Windows 95 Phát hành
Tháng 8 năm 1995 chứng kiến sự thay đổi lớn trong lịch sử máy tính: Windows 95. Về mặt kỹ thuật Windows 95 được thiết kế đa nhiệm 32-bit, tương thích ngược với các chương trình DOS và Windows 3.x hiện có, nó cũng hỗ trợ các công nghệ mới như DirectX và Plug and Play (Pray – Ed).
Windows 95 thực sự tạo nên tên tuổi Microsoft. Máy tính lúc này đã trở thành xu hướng phổ biến và nó gắn liền với cái tên Microsoft. Cuộc chiến đã ngã ngũ: Commodore phá sản, Atari đi vào ngõ cụt và Apple hầu như biến mất.
IBM vẫn có hệ điều hành OS/2, với bản phát hành mới nhất từ một năm trước, nhưng nó chỉ hỗ trợ các ứng dụng Win 3.x khiến nó không còn được ưa chuộng.
Khi Windows 98 đến, nó đã khắc phục nhiều sự cố mới phát sinh của Windows 95, với một hệ thống ổn định hơn, hỗ trợ phần cứng tốt hơn và cải tiến giao diện người dùng.
Đây cũng là lúc bắt đầu các vụ kiện độc quyền chống lại người khổng lồ, Microsoft tích hợp Internet Explorer với Windows. Bản thân hệ điều hành này đã đi kèm với các máy tính mới giúp Microsoft thống trị không chỉ PC mà cả việc sử dụng internet.
Tăng tốc đồ họa 3D đã mở ra một kỷ nguyên mới của game trên PC. Các card đồ họa 3D chẳng hạn như 3dfx’s Voodoo 2, Nvidia’s Riva TNT và ATI’s Rage series – là cột mốc nổi bật của những năm cuối thập kỷ 90.
Các trò chơi trước đây dựa vào CPU kết xuất đồ họa, các card đồ họa mới này mang đến cho PC thêm sức mạnh với GPU (Graphics Processing Unit – đơn vị xử lý đồ họa), giúp loại bỏ gánh nặng xử lý đồ họa khỏi CPU. Giúp việc chạy các game nhanh hơn đáng kể và các hiệu ứng đồ họa tuyệt đẹp.
Mặc dù 3dfx đã cố gắng chiếm lĩnh thị trường bằng API Glide độc quyền, nhưng cuối cùng nó vẫn thua các đối thủ sử dụng các tiêu chuẩn chung như DirectX và OpenGL của Silicon Graphics. Chiếc card đóng lại thập kỷ 90 là Nvidia GeForce 256.
Còn trên mặt trận CPU, AMD đã đi từ thành công này sang thành công khác. Năm 1996, AMD phát hành K5 thu hẹp khoảng cách công nghệ với Intel, nó trở thành đối thủ đầu tiên của Pentium, nhưng năm 1997 đã mang lại thành công thực sự với K6. Đây là một đối thủ ngang tầm với Pentium II mới nhất lúc bấy giờ, nhưng cũng có thể hoạt động trên các bo mạch chủ Socket 7 cũ hơn. Dòng K6 đã thành công rực rỡ với tập lệnh 3DNow nổi tiếng! nhanh hơn và giá rẻ hơn.
Các chip K6-2 và K6-3 tiếp tục cạnh tranh với các mẫu Pentium II và III tiên tiến, và cuối cùng thống trị hầu hết thị trường CPU phân khúc dưới 1.000 USD. AMD kết thúc thập kỷ với K7 Athlon năm 1999, CPU phổ thông đầu tiên phá vỡ mốc 1GHz.
Những năm 90 là thời kỳ của một hệ điều hành thống trị và hai nhà sản xuất CPU. Bên cạnh đó thị trường GPU cũng chỉ có Nvidia và ATI.
Thập kỷ này cũng chứng kiến sự ra mắt Linux Format, tiền thân của Linux Foundation và Corel Linux hiện tại, thế kỷ mới bắt đầu với Windows 2000 (được đánh giá là bản phát hành tốt nhất của Windows) và Windows Me (đạt danh hiệu hệ điều hành tệ nhất của Windows).
Windows 2000 dựa trên nền tảng NT của Microsoft, tách hệ điều hành Windows ra khỏi môi trường DOS, nhưng vẫn tương thích ngược với các chương trình Windows 9x và DOS.
Tháng 10 năm 2001 chứng kiến sự ra đời của Windows XP, sử dụng nhân NT giống như 2000, với giao diện được cải tiến và tăng khả năng đa phương tiện. Trong khi các phiên bản Windows trước khá buồn tẻ, XP có giao diện rực rỡ nhiều màu sắc.
XP đã khiến việc vi phạm bản quyền trở nên khó khăn hơn, nó là Windows đầu tiên có chương trình kích hoạt. Sự kết hợp giữa tính ổn định và GUI tuyệt vời đã khiến Windows XP trở thành một trong những hệ điều hành phổ biến nhất mọi thời đại.
Các nhà phát triển Linux đã coi trọng máy tính để bàn hơn với Ubuntu được phát hành năm 2004. Được đánh giá là “năm của máy tính để bàn Linux”!
Thời đại mã nguồn mở
Vào tháng 1 năm 2007, Windows Vista được phát hành, nó được thiết kế an toàn hơn và GUI mới sử dụng các hiệu ứng như độ mờ cửa sổ, nhưng nó đã bị cộng đồng oanh tạc không thương tiếc. Windows Vista có khả năng tương thích ngược kém, thời gian tải lâu, các vấn đề về trình điều khiển khiến nó hứng chịu tổn thất danh tiếng nặng nề.
Windows 7 ra mắt vào tháng 7 năm 2009. Dựa trên nền tảng tương tự như Vista, nó đã tinh chỉnh mã nguồn, cải thiện hiệu suất, cải thiện độ ổn định và sắp xếp giao diện hợp lý hơn.
Windows 7 trở thành hệ điều hành bán chạy nhất trong lịch sử và khoảng một phần ba số PC hiện nay vẫn đang sử dụng nó. Mặc dù Microsoft đã kết thúc hỗ trợ cho hệ điều hành này vào đầu năm 2020.
Vào tháng 7 năm 2012, trình duyệt Chrome của Google đã vượt qua Internet Explorer về tỷ lệ người dùng, tháng 4 năm 2013 cả Chrome và Firefox đều có tỷ lệ người dùng lớn hơn Internet Explorer, chấm dứt sự thống trị của Microsoft trên thị trường trình duyệt.
Tháng 10 năm 2012, Windows 8 được phát hành. Bất chấp những nỗ lực đổi mới của Microsoft, Windows 8 cũng rơi vào vòng lặp truyền thống (cứ một hệ điều hành tốt sau đó là một xấu). Lúc này số lượng các thiết bị di động đã vượt qua máy tính để bàn truyền thống, Windows 8 cố gắng thân thiện với giao diện “cảm ứng” hơn, loại bỏ nút “Start” và chuyển sang thiết kế ô vuông.
Kết quả thật khủng khiếp. Microsoft đã cố gắng khắc phục nhiều lời chỉ trích bằng cách phát hành Window 8.1, quan trọng nhất khôi phục nút “Start” và trả lại người dùng màn hình Desktop truyền thống. Nhưng tất cả đã quá muộn màng, cái kết đã được báo trước. Trong khi Windows 7 vẫn được sử dụng phổ biến thì Windows 8 gần như đi vào quên lãng.
Đưa Microsoft đến hiện tại, Windows 10 được phát hành vào tháng 7 năm 2015 với nhiều khen ngợi đi đôi với thất vọng. Một giao diện chức năng hơn pha trộn giữa GUI truyền thống của Windows 7 và phong cách thiết kế của Windows 8. Windows cuối cùng cũng hỗ trợ ảo hóa – thứ đã là một phần của Linux từ nhiều thập kỷ.
Mặt khác, người dùng tức giận với các bản cập nhật hệ thống bắt buộc, menu Start là một nồi lẩu, lượng dữ liệu thu thập đáng lo ngại và Microsoft Store làm suy giảm thiết kế mở của nền tảng PC.
Với tất cả điều đó, hiện nay Microsoft vẫn thống trị PC tiêu dùng, nhưng không còn là độc quyền. Apple đã bước qua một thập kỷ mạnh mẽ hơn Microsoft. Linux đã len lỏi vào mọi thứ, từ đồng hồ đeo tay đến siêu máy tính trên thế giới và 3% thị phần máy tính để bàn.
Microsoft đã thay đổi cách nhìn nhận Linux từ “một căn bệnh ung thư” đến tuyên bố “Microsoft yêu Linux”, tích hợp Windows với nhân Linux và chạy bản phân phối Azure Sphere Linux của riêng mình, bên trong trình duyệt Edge của mình với nhân Chromium và phát hành các dự án khác dưới dạng mã nguồn mở.
Theo dòng lịch sử PC, nó không còn là nền tảng thống trị như trước đây. IBM đã rời bỏ thị trường mà hãng tạo ra từ lâu. Máy tính đa dạng hơn và có nhiều biến thể, từ iPad đến điện thoại thông minh, từ Chromebook đến các thiết bị Android kỳ lạ mà bạn khó có thể phân loại nếu không tham khảo từ điển.
Thế giới điện toán đã bùng nổ và vươn ra rìa hệ mặt trời, nhưng PC không còn có quyền lực tối cao như trước nữa – và những gã khổng lồ khai sinh ra nó như IBM, Intel và Microsoft cũng vậy.
Hết Phần 4 – Vui lòng đón đọc phần 5 (phần cuối)
Các bài viết trong seri này: