay và bàn phím của chiếc laptop, vậy nên sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến người dùng.

Lenovo Yoga 6: Thời lượng pin

Khi để chạy không, chiếc laptop tiêu thụ một mức điện năng giao động trong khoảng từ 5 đến 7W, tùy thuộc vào mức độ sáng màn hình mà bạn tùy chỉnh. Để so sánh, đối thủ cạnh tranh là Galaxy Book Pro 360 13 có mức điện năng tiêu thụ từ 5W đến 12W.

Khi chơi game, máy sẽ tiêu thụ từ 33 đến 42W, trong khi Summit E13 Flip Evo có mức điện tiêu thụ từ 47 đến 52W ở cùng điều kiện làm việc.

Lenovo Yoga 6 được trang bị một quả pin có dung tích 60Wh, mang lại một mức thời lượng pin trên lý thuyết là gần 13.5 giờ. Chiếc laptop có tốc độ sạc pin khá nhanh, chỉ mất 2 giờ để nạp đầy pin cho máy.

Tổng kết

Theo quan điểm khách quan, việc Yoga 6 sử dụng chất liệu vải mềm để bọc lên trên bề mặt nắp máy đã mang lại những điểm cộng và trừ nhất định. Cụ thể, chất liệu vải này sẽ không bị bám vân tay hay bị trày xước trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên ở mặt khác, một chiếc laptop được phủ một lớp vải bên ngoài sẽ khó lau chùi hơn, và sẽ bám bụi bẩn trong quá trình sử dụng lâu dài.

Điểm mạnh đáng chú ý khác của Yoga 6 bao gồm con chip AMD tốc độ và chiếc màn hình 1080p sắc nét. Tuy nhiên, chiếc laptop có mức dung lượng RAM tối đa chỉ vỏn vẹn là 8GB, mang lại những hạn chế về mặt khả năng xử lý đa nhiệm. Xét về mặt tổng thể, Lenovo Yoga 6 là một lựa chọn laptop làm việc độc đáo, mang lại cho người dùng một mức hiệu năng tốc độ và đáng tin cậy.

Xem thêm: Đánh giá Lenovo ThinkPad E14: Laptop văn phòng toàn diện

Điểm cộng

  • Thiết kế độc đáo
  • Hiệu năng tổng thể tốc độ
  • Màn hình hỗ trợ tính năng FreeSync
  • Thời lượng pin dài

Điểm trừ

  • Cổng USB Type-C bên trái không được hỗ trợ khả năng Power Delivery
  • Dung lượng RAM mặc định hơi thấp
Chia sẻ
Biên tập viên cấp cao của Thietbiketnoi. Đã 26 mùa xuân xanh nhưng anh ấy bị ám ảnh bởi các thiết bị chạy bằng hạt Electron bên trong. Tham gia vào đội ngũ biên tập từ những ngày đầu và nhất quyết không viết về các sản phẩm chất lượng kém. Anh ấy vẫn độc thân!