Redmi Note 10 Pro là dòng điện thoại tầm trung mới nhất của Xiaomi. Bài viết hôm nay sẽ đánh giá chi tiết các góc cạnh khác nhau của dòng sản phẩm, từ đó chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của máy.
Trong thế giới công nghệ, những tính năng mới và hiện đại nhất luôn được trang bị đầu tiên cho các dòng điện thoại cao cấp với mức giá cao, và phải sau một thời gian những tính năng này mới có mặt trên các thiết bị giá rẻ và phù hợp với túi tiền của mọi người. Ở phần lớn các thị trường sản phẩm công nghệ, quá trình này có thể kéo dài đến nhiều năm, nhưng đối với thị trường điện thoại thông minh tốc độ phát triển nhanh chóng mặt, chu kỳ này được diễn ra chưa đến một năm.
Điều này được áp dụng với 2 tính năng cao cấp là camera 108MP và màn hình 120Hz. Đây là 2 tính năng vốn chỉ có mặt ở các dòng máy flagship cao cấp bậc nhất trên thị trường. Tuy nhiên, giờ đây bạn đã có thể trải nghiệm tính năng này với dòng máy Redmi Note 10 Pro mới nhất của Xiaomi.
Xem thêm:Shop Phụ Kiện Điện Thoại
Thông số kỹ thuật Redmi Note 10 Pro
- Màn hình: 6.7-inch AMOLED
- CPU: Qualcomm Snapdragon 732G
- RAM: 6GB
- Camera sau: 108MP + 8MP + 5MP + 2MP
- Camera trước: 16MP
- Bộ nhớ trong: 128GB
- Kích thước: 164mm x76.5mm x 8.1mm
- Khối lượng: 193g
- Pin: 5,000 mAh
Thiết kế của Redmi Note 10 Pro
Redmi Note 10 Pro là phiên bản cải thiện đáng kể so với dòng máy trước về mặt thiết kế bên ngoài. Chiếc điện thoại giờ đây đã không còn cụm camera dày nhô lên bề mặt của chiếc điện thoại. Thay vào đó, chiếc điện thoại giờ đây được trang bị cụm camera hình chữ nhật với 4 cạnh bo cong với thiết kế tương tự như dòng máy Mi 11 của hãng. Viền ngoài mạ bạc bọc xung quanh cảm biến 108MP đem lại vẻ ngoài bắt mắt cho cụm camera này.
Mặt lưng của máy được làm bằng kính, tuy nhiên lại không phải là kính cường lực Corning Gorilla Glass như màn hình trước. Mặt lưng máy được hoàn thiện bóng bẩy, tuy nhiên lại bám hơi nhiều vân tay.
Ở mặt trước, Redmi Note 10 Pro được trang bị một màn hình độ phân giải 2400 x 1080 pixel, tần số quét 120Hz, sử dụng tấm nền AMOLED, được bọc bên trong một viền bezel khá mỏng so với phân khúc. Dù sử dụng tấm nền AMOLED, máy không được trang bị bảo mật vân tay dưới màn hình. Thay vào đó, chiếc điện thoại sở hữu bảo mật vân tay ở cạnh bên, có chức năng kiêm luôn nút nguồn.
Màn hình của Redmi Note 10 Pro có độ sáng vừa đủ để cho phép tôi sử dụng chiếc điện thoại thoải mái dưới ánh nắng mặt trời. Tần số quét màn hình 120Hz của chiếc điện thoại đem lại trải nghiệm mượt mà cho người dùng.
Camera của Redmi Note 10 Pro
Điểm nhấn của hệ thống camera của Redmi Note 10 Pro nằm ở cảm biến Samsung ISOCELL HM2 108MP, đi kèm với ống kính góc siêu rộng 8MP, ống kính macro 5MP và cảm biến chiều sâu 2MP.
Cảm biến HM2 108MP chính của máy, trái ngược với tên gọi, lại kém chất lượng hơn so với cảm biến HM1 được trang bị trên chiếc Mi 11 do có kích thước nhỏ hơn là 1/1.52 inch. Dù vậy, camera chính của Redmi Note 10 Pro vẫn đem lại chất lượng hình ảnh sống động và sắc nét nhờ công nghệ gộp điểm ảnh 9 trong 1, đem lại kết quả là những bức hình 12MP. Khả năng tái tạo màu sắc cũng khá tốt nhờ phần mềm xử lý hình ảnh của Redmi. Chất lượng hình của máy khá tương đồng so với Xiaomi Mi 10i.
Do được trang bị cảm biến camera cỡ lớn, những bức hình được chụp từ ống kính chính có hiệu ứng làm mờ ngoại cảnh khá bắt mắt
Trong trường hợp thiếu ánh sáng, camera chính của Redmi Note 10 Pro có khả năng bắt sáng khá tốt. Trên thực tế, trừ khi khung cảnh hoàn toàn tối đen như mực, tôi vẫn có thể chụp ảnh tốt mà không cần sử dụng đến tính năng chụp đêm Night Mode.
Ống kính chính của máy có khả năng quay video khá tốt so với tầm giá. Redmi Note 10 Pro có khả năng quay video với mức tối đa là độ phân giải 4K, 30 fps. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, tôi nhận thấy khả năng chống rung không được ổn định cho lắm khi quay video ở chế độ này. Thay vào đó, khả năng chống rung của máy được cải thiện đáng kể khi tôi quay video ở độ phân giải 1080p, 30 fps. Âm thanh thu lại có chất lượng trên mức trung bình.
Những ống kính sau của máy có chất lượng hình ảnh không được ấn tượng như camera chính. Ống kính góc siêu rộng 8MP của Redmi Note 10 Pro có chất lượng hình ảnh vừa tầm khi được chụp ở điều kiện nhiều ánh sáng. Tuy nhiên khi ở ban đêm, những bức hình chụp từ chiếc camera này có độ chi tiết không được tốt cho lắm. Chưa hết, vì một lý do nào đó, tôi không thể sử dụng chế độ chụp Night Mode với ống kính này.
Việc chuyển đổi từ ống kính góc siêu rộng sang camera chính còn gây nên hiện tượng lag màn hình khá đáng kể, có lúc lên đến nửa giây.
Ngoài chất lượng ảnh chụp và khả năng quay video ra, Redmi Note 10 Pro còn mang đến cho người dùng những tính năng camera khá thú vị được giới thiệu trên các dòng máy Xiaomi trước kia. Máy có tính năng “Bản sao”, cho phép người dùng chụp ảnh hoặc quay video với những bản sao khác nhau của cùng một người.
Một tính năng khác có tên gọi là “AI skyscaping”. Tính năng này thêm một bộ lọc cho bầu trời trong các bức hình để thay đổi hiệu ứng thời tiết.
Hiệu năng
Do tôi sử dụng phiên bản máy chưa được phát hành để review, Redmi dường như đã chặn các ứng dụng benchmark, vậy nên tôi không thể sử dụng Geekbench 5, 3DMark hoặc GFXBench để kiểm tra mức hiệu năng cụ thể của chiếc điện thoại. Tuy nhiên tôi vẫn có thể kiểm tra tốc độ ghi chép dữ liệu của chiếc điện thoại với AndroBench. Chiếc điện thoại cho kết quả tầm trung ở bài kiểm tra này.
Dù vậy, trong quá trình sử dụng thực tế, tôi không gặp nhiều sự cố khi sử dụng Redmi Note 10 Pro ngoài trừ hiện tượng giật lag khi chuyển từ camera chính sang camera góc siêu rộng như đã nói qua bên trên. Trong suốt quá trình kiểm tra, tôi sử dụng chiếc điện thoại để nhắn tin qua Messenger, xem video Youtube và chơi game mà không gặp bất cứ tình trạng quá tải nào. Con chip Qualcomm Snapdragon 732G và 6GB RAM mang lại mức hiệu năng đủ để thực hiện tốt những tác vụ này.
Tương tự như các dòng Redmi đi trước, phiên bản thứ 10 của dòng điện thoại có thời lượng pin tuyệt vời. Ngay cả khi sử dụng ở chế độ tần số quét màn hình 120Hz, tôi có thể mang chiếc điện thoại theo đi làm và sử dụng cả ngày và về nhà với 35% thời lượng pin còn lại.
Phần mềm
Phiên bản Redmi Note 10 Pro mà tôi sử dụng chạy hệ điều hành MIUI 12.0.1 quốc tế. Đây là một hệ điều hành được xây dựng dựa trên nền tảng Android 11. Giao diện của MIUI 12 có màu sắc sống động, với những hoạt ảnh được hoàn thiện mượt mà, đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng.
Tuy nhiên, do có vài điểm hạn chế nhất định, MIUI không phải là hệ điều hành Android tùy biến mà tôi thích nhất. Một trong số đó phải kể đến chính là chế độ sử dụng một tay chỉ được kích hoạt khi sử dụng nút chức năng trên màn hình, điều này có thể khiến những ai thường xuyên sử dụng thao tác vuốt gặp nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng.
Mục cài đặt của MIUI có danh sách hơi quá phức tạp. Để lấy ví dụ, mỗi khi sử dụng một chiếc điện thoại mới, tôi thay đổi khoảng thời gian trước khi chiếc điện thoại tự động tắt màn hình. Ở gần như tất cả các dòng máy Android khác, cài đặt này nằm ở dưới mục “Hiển thị”. Với MIUI, bạn phải tìm trong mục “Màn hình khóa”.
Tổng kết
Được bán ở mức giá tầm trung, Redmi Note 10 Pro mang đến cho mọi tầng lớp người dùng một chiếc camera 108MP và màn hình OLED 120Hz. Tất nhiên, với những ai đã quen với việc sử dụng điện thoại flagship, việc chiếc điện thoại thiếu camera phóng to có thể sẽ khiến bạn phải cân nhắc lại trước khi quyết định chọn mua chiếc điện thoại. Tuy nhiên, với những ai nâng cấp điện thoại từ một dòng máy có giá thành tương đương với Redmi Note 10 Pro, bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt lớn về mặt hiệu suất sử dụng giữa hai sản phẩm.
Điểm cộng
- Hiệu năng tốt so với mức giá
- Màn hình OLED 120Hz
- Thời lượng pin siêu dài
- Camera chính 108MP chất lượng tốt
Điểm trừ
- Chất lượng hình của camera phụ không quá ấn tượng
- Có hiện tượng giật lag khi chuyển sang các camera khác khi chụp