Đánh giá Lenovo ThinkPad P1 G4: Thiết kế mỏng gọn, hiệu năng đỉnh cao

Lenovo ThinkPad P1 G4

Khi Lenovo lần đầu tiên tung ra thị trường dòng sản phẩm ThinkPad P1 vào năm 2018, phiên bản máy này được hướng tới nhóm người tiêu dùng đang tìm chọn một dòng sản phẩm có thiết kế nhỏ gọn và sẵn sàng hy sinh một phần hiệu năng của máy. 

Phiên bản mới nhất trong sê-ri này là chiếc Lenovo ThinkPad P1 G4, có lợi thế về mặt tính di động khi so sánh với phiên bản máy anh em là ThinkPad P15 G2, vốn là phiên bản máy trạm hiệu năng cao của hãng. Tuy nhiên, người tiêu dùng đã không còn phải hy sinh mức hiệu năng khi lựa chọn phiên bản máy có thiết kế nhỏ gọn hơn, ít nhất là về mặt lý thuyết.

Lenovo đã nâng cấp đáng kể dòng máy ThinkPad P1 và trang bị cho mẫu máy review của chúng tôi chiếc card đồ họa Nvidia GeForce RTX 3070 cùng với chiếc màn hình 4K rực rỡ. Bài viết hôm nay sẽ đánh giá chi tiết dòng máy Lenovo ThinkPad P1 G4, từ đó chỉ ra những điểm cộng và trừ của dòng sản phẩm.

Xem thêm: Đánh giá Lenovo ThinkPad X13: Hiệu năng đỉnh cao, chất build ấn tượng

Thông số kỹ thuật của Lenovo ThinkPad P1 G4

  • CPU: Intel Core i7-11850H
  • GPU: Nvidia GeForce RTX 3070
  • RAM: 32GB
  • Bộ nhớ: 1TB SSD
  • Màn hình: 16-inch, 3840 x 2400 pixel
  • Kích thước: 14.1 x 10 x 0.7 inch
  • Khối lượng: 1.8 kg

Lenovo ThinkPad P1 G4

Lenovo ThinkPad P1 G4: Thiết kế

Tương tự như các mẫu laptop trạm khác trong cùng phân khúc, Lenovo ThinkPad P1 G4 sở hữu một ngôn ngữ thiết kế tối giản, trung tính và vô cùng thực dụng. Vỏ ngoài của máy được làm bằng kim loại và có chất lượng build rất tốt, đem lại cảm giác chắc chắn khi cầm nắm trên tay.

Cặp bản lề của máy có mức độ hoàn thiện cao và sở hữu mức lực cản vừa tầm, giúp tôi mở chiếc laptop một cách dễ dàng và tiện lợi. Về mặt chất lượng build, máy có vẻ ngoài cứng cáp, rắn chắc tương tự như các mẫu laptop trạm cao cấp khác trên thị trường.

Với độ dài 3 chiều là 14.1 x 10 x 0.7 inch, Lenovo ThinkPad P1 G4 có kích thước tương đối mỏng gọn khi so sánh với những đối thủ cạnh tranh khác trong cùng phân khúc. Các dòng máy như Dell Precision 5560 (13.5 x 9.07 x 0.73 inch) và HP ZBook Power G8 (14.15 x 9.21 x 0.9 inch) có kích thước tổng thể và khối lượng tương đồng so với mẫu laptop trạm của Lenovo. Tuy nhiên, do chỉ được trang bị card đồ Nvidia RTX A2000, 2 dòng máy này có mức hiệu năng xử lý tổng thể kém hơn một chút so với chiếc ThinkPad của chúng ta.

Lenovo ThinkPad P1 G4

Nằm gọn gàng trên thân máy là một bộ bàn phím với bố cục quen thuộc nếu bạn đã từng sử dụng qua bộ bàn phím của những mẫu ThinkPad khác. Bộ bàn phím được đặt kẹp giữa bởi hai dải loa ngoài và được chiếu sáng bởi hệ thống đèn bên dưới.

Touchpad máy được đặt ngay bên dưới phím cách, có bề mặt rộng rãi và có độ nhạy cao, giúp cho mọi thao tác điều khiển con trỏ chuột của tôi đều được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác. Nằm trên góc phải của thân máy, bạn có thể tìm thấy chiếc nút nguồn kiêm bộ quét vân tay của máy.

Lenovo ThinkPad P1 G4 được trang bị đầy đủ các loại cổng kết nối với chủng loại đa dạng, mang đến cho người dùng một không gian làm việc với đầy đủ tiện nghi. Cụ thể, nằm dọc cạnh phải là 1 khe đọc thẻ nhớ SD, khe lắp khóa Kensington và 2 cổng USB Type-A 3.2 Gen 1 (1 trong số đó là loại always-on và có thể được sử dụng để nạp pin cho các thiết bị khác ngay khi laptop tắt nguồn).

Trong khi đó, nằm ở cạnh trái là giắc cắm nguồn, 2 cổng USB Type-C (hỗ trợ chuẩn mực Thunderbolt 4), cổng HDMI 2.0/2.1 và giắc cắm combo tai nghe/microphone.

Lenovo ThinkPad P1 G4

Lenovo ThinkPad P1 G4: Màn hình

Lenovo ThinkPad P1 G4 được phát hành với 3 phiên bản khác nhau, tất cả đều có kích thước 16 inch và được chia cạnh theo tỷ lệ 16:10. Lựa chọn màn hình cơ bản của máy là loại tấm nền LCD có độ phân giải WQXGA (2560 x 1600 pixel). Phiên bản máy review của chúng tôi được trang bị chiếc màn hình chống lóa độ phân giải 4K và không được hỗ trợ tính năng cảm biến. Phiên bản màn hình cuối của máy có cấu hình tương tự, được hỗ trợ tính năng cảm biến nhưng không được xử lý chống lóa.

Theo lời của Lenovo, màn hình của Lenovo ThinkPad P1 G4 có chỉ số độ sáng trên lý thuyết là 600 nit. Trong các bài kiểm tra độ sáng với những dòng máy thuộc phân khúc 15 và 16 inch, màn hình của Lenovo ThinkPad P1 G4 là loại có độ sáng top đầu trong phân khúc.

Màn hình máy có khả năng hiển thị màu sắc khá sống động. Cụ thể trong bài kiểm tra của chúng tôi, màn hình Lenovo ThinkPad P1 G4 có thể phủ 98.9% dải màu AdobeRGB, khiến máy phù hợp với những công việc thiết kế đồ họa khác nhau.

Nhờ sở hữu mức độ sáng bình quân cao và khả năng chống lóa, bạn có thể sử dụng Lenovo ThinkPad P1 G4 ở ngoài trời hay ở những nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên một cách dễ dàng.

Lenovo ThinkPad P1 G4: Hiệu năng

Lenovo ThinkPad P1 G4 được trang bị những loại linh kiện mới và mạnh mẽ nhất do 2 hãng công nghệ hàng đầu trên thị trường là Intel và Nvidia sản xuất. Về phía Intel, máy được trang bị dòng chip Tiger Lake sê-ri H, bao gồm i7-11800H, i7-11850H và i9-11950H. 

Máy được phát hành với nhiều lựa chọn card đồ họa. Đối với phiên bản cấu hình mặc định, P1 G4 được bán mà không được trang bị card đồ họa rời, hay nói cách khác là máy sẽ sử dụng chip GPU liền. Tại thời điểm bài viết, ThinkPad P1 G4 có các lựa chọn card đồ họa bao gồm Nvidia T1200, RTX A2000, RTX A3000, RTX A4000, RTX 5000, RTX 3070 và RTX 3080.

Đối với mọi phiên bản cấu hình, Lenovo ThinkPad P1 Gen 4 có 2 slot SO-DIMM, mang lại cho máy mức dung lượng RAM tối đa lên đến 64GB.

Phiên bản máy mà chúng tôi dùng trong bài review được trang bị con chip Intel Core i7-11850H. Đây là dòng chip thuộc sê-ri Tiger Lake của Intel, có tổng cộng 8 nhân và 16 luồng xử lý. Trên lý thuyết, con chip có chỉ số TDP là 45W. Tuy nhiên, mức điện tiêu thụ này là không đủ để giúp con chip đạt mức xung nhịp tối đa là 4.8GHz trong toàn bộ các nhân.

Về mặt hiệu năng, con chip i7-11850H của Lenovo ThinkPad P1 G4 có mức hiệu năng tương đương so với dòng chip i7-11800H. Điểm khác biệt nằm ở chỗ dòng chip i7-11850H được hỗ trợ công nghệ vPro. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa 2 dòng chip này đối với Lenovo ThinkPad P1 G4 lại là khá lớn. Lý do không phải nằm bản thân con chip xử lý, mà lại đến từ hệ thống tản nhiệt của máy. Cụ thể, phiên bản sử dụng card RTX 3070 như bản máy mà chúng tôi review được trang bị hệ thống làm mát bằng buồng hơi. Do đó, con chip xử lý của máy có thể duy trì mức điện năng tiêu thụ là 60W trong một khoảng thời gian dài.

Lenovo ThinkPad P1 G4 đem lại mức hiệu năng xử lý mượt mà trong suốt quá trình sử dụng thường ngày. Ở bài test hiệu năng PCMark 10, ThinkPad P1 G4 liên tục đạt kết quả top đầu khi được so sánh với những dòng máy khác trong cùng phân khúc.

Phiên bản ThinkPad P1 G4 của chúng tôi sở hữu duy nhất 1 slot M.2 2280. Mặc định, máy được trang bị 1 ổ SSD Samsung PM9A1 có dung lượng 1TB. Chiếc ổ SSD NVMe PCIe 4.0 này đạt kết quả rất tốt trong các bài kiểm tra benchmark của chúng tôi.

Nvidia GeForce RTX 3070 là một trong những dòng card đồ họa hiệu năng cao nhất trên thị trường laptop tại thời điểm hiện tại. Với chiếc card này, Lenovo ThinkPad P1 G4 sở hữu khả năng xử lý đồ họa mạnh mẽ, cho phép người dùng thực hiện trôi chảy các công việc thiết kế đồ họa hay chỉnh sửa hình ảnh, video khác nhau. Ở các bài test hiệu suất đồ họa như Fire Strike và Time Spy của 3DMark, máy đạt điểm số lần lượt là 17860 và 8430.

Tuy không phải là một mẫu laptop chơi game thuần túy, Lenovo ThinkPad P1 G4 vẫn có thể chơi tốt nhiều tựa game cấu hình cao trên thị trường nhờ khả năng xử lý đồ họa mạnh mẽ đến từ chiếc card RTX 3070. Cụ thể, trong tựa game Witcher 3 (cấu hình Ultra, 1080p), máy có thể chạy ổn định ở mức khung hình 92 fps trong suốt quá trình chơi.

Lenovo ThinkPad P1 G4: Thời lượng pin

Tuy được trang bị một quả pin với dung tích lớn hơn so với bản máy thế hệ trước, quả pin 90Wh của ThinkPad P1 G4 vẫn bị tiêu thụ nhanh chóng bởi chiếc màn hình độ phân giải 4K. Lenovo ThinkPad P1 G4 trụ được khoảng 7 giờ đồng hồ trong bài kiểm tra lướt web qua mạng wifi của chúng tôi, với độ sáng màn hình chỉnh ở mức 150 nit. Khi thực hiện lại bài kiểm tra với độ sáng màn hình tối đa, mức thời lượng pin của máy bị giảm xuống còn khoảng 4 giờ đồng hồ. Nếu bạn là người thường xuyên phải sử dụng laptop ở những nơi không có sẵn phích cắm điện, thì phiên bản màn hình QHD của ThinkPad P1 G4 sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.

Tổng kết

Được bán trong phân khúc giá cao cấp, Lenovo ThinkPad P1 G4 là một dòng máy trạm chất lượng, sở hữu một mức hiệu năng mạnh mẽ bên trong một thiết kế vô cùng mỏng nhẹ. Nhờ sở hữu khả năng tản nhiệt hiệu quả thông qua hệ thống làm mát buồng hơi, máy có thể vận hành ở mức hiệu năng tối ưu trong một khoảng thời gian dài. Ngoài ra, nhờ được trang bị một chiếc màn hình 4K rực rỡ, ThinkPad P1 G4 là một lựa chọn tốt nếu bạn có nhu cầu làm các công việc thiết kế đồ họa hay chỉnh sửa hình ảnh. 

Ngoài những điểm trừ nhỏ như mức thời lượng pin tầm trung, ThinkPad P1 G4 là một chiếc laptop trạm toàn diện ở nhiều mặt, và là lựa chọn số một trên thị trường laptop trạm cao cấp.

Xem thêm: Đánh giá Lenovo ThinkPad P1: Hiệu năng đỉnh cao, bàn phím chất lượng

Điểm cộng

  • Chất lượng build cao
  • Thiết kế mỏng nhẹ so với phân khúc laptop trạm
  • Hiệu năng tổng thể mạnh mẽ
  • Màn hình hiển thị chất lượng cao
  • Được trang bị nhiều cổng kết nối

Điểm trừ

  • Thời lượng pin không quá ấn tượng
Chia sẻ
Biên tập viên cấp cao của Thietbiketnoi. Đã 26 mùa xuân xanh nhưng anh ấy bị ám ảnh bởi các thiết bị chạy bằng hạt Electron bên trong. Tham gia vào đội ngũ biên tập từ những ngày đầu và nhất quyết không viết về các sản phẩm chất lượng kém. Anh ấy vẫn độc thân!