Đánh giá Asus ProArt StudioBook 15: Hiệu năng tốc độ, màn hình 4K

Asus ProArt StudioBook 15 là một chiếc laptop đồ họa cao cấp, được sản xuất ra nhằm cạnh tranh với những mẫu máy hàng đầu trên thị trường như MacBook, XPS 15, vân vân. Chiếc laptop sở hữu một thiết kế bắt mắt, mang lại cho người dùng một mức hiệu năng mạnh mẽ nhờ con chip Intel Core i7, 32GB RAM và card đồ họa RTX 2060. Máy còn được trang bị một chiếc màn hình 4K rực rỡ, mang lại cho người dùng một chất lượng hình ảnh tuyệt vời.

Thông số kỹ thuật của Asus ProArt StudioBook 15

  • CPU: Intel Core i7-9750H
  • GPU: Nvidia GeForce RTX 2060
  • RAM: 32GB
  • Bộ nhớ: 512GB SSD
  • Màn hình: 15.6 inch, 4K
  • Kích thước: 14.2 x 9.9 x 0.8 inch
  • Khối lượng: 2 kg

Asus ProArt StudioBook 15

Thiết kế của Asus ProArt StudioBook 15

Asus ProArt StudioBook 15 sở hữu một thiết kế vô cùng bắt mắt, mang lại vẻ ngoài nổi bật trước những dòng máy cạnh tranh cùng phân khúc. Thiết kế bên ngoài của ProArt StudioBook có một vài chi tiết thú vị, bắt đầu với bề mặt kim loại được hoàn thiện mài mờ. Vỏ ngoài của những dòng laptop Asus cũng sở hữu một màu sắc chủ đạo khá đặc biệt, trong trường hợp của ProArt StudioBook, chiếc máy có tông màu chính là xám đen, và thỉnh thoảng ánh lên màu sắc tím ở một số góc độ nhất định.

Nằm ở cạnh dưới của nắp máy được cắt bỏ 1 khoảng hình thang, để lộ 3 chấm đèn LED hiển thị trạng thái nằm trên thân máy. Hệ thống đèn này cho bạn biết trạng thái thời lượng pin, kết nối Wifi và tình trạng mở nguồn của chiếc laptop. Nằm ở ngay dưới các chấm đèn này là các đường rãnh hình xiên, giúp cải thiện lượng gió lưu thông, cùng với 4 nút chức năng (bật, dừng, chuyển đổi và nút nguồn).

Không những bắt mắt, thiết kế của ProArt StudioBook còn có tính thực dụng cao. Màn hình máy được bọc bên trong một khung viền bezel mỏng ở cạnh trên và 2 cạnh bên. Bề mặt thân máy được hoàn thiện chống bám vân tay, cho phép tôi sử dụng thoải mái mà không phải lau chùi thường xuyên.

ProArt StudioBook là một chiếc laptop có thiết kế thon gọn so với phân khúc. Với kích thước 3 cạnh là 14.2 x 9.9 x 0.8 inch và khối lượng 2kg, ProArt StudioBook 15 có vẻ ngoài tương đồng so với Dell XPS 15 (dày 0.7 inch, nặng 2.04 kg), nhẹ hơn so với Razer Blade 15 (dày 0.8 inch, nặng 2.26 kg) nhưng lại dày và nặng hơn khi so sánh với Microsoft Surface Laptop 3 (dày 0.6 inch, nặng 1.54 kg).

Asus ProArt StudioBook 15

Cổng kết nối của Asus ProArt StudioBook 15

ProArt StudioBook 15 được trang bị tương đối đầy đủ các loại cổng kết nối khác nhau, mang lại cho người dùng một không gian làm việc tiện nghi. Nằm ở bên phải thân máy sở hữu 1 cổng USB Type-C, 2 cổng USB 3.1 Type-A và khe lắp khóa chống trộm.

Nằm ở bên trái thân máy, bạn sẽ tìm thấy cổng nguồn DC, cổng Ethernet RJ-45, cổng HDMI 2.0, cổng USB 3.1 Type-A thứ 3 và giắc cắm tai nghe, giắc cắm microphone.

Asus ProArt StudioBook 15

Màn hình của Asus ProArt StudioBook 15

ProArt StudioBook 15 được trang bị một màn hình có kích thước đường chéo là 15.6 inch, độ phân giải 4K, mang lại một chất lượng hình ảnh ấn tượng. Tấm nền màn hình của máy có độ chi tiết cao, với màu sắc trung thực và khả năng chống lóa cho phép bạn sử dụng máy ở những nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên một cách dễ dàng.

Dựa vào thiết bị hiệu chỉnh màu của chúng tôi, màn hình của StudioBook 15 phủ được 171% dải sRGB, cao hơn nhiều so với mức trung bình phân khúc laptop cao cấp tại thời điểm máy phát hành là 121%. Kết quả này đồng thời cao hơn so với độ phủ màu màn hình của các dòng máy được so sánh, cụ thể là XPS 15 (132%), the Blade 15 (107%) và Surface Laptop 3 (101%).

Đáng tiếc là độ sáng màn hình của ProArt chỉ nằm ở mức tầm trung, với kết quả đo được là 339 nit, thấp hơn một chút so với mức trung bình phân khúc là 368 nit. Độ phủ màu màn hình của chiếc laptop Asus thấp hơn khi so sánh với kết quả kiểm tra của XPS 15 (434 nit), Surface Laptop 3 (380 nit).

Asus ProArt StudioBook 15

Bàn phím và touchpad

Bộ bàn phím của Asus ProArt StudioBook 15 mang lại cho tôi các cảm xúc trái chiều khi viết bài review. Ở một mặt, tôi rất hài lòng với bố cục nút của bộ bàn phím. Cụ thể, cụm phím mũi tên được làm tách biệt hoàn toàn so với các nút còn lại của bộ bàn phím, cho phép tôi dễ dàng tìm đến mỗi khi cần.

Trên bàn phím còn được trang bị 4 nút chức năng nằm trên dãy phím tắt, được sử dụng để điều khiển các chức năng khi xem phim hoặc nghe nhạc.

Tuy nhiên bản thân chất lượng của các nút này lại không quá ấn tượng. Cụ thể, các nút của bộ bàn phím có độ nảy không quá tốt, khiến trải nghiệm đánh máy của tôi chưa thuwcj sự thoải mái.

Touchpad của máy có kích thước 2 cạnh là 4.2 x 2.8 inch, mang lại cho người dùng một diện tích bề mặt tương đối rộng rãi. Bề mặt touchpad được hoàn thiện phẳng mịn, cho phép tôi dễ dàng thực hiện các thao tác điều hướng của Windows 10.

Hiệu năng

Được trang bị con chip Intel Core i7-9750H và 32GB RAM, Asus ProArt StudioBook 15 có thể dễ dàng đáp ứng mọi khối lượng công việc hàng ngày của tôi. Cụ thể, để kiểm tra hiệu suất xử lý đa nhiệm, tôi mở đồng loạt 30 tab Chrome, trong đó có 3 tab chạy video HD trên Youtube. Trong suốt quá trình kiểm tra, chiếc laptop vẫn giữ được mức hiệu năng tối ưu và không gặp bất cứ tình trạng giật lag nào.

ProArt StudioBook 15 sở hữu mức hiệu năng ngang ngửa so với những dòng máy hàng đầu phân khúc. Chấm điểm hiệu năng xử lý tổng thể với Geekbench 5, chiếc laptop đạt điểm số 5963, cao hơn so với Surface Laptop 3 (2856 điểm, chip AMD Ryzen 5 3580U), Blade 15 (4918 điểm, chip Core i7-9750H) và đồng thời vượt qua mức trung bình phân khúc (4249 điểm).

Ổ SSD dung lượng 512GB của ProArt StudioBook 15 có tốc độ khá nhanh, có thể hoàn thành tác vụ copy 1 tệp tin nặng 5GB trong vòng 8.1 giây, tương đương với tốc độ ghi chép dữ liệu bình quân là 628.3 Mbps. Kết quả này cao hơn so với mức trung bình phân khúc là 686.6 MBps, trong đó bao gồm Blade 15 (565.5 MBps) và Surface Laptop 3 (282.7 MBps).

Chiếc laptop Asus làm khá tốt trong bài kiểm tra tốc độ chuyển mã video. Cụ thể, ProArt StudioBook 15 hoàn thành tác vụ chuyển đổi 1 video 4K sang độ phân giải 1080p trong vòng 10 phút 25 giây, nhanh hơn so với mức trung bình phân khúc là 18 phút 30 giây.

Khả năng xử lý đồ họa

Đây là điểm thú vị và đáng chú ý khi nói về chiếc laptop đồ họa mới nhất của Asus. ProArt StudioBook 15 được trang bị chiếc card đồ họa Nvidia GeForce RTX 2060 với 6GB VRAM. Các mẫu máy cạnh tranh của hãng, ví dụ như Dell XPS 15 (GTX 1650 Ti) và Blade 15 (GTX 1650 Ti), cũng được trang bị card đồ họa chuyên dụng, nhưng không sử dụng phiên bản RTX mới như chiếc Asus. Khác biệt về mặt xử lý đồ họa giữa các dòng máy là rất đáng kể, và bạn có thể thấy điều đó trong kết quả kiểm tra benchmark bên dưới.

Chiếc laptop Asus chạy tựa game Shadow of the Tomb Raider (1080p, cấu hình Highest) ở mức khung hình bình quân là 46 fps, cao hơn nhiều so với kết quả đạt được của XPS 15 (29 fps).

Thời lượng pin

Sở hữu một màn hình 4K, chip xử lý Intel Core i7 sê-ri H và có một thân máy thong gọn, đây là những nguyên nhân chính khiến cho thời lượng pin của Asus ProArt StudioBook 15 không được dài cho lắm. Trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi, chiếc laptop Asus trụ được 3 giờ 39 phút sau khi lướt web liên tục bằng mạng wifi, với độ sáng màn hình đặt ở mức 150 nit.

Mức thời lượng pin này thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh, cụ thể là XPS 15 (8 giờ 1 phút) và Surface Laptop 3 (8 giờ 15 phút).

Khả năng tản nhiệt

Asus ProArt StudioBook 15 tỏa ra một mức nhiệt khá ấm tay trong quá trình làm việc. Trong bài kiểm tra của chúng tôi, khu vực gầm máy có nhiệt độ đo được là 46 độ C, trong khi khu vực trung tâm bàn phím có nhiệt độ là 41 độ C. Đây là kết quả nhiệt độ mà chúng tôi đo được sau khi để máy chạy 1 video 1080p trong vòng 15 phút.

Phần mềm

Asus đã làm tốt trong việc gói gọn các công cụ tiện ích của hãng vào một vài ứng dụng gọn nhẹ nhằm mang lại trải nghiệm sử dụng tốt nhất cho người dùng. MyAsus là một trong số những ứng dụng đó. Tại đây, bạn có thể kiểm tra phiên bản cập nhật BIOS, điều chỉnh cài đặt hiệu suất của các linh kiện bên trong và liên lạc với bộ phận hỗ trợ kỹ thuật khi gặp sự cố.

Trong máy còn được cài sẵn AudioWizard, cho phép bạn thay đổi chất lượng âm thanh mặc định của chiếc laptop thông qua mục cài đặt EQ.

Tổng kết

ProArt StudioBook 15 là một chiếc laptop đồ họa chất lượng và tương đối toàn diện. Máy được trang bị một chiếc màn hình 4K rực rỡ, mang lại cho người dùng một mức hiệu năng tốc độ với một thiết kế hiện đại. Nếu bạn đang cần tìm một chiếc laptop đồ họa hiệu năng cao và đáng tin cậy, thì chắc chắn ProArt StudioBook 15 sẽ không làm bạn phải thất vọng.

Xem thêm: Đánh giá Asus Zenbook 13 UX325: Hiệu năng tốt, tính năng thông minh

Điểm cộng

  • Màn hình 4K rực rỡ
  • Thiết kế hiện đại, gọn nhẹ
  • Hiệu năng tổng thể tốc độ
  • Mức giá cạnh tranh

Điểm trừ

  • Thiếu cổng Thunderbolt 3
  • Thời lượng pin tầm trung
  • Khả năng tản nhiệt chưa thực sự hiệu quả
  • Không có webcam
Chia sẻ
Biên tập viên cấp cao của Thietbiketnoi. Đã 26 mùa xuân xanh nhưng anh ấy bị ám ảnh bởi các thiết bị chạy bằng hạt Electron bên trong. Tham gia vào đội ngũ biên tập từ những ngày đầu và nhất quyết không viết về các sản phẩm chất lượng kém. Anh ấy vẫn độc thân!